Ramune - Món đồ uống mùa hè truyền thống của Nhật Bản

Ramune là một trong những loại đồ uống không cồn nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, có hương vị khá lạ mà với những ai chưa từng uống thì rất khó để giải thích. Bên cạnh đó, cách mở nắp chai ramune cũng rất độc đáo và không giống với bất cứ loại chai nào bạn đã từng mở. Nếu bạn từng đến thăm những lễ hội diễn ra vào mùa hè ở Nhật Bản, chắc hẳn bạn đã từng trông thấy những tấm biển màu đỏ-trắng-xanh được treo trước các quầy hàng bán loại đồ uống này. Hoặc có lẽ bạn cũng đã từng nhìn thấy ramune tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi - nơi thường có bán kẹo có vị ramune. Nhưng nếu bạn chưa thực sự nếm thử chúng thì còn nhiều bí ẩn mà bạn chưa biết về loại đồ uống "có một không hai" này đó. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin thú vị xung quanh thức uống ramune, bao gồm lịch sử, thiết kế chai, địa điểm bán ramune và rất nhiều thông tin hữu ích khác.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Ramune là gì?

Ramune (ラムネ) là một loại đồ uống có ga không cồn có tên bắt nguồn từ từ tiếng Anh “lemonade” (có nghĩa là "nước chanh"). Trong tiếng Nhật, "nước chanh" được phát âm là "remonedo" (レモネード). Từ này chắc hẳn đã bị nghe nhầm khi du nhập vào Nhật Bản hoặc trải qua những thay đổi ngôn ngữ theo thời gian và dần rở thành "ramune". Vậy, ramune có phải là một loại nước chanh của Nhật Bản không? Có thể có mà cũng có thể không.

"Ramune" không phải là thứ nước chanh "lamonade" được pha từ nước chanh, nước lọc và đường như của người Mỹ. Ramune là một loại “nước chanh” theo cách hiểu của người dân Vương quốc Anh hoặc Úc: một loại đồ uống có ga có vị chanh giống như Sprite hoặc 7 Up. Ramune hơi giống với những loại nước ngọt này - đặc biệt là về giá trị dinh dưỡng, vì chúng đều chứa khoảng 9g đường trên 100 ml và không có caffein. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn không đủ để có thể xếp chúng vào cùng một loại.

Ramune có vị gì?

Thật khó để mô tả hương vị của ramune. Hầu hết những người đã uống ramune đều cho rằng "ramune có hương vị như ramune". Điều thú vị là thức uống này chỉ được làm từ một số ít các thành phần như nước có ga, đường, axit xitric và natri citrate (điều này khiến cho ramune được xếp vào loại đồ uống thuần chay và an toàn khi bảo quản ở nhiệt độ phòng, nhưng thường ngon hơn khi uống lạnh). Có thể nói, những đồ uống có hương vị rất giống nhau vẫn tồn tại, như “soda trắng” của Đông Âu, thường được mô tả là có hương vị giống với kẹo.

Các biến thể của ramune truyền thống (là phiên bản phổ biến nhất) thường có thêm vị dưa, táo hoặc dâu tây cũng đã có từ lâu. Bên cạnh đó một số công ty còn sản xuất thêm các hương vị ramune mới lạ như takoyaki, cà-ri, wasabi hoặc thậm chí là sốt kem hầm.

Cuối cùng, cách tốt nhất để biết được hương vị của ramune như thế nào là tự mình uống thử, nhưng điều đó có thể khiến một người không quen với loại đồ uống phải e dè.

Cách mở chai Ramune

Ramune nổi bật với hình dạng khác biệt và độc đáo, có thể được đựng trong chai thủy tinh hoặc nhựa. Thân chai có hình dáng thuôn dài và tròn ở phần cổ chai và dần thu hẹp về gần cuối. Chai ramune cũng có một vài vết lõm trên thân khiến nó không giống bất kỳ chai đồ uống nào người phương Tây từng thấy. Nhưng sự ngạc nhiên về thiết kế có thể sẽ chuyển dần sang bối rối và sau đó là thất vọng vì mở một chai ramune khá khó do không có nắp như những chiếc nắp chai truyền thống.

Để mở một chai ramune, trước tiên bạn phải bật dụng cụ mở bằng nhựa ẩn bên dưới phần nắp ở trên cùng. Sau đó, đặt dụng cụ mở lên miệng chai và ấn xuống, tiếp tục tạo áp lực để nước trong chai không bị trào ra ngoài. Đừng lo lắng nếu bạn không biết cách mở ramune trong lần thử đầu tiên. Nhiều người lần đầu tiên mở thử nắp đã phải khiến bọt tràn ra khắp tay. Nhưng nếu thực hiện đúng cách, bạn sẽ mở được những chai ramune này một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lần đầu tiên mở, chắc hẳn bạn cũng sẽ thắc mắc hình như có gì vừa rơi vào trong chai.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tại sao có một hòn bi trong chai Ramune?

Khi bạn mở thành công một chai ramune sẽ có một viên bi thủy tinh bật ra và rơi vào trong chai nước. Khi uống ramune, hãy đảm bảo cho viên bi được giữ ở chỗ vết lõm trên cổ chai, đừng để viên bi di chuyển quá gần miệng chai bởi nếu không nó sẽ ngăn cản dòng chảy của đồ uống tới miệng bạn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng lo lắng: vì viên bi quá lớn để rơi ra ngoài, vì vậy sẽ không có chuyện bạn vô tình nuốt phải nó.

Sau khi hoàn tất, bạn có thể vứt bỏ chai rỗng giống như các loại chai nhựa hoặc thủy tinh khác. Hay nói cách khác, chai ramune có thể tái chế được! Bạn không cần phải lấy viên bi ra trước (viên bi trong chai không ăn được). Trên thực tế, cố gắng cạy nắp để lấy viên bi ra có thể dẫn đến thương tích, vì vậy không nên thử lấy viên ra khỏi chai.

Ramune Nhật Bản là một ví dụ điển hình về một loại đồ uống truyền thống được gọi là "soda đá cẩm thạch". Loại chai này được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1872 bởi một kỹ sư người Anh tên là Hiram Codd. Trước đây, người ta thường sử dụng một viên bi bên trong chai nước ngọt có ga để giữ cho đồ uống luôn có bọt vì khí cacbonic có khả năng đẩy viên bi lên trên giúp tạo bọt. Ngày nay, chỉ có loại ramune của Nhật Bản và banta soda của Ấn Độ là còn sử dụng kiểu chai này.

Sau khi loại chai của Codd xuất hiện, ramune cũng được ra mắt ngay sau đó vào năm 1884, do dược sĩ người Scotland tên là Alexander Cameron Sim sáng tạo ra tại thành phố Kobe ở Nhật Bản. Vào thời điểm đó, Kobe là trung tâm giao thương lớn ở Nhật Bản và là nơi sinh sống của phần đông người nước ngoài. Nhưng tại sao cho đến tận bây giờ ramune vẫn giữ kiểu thiết kế "lỗi thời" như vậy? Điều này có thể được giải thích từ tâm lý hoài cổ, muốn giữ các giá trị lâu đời của người Nhật. Mặc dù kiểu chai Ramune có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng trải qua thời gian, ramune đã trở thành một phần tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản. Thiết kế và hương vị độc đáo của nó cũng đã thu hút được nhiều người hâm mộ đến từ nước ngoài.

Klook.com

Ramune và dịch COVID-19

Nhiều người Nhật Bản không thể tưởng tượng được việc vượt qua được cái nóng như thiêu như đốt mà không có một chai nước ramune lạnh giải khát. Nhưng đáng buồn thay, họ có thể sẽ sớm phải học cách vượt qua mà không có loại đồ uống này.

Hiện chỉ có 33 công ty vẫn đang sản xuất ramune, trong đó có Kawasaki Inryo, Hata Kousen, Tombow Beverage, Kimura Drink và Trebon Corporation. Trước đó, vào thời kỳ đỉnh cao, có khoảng 2.300 công ty tham gia sản xuất loại đồ uống này (Ramune không được đăng ký thương hiệu như Coca Cola nên bất kỳ công ty nào cũng được phép sản xuất). Vấn đề ở đây là ngày càng có ít người mua nó. Theo một số báo cáo, doanh số bán ramune đã giảm xuống đáng kể và chạm mức 76%.

Nguyên nhân của tình hình suy giảm này có thể là do đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội và tình trạng khẩn cấp khiến nhiều lễ hội của Nhật Bản đã bị hủy bỏ và kéo theo đó là số lượng ramune được bán ra cũng giảm đi đáng kể. Bạn có thể mua đồ uống này trong các siêu thị như Seiyu hoặc AEON và thậm chí một số cửa hàng tiện lợi, tuy nhiên, ramune sẽ ngon hơn khi được thưởng thức trong không khí lễ hội mùa hè ở Nhật Bản. Ramune mua ở cửa hàng hoặc siêu thị có giá khá rẻ chỉ khoảng 80-90 yên. Trong khi đó, ramune bán tại một số lễ hội đôi khi có thể lên đến 200 yên/chai hoặc hơn!

Ramune: Thức uống mang theo hương vị của Nhật Bản

Mặc dù mọi người đều có những cảm nhận riêng về hương vị của ramune, nhưng tất cả đều đồng ý rằng loại đồ uống này có vị rất ngon, đặc biệt là khi thưởng thức trong lễ hội vào một ngày hè nóng bức ở Nhật. Nó có thể không phải là loại đồ uống dễ uống nhất, nhưng lại nổi bật với những hương vị và thiết kế rất riêng! Ramune thực sự là một trong những loại đồ uống đặc trưng và là một phần không thể thiếu của văn hóa Nhật Bản, vì vậy hãy thử một chai nếu có cơ hội nhé!

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Ảnh tiêu đề: PIXTA

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Cezary
Cezary Strusiewicz
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng