So sánh các loại nồi nấu cơm để tìm hiểu bí quyết làm nên món cơm thơm ngon của người Nhật

Cho dù bạn đang sinh sống ở Nhật hay mới chỉ đến đây du lịch trong vài ngày, thì chắc hẳn bạn đều bị ấn tượng bởi hương vị thơm ngon của món cơm Nhật đúng không nào? Món cơm Nhật nóng hổi được dọn ra trên bàn nổi bật với những hạt cơm tròn, sáng bóng, hương thơm và vị ngọt. Người Nhật đặc biệt coi trọng gạo vì đây là loại lương thực chính của đất nước này. Từ việc phát triển rất nhiều thương hiệu gạo cũng như cho ra đời nhiều loại nồi cơm điện khác nhau, chúng ta có thể thấy người Nhật rất tỉ mỉ, tinh tế trong việc cải tiến để mang đến sự hoàn hảo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá bí mật tạo nên món cơm Nhật thơm ngon thông qua loại nồi nấu cơm mà người Nhật sử dụng hàng ngày.

*Interview opportunity provided for free by Tiger Corporation.

Nếu bạn muốn nấu được cơm ngon thì trước hết bạn cần biết được nguyên lý nấu cơm. Trong quá trình nấu, thành phần tinh bột trong gạo sẽ thay đổi. Hạt gạo hút nước và được đun nóng, nở ra, co lại và từ đó vị ngọt của gạo được sinh ra. Tỉ lệ nước và lượng nhiệt là hai yếu tố chính cần thiết để hồ hóa tinh bột. Vì vậy, một chiếc nồi có khả năng phân phối đều nước cho gạo và để gạo chín vừa tới là chìa khóa giúp làm nên món cơm ngon. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi đã chọn ra 3 loại nồi nấu cơm phổ biến ở Nhật để so sánh, tìm ra ưu điểm của từng loại.

Nồi đất - báu vật thiêng liêng được sử dụng tại các nhà hàng kiểu Nhật (Ryotei) ở Kyoto

Tăng nhiệt từ từ để tạo ra vị ngọt

Nồi đất là một dụng cụ nấu ăn truyền thống của Nhật Bản được làm từ đất sét và nung ở nhiệt độ cao. Nó đã phổ biến trong các gia đình Nhật Bản từ khoảng những năm 1950. So với nồi kim loại, nồi đất có khả năng chịu nhiệt và giữ nhiệt rất tốt, có thể giữ được vị ngon của nguyên liệu. Khi nhiệt độ tăng lên, các tia hồng ngoại xa được sinh ra, giúp ổn định nhiệt lượng truyền tới gạo.

Bí quyết tạo nên mùi thơm và vị ngọt của gạo ngon là quá trình thành phần tinh bột được enzym chuyển hóa thành đường. Người ta cho rằng nhiệt độ thích hợp nhất để enzym hoạt động là 40 ~ 60 độ C, và vì nồi đất có tốc độ tăng nhiệt chậm nên rất phù hợp để giữ nhiệt và với đặc điểm là khó nguội nên thời gian kích hoạt enzym sẽ mất nhiều hơn, từ đó tạo ra vị ngọt của cơm.

Chất liệu đất sét cũng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt. Nồi đất có vô số các lỗ nhỏ li ti. Đặc trưng này giúp hút phần nước thừa của cơm đã nấu chín hoặc làm thoát nước khi cơm nguội; do đó, nồi đất có tính năng giữ nhiệt tuyệt vời, hạn chế việc làm mất nước gây khô cơm. Cơm nấu bằng nồi đất nở đều, dẻo và có vị ngọt. Ở các ryotei (nhà hàng cao cấp phục vụ món ăn Nhật truyền thống) ở Kyoto, nồi đất là dụng cụ không thể thiếu để phục vụ các suất cơm niêu. Do đó, nồi đất luôn là vật dụng đặc biệt đối với người Nhật Bản.

Cách nấu cơm bằng nồi đất

Việc kiểm soát chính xác tỷ lệ gạo và nước là cách tốt nhất để nấu cơm ngon. Khi nấu cơm, người Nhật thường sử dụng đơn vị đo lường là "go (合)", 1 go tương đương khoảng 150 g, và nếu đo bằng cốc đong gạo thì thể tích là 180 ml, và bạn có thể nấu được khoảng hai cốc gạo trắng.

① Sau khi đổ đầy gạo vào cốc đong, dùng đũa hoặc ngón tay làm phẳng bề mặt cốc gạo để được "1 go".

② Đổ gạo vào dụng cụ đựng khác, vo kỹ, chắt hết nước, và đổ lại nước vào gạo theo đúng tỷ lệ để ngâm. Nếu bạn sử dụng 2 go gạo thì bạn sẽ cần 450 ~ 500 ml nước, và nếu là 3 go gạo thì cần 650 ~ 700 ml nước (lượng nước sẽ quyết định độ dẻo của cơm, do đó bạn sẽ có được tỉ lệ phù hợp với khẩu vị sau khi làm thử vài lần). Thời gian ngâm gạo tiêu chuẩn là khoảng 30 phút vào mùa hè và khoảng 1 tiếng vào mùa đông.

③ Cho nước và gạo đã hút đủ nước vào nồi. Căn chỉnh đáy nồi vừa với vòng lửa của bếp ga để nhiệt lượng được nhận đều.

④ Đầu tiên, đun ở lửa vừa trong vòng 8 ~ 10 phút cho sôi (thời gian sôi thực tế tùy thuộc vào kích thước bếp), sau đó giảm lửa nhỏ và tiếp tục đun trong 10 ~ 15 phút. Khi không còn hơi nước bay lên, tắt bếp và để trong 10 phút. Không mở nắp nồi ngay vào thời điểm này. Bằng cách nấu kỹ như vậy sẽ khiến gạo thấm đều nước, tăng thêm độ ngon của cơm.

Nấu cơm bằng nồi đất là phương pháp truyền thống, nếu nấu 3 go gạo thì thời gian để nấu chín là 30 phút. Ngoài nấu cơm, nồi đất còn có thể dùng để nấu các món hấp, hầm, súp,... nên có thể sử dụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau.

Nồi cơm điện – Vật dụng thiết yếu dành cho người bận rộn thời hiện đại

Thao tác đơn giản, nấu cơm chín chỉ với một nút bấm

Cơm nấu bằng nồi đất rất ngon, nhưng nếu là người mới nấu, bạn phải lưu ý mức lửa của bếp và cẩn thận để cơm không bị cháy. Ngoài ra, nồi đất được làm bằng đất nung nên thường rất nặng, nếu bạn vô tình làm rơi thì nồi có thể bị nứt. Vì lý do này, ngày nay nhiều người Nhật sử dụng nồi cơm điện để nấu cơm. Nồi cơm điện tích hợp sẵn thời gian ngâm gạo và nấu trong chương trình nấu cơm nên có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn (30 phút ~ 1 tiếng) so với sử dụng nồi đất nấu trực tiếp trên ngọn lửa, nhưng thao tác rất đơn giản. Ngoài ra, bạn cũng có thể hẹn giờ để nấu cơm. Nồi cơm điện còn có nhiều chức năng khác nhau như giữ ấm, điều chỉnh giảm nhiệt,... nên có thể nói rằng nó rất phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay.

"Nồi cơm điện cao tần kết hợp với nồi đất" – sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Nếu là người sành ăn, bạn có thể cảm thấy cơm nấu bằng nồi cơm điện có mùi thơm và vị ngọt kém hơn cơm nấu bằng nồi đất. Nhiều người dù rất bận rộn nhưng vẫn muốn “chỉn chu” trong từng bữa ăn. Vì lý do này, tập đoàn Tiger - công ty hàng đầu trong ngành thiết bị gia dụng của Nhật Bản, đã nghiên cứu ra một phương pháp không làm mất đi vị ngon của cơm ngay cả khi nó được nấu chín bằng một quy trình giản lược. Đó chính là việc tạo ra "nồi cơm điện cao tần cải biên nồi đất" bằng cách kết hợp các ưu điểm của nồi đất truyền thống với sự tiện lợi của nồi cơm điện hiện đại.

Nồi cơm điện JPL-G100 đạt tiêu chuẩn cao nhất trong ngành: tối đa hóa vị ngọt và độ dẻo của cơm

Với tiêu chí theo đuổi sự hoàn hảo, hãng Tiger đã cho ra mắt nồi cơm điện JPL-G100, có thể coi là sản phẩm nồi cơm điện tốt nhất hiện nay. Đây được xem là sản phẩm kỷ niệm 50 năm thương hiệu nồi cơm điện vào năm 2021. Công nghệ cao tần IH là sự kết hợp nguyên lý của một nồi áp suất với kĩ thuật đốt nóng cảm ứng điện từ IH. Lòng nồi bên trong là nồi đất thật, được nung bằng đất của đồ gốm Banko ở Yokkaichi, tỉnh Mie, một nơi sản xuất đồ gốm nổi tiếng Nhật Bản. Người ta phải mất 3 tháng để sản xuất ra một chiếc lõi nồi cơm điện như này.

Khi mức nhiệt của phần lõi nồi đạt đến khoảng 280°C (khoảng 130°C nếu lòng nồi làm bằng kim loại thông thường), quá trình hồ hóa gạo bắt đầu và công nghệ mới "cấu trúc áp suất đa tầng" sẽ nhẹ nhàng kiểm soát sự thay đổi áp suất, kết hợp với việc điều chỉnh nhiệt độ sôi sẽ giúp cho vị ngọt của cơm tăng lên từ từ. Công nghệ mới "Hari Tsuya Pump" giúp loại bỏ hơi nước dư thừa tạo ra trong lòng nồi trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao, để lại cơm có độ tơi dẻo.

Bí quyết nấu cơm ngon bằng nồi cơm điện

Việc nấu bằng nồi cơm điện tưởng chừng như đơn giản, nhưng để cơm thơm ngon, bạn cũng cần phải biết một số mẹo. Ví dụ như bạn cần phải đảm bảo một khoảng không gian nhất định dành cho lượng hơi bốc lên bên trong nồi, khiến không khí và nhiệt năng được đối lưu đầy đủ, giúp cho nồi được làm nóng đồng bộ. Nồi cơm điện JPL-G100 nói trên có kích thước vừa đủ để nấu 5,5 go gạo, nên nếu theo cách nghĩ thông thường khi bạn nấu ít gạo hơn, khoảng không gian bên trong sẽ trở nên quá lớn. Do đó, Tiger đã thiết kế đặc biệt một chiếc nắp bên trong dành cho những người nấu ít gạo (khoảng 1 go gạo) khi sử dụng nồi cơm điện JPL-G100. Với chiếc nắp trong kèm theo này, bạn có thể tạo không gian vừa đủ để nấu 1 go gạo.

Cách nấu cơm bằng nồi cơm điện rất đơn giản và người mới làm lần đầu cũng có thể thực hiện dễ dàng. Bạn chỉ cần vo gạo, sau đó cho lượng nước vừa đủ phù hợp với lượng gạo vào nồi và bấm nút chức năng tương ứng. Nếu bạn sử dụng nồi cơm điện JPL-G100, bạn có thể điều chỉnh mức độ dẻo của gạo trắng theo một trong 5 mức mong muốn (khô, hơi khô, tiêu chuẩn, hơi dẻo, dẻo), hoặc lựa chọn chương trình nấu tùy theo loại gạo như gạo trắng, gạo lứt, gạo trộn,... là bạn sẽ có ngay cơm nóng để thưởng thức. Hơn nữa, nấu cơm bằng nồi JPL-G100 sẽ cho bạn cơm ngon như nấu trong nồi đất. Nồi cơm điện sẽ giúp việc nấu cơm của bạn nhàn hơn, không lo nấu hỏng và cũng không ảnh hưởng đến độ ngon của cơm.

Nồi gang – người bạn đồng hành của đầu bếp

Dễ bắt nhiệt và không làm mất vị ngọt của gạo

Nồi gang cũng là một trong những loại nồi nấu cơm truyền thống được người Nhật ưa chuộng. Nồi làm bằng gang dày dặn nên có khả năng dẫn nhiệt và giữ nhiệt cực tốt. Toàn bộ nồi được làm nóng đồng đều, hiệu ứng đối lưu tốt; từng hạt gạo nổi lên, nở mềm khi chín tới; và khi mở nắp nồi, mùi thơm của cơm chín lan tỏa, kích thích khứu giác người ăn. Thời gian đun sôi ngắn nên thời gian để ủ và hấp sẽ lâu hơn, vị ngọt được giữ lại tối đa bên trong gạo.

Nồi gang được người Nhật ưa chuộng vì các ion sắt sẽ hòa tan khi nhiệt độ nồi tăng lên. Việc nấu ăn bằng nồi gang sẽ thu được chất sắt, một trong những loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng thiếu máu. Gần đây, nhiều nồi gang tương thích với bếp từ cũng được bán ở Nhật Bản. Đây là điều khiến các gia đình chỉ sử dụng bếp từ rất thích thú. Tuy nhiên, trọng lượng của nồi gang có thể là vấn đề đối với những người có thể trạng nhỏ hoặc với một số phụ nữ.

Cách nấu cơm bằng nồi gang

① Khi nấu bằng nồi gang cũng nên ngâm gạo trước, giống như cách nấu bằng nồi đất đã giới thiệu ở trên. Sau khi vo gạo, cho nước và gạo vào nồi theo tỷ lệ 1 go gạo và 200 cc nước (lượng nước có thể thay đổi tùy thuộc vào loại gạo. Bạn cần thử nhiều lần để điều chỉnh được tỉ lệ thích hợp).

② Sau khi ngâm gạo, cho gạo và nước vào nồi và nấu trên lửa vừa trong vòng 10 ~ 15 phút cho sôi (thời gian thực tế tùy thuộc vào kích thước của bếp). Khi cơm sôi, giảm xuống mức lửa nhỏ trong vòng 10 ~ 15 phút, khi bọt khí đã lắng xuống và nước đã cạn thì tắt bếp, để yên trong khoảng 10 phút là cơm chín.

So sánh tổng quan về các loại nồi

Cùng một loại gạo có thể tạo ra cơm thành phẩm có vị ngon khác nhau

Bạn có thể nhận thấy người Nhật đặc biệt coi trọng việc nấu cơm thông qua việc họ tìm kiếm chiếc nồi cơm điện phù hợp để sử dụng. Mỗi loại nồi cơm điện có thể tạo ra món cơm thành phẩm với chất lượng khác nhau. Ngoài loại nồi cơm điện được giới thiệu ở trên, nhiều người Nhật hiện nay đang sử dụng loại nồi gang thường thấy trong chế biến ẩm thực phương Tây để nấu cơm. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử nấu cơm bằng nhiều loại nồi khác nhau để tìm ra loại nồi cho hương vị thơm ngon phù hợp với khẩu vị và lối sống của mình nhé!

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Fuchi
Fuchi Pan
Tôi đến từ Đài Loan và hiện đang sinh sống ở Tokyo. Tôi đang đảm nhận vai trò là tác giả và biên tập. Mỗi khi đi du lịch, điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất chính là khi được thưởng thức đặc sản của địa phương đó. Tôi luôn mong muốn có thể truyền tải đến thế giới về những điều cuốn hút của Nhật Bản mà nhiều người nước ngoài chưa biết đến.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng