Makoto Komai - Truyền tải sức hấp dẫn của nghệ thuật Nhật Bản qua những chiếc áo phông

Cách tuyệt vời nhất để tìm hiểu về một quốc gia là tìm hiểu về người dân địa phương của đất nước đó. Trong chuyên mục “People of Japan”, chúng tôi sẽ đưa bạn đến gần hơn với Nhật Bản thông qua những cuộc trò chuyện với các chủ doanh nghiệp, đại sứ văn hóa và những con người tuyệt vời đang sinh sống tại đất nước này. Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn anh Makoto Komai, một người nghệ sĩ sống ở tỉnh Shizuoka, chuyên làm nghề in áo phông trong suốt hơn 25 năm. Mục tiêu của anh là mang nét đẹp trong nghệ thuật truyền thống Nhật Bản vào cuộc sống hàng ngày thông qua những chiếc áo phông. Hãy đọc tiếp bài viết để hiểu hơn về công việc kinh doanh của Makoto và những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời mà anh ấy đã tạo ra nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Makoto Komai - Nghệ sĩ đằng sau những thiết kế áo phông nghệ thuật WAJIN Nhật Bản

Trên một con đường núi yên tĩnh ở vùng núi Nishi-Izu, tỉnh Shizuoka, có một "kominka" (ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản) hơn 100 năm tuổi, vừa là căn nhà sinh sống vừa là xưởng của Makoto Komai, một nghệ sĩ đã thiết kế và in "áo phông nghệ thuật" của Nhật Bản trong hơn 25 năm.

Nếu trước đây bạn đã từng đến sân bay Narita và dạo qua một trong số các cửa hàng tại đây, bạn có thể đã bắt gặp tác phẩm của Makoto. Cho đến khi Nhật Bản đóng cửa với khách du lịch quốc tế vào năm 2020, Makoto đã có một cửa hàng trong sân bay bày bán sản phẩm áo phông do anh làm ra. Với khách du lịch nước ngoài đang tìm kiếm một món quà lưu niệm để ghi dấu khoảng thời gian họ ở Nhật Bản thì đây chính là món quà hoàn hảo. Đến nay, Makoto vẫn tiếp tục điều hành công việc kinh doanh của mình tại xưởng sản xuất WAJIN (nơi sản xuất ra những chiếc áo phông nghệ thuật) để đưa nghệ thuật Nhật Bản đến gần hơn với cuộc sống của mọi người.

Từ người đam mê du lịch trở thành một nghệ sĩ

Makoto chưa từng có kế hoạch trở thành một người nghệ sĩ. Khi 20 tuổi, anh bắt đầu đi du lịch khám phá thế giới và không có bất kỳ kế hoạch nào cho sự nghiệp tương lai của mình. Để chi trả cho những chuyến đi của mình, anh ấy thường mang về các tác phẩm nghệ thuật và những món đồ thú vị mà anh tìm thấy ở nước ngoài, sau đó đem bán ở Nhật Bản. Bằng cách này, Makoto đã dành gần 10 năm để đi du lịch và gặt hái được những kiến thức quý giá về các nền văn hóa khác, đồng thời cũng nhận ra những giá trị quan trọng của nền văn hóa nước nhà.

Sau khoảng thời gian truyền bá nghệ thuật của các nền văn hóa khác đến với người dân Nhật Bản, Makoto nhận ra rằng nghệ thuật Nhật Bản cũng có nét độc đáo riêng và rất đáng để chia sẻ với các nền văn hóa khác. Cùng với mong muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật của riêng mình thay vì bán của người khác, Makoto bắt đầu sáng tạo ra những thiết kế mang phong cách Nhật Bản và in chúng lên những chiếc áo phông - điều mà chưa ai làm vào thời điểm đó.

Từ chợ trời đến mở doanh nghiệp riêng

Mặc dù không theo học bất kỳ trường lớp hay quá trình đào tạo nghệ thuật nào, nhưng với khả năng nghệ thuật thiên bẩm của mình, Makoto đã sáng tạo ra các sản phẩm của riêng mình, và đã có nhiều người trả tiền để anh thiết kế áo ngay ở thời điểm mới bắt đầu kinh doanh. Lúc đầu, Makoto bán các sản phẩm của mình tại các chợ trời vào cuối tuần và các địa điểm mở cửa tạm thời khác, nhưng sau đó những chiếc áo anh làm ra đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của một nhà bán lẻ, người này sau đó đã mời Makoto bán áo tại cửa hàng của họ.

Sau đó, hầu hết công việc kinh doanh của anh đã chuyển từ bán hàng trực tiếp sang ký gửi, với điểm đột phá lớn nhất là một cửa hàng ở sân bay Narita, nơi bán toàn bộ dòng áo phông của Makoto với mọi kích cỡ. Ở thời điểm phát triển nhất, ước tính cửa hàng của Makoto thường bán khoảng 2.000 chiếc áo mỗi tháng, trước khi phải ngừng hoạt động do lệnh hạn chế nhập cảnh khách du lịch quốc tế vào năm 2020.

Trong quá trình sản xuất, Makoto chỉ sử dụng một loại áo phông duy nhất của Xưởng dệt may Kume có trụ sở tại Tokyo - công ty sản xuất áo phông tại Nhật Bản từ khâu dệt vải. So với hầu hết những chiếc áo phông được sản xuất trên thế giới, chi phí sản xuất một chiếc áo của Makoto cao hơn đáng kể, bởi điều anh quan tâm là chất lượng của những sản phẩm "Made in Japan". Về điều này, anh nói: “Tôi nghĩ số lượng khách nước ngoài mua áo của tôi sẽ tăng lên, nên điều quan trọng là phải cung cấp một sản phẩm thể hiện đầy đủ những gì tốt nhất của nghề thủ công Nhật Bản ở mọi khía cạnh, không chỉ trong thiết kế in ấn.”

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Sự sáng tạo của một bậc thầy thiết kế áo phông - Quá trình sáng tạo của Makoto

Chúng tôi đã yêu cầu Makoto mô tả quá trình làm ra một thiết kế mới. Anh ấy chia sẻ với chúng tôi rằng ban đầu trong đầu anh ấy chỉ có một ý tưởng mơ hồ về một sản phẩm nào đó. Sau đó, anh ấy bắt đầu tạo ra bố cục bằng cách thu thập ý tưởng và nguồn cảm hứng phù hợp với sản phẩm của mình, có thể là từ các bức ảnh, các tác phẩm nghệ thuật cũ của Nhật Bản, các mẫu trên tạp chí hoặc một số bản vẽ.

“Lúc đầu, tôi chưa có ý tưởng cụ thể nào cả, nhưng khi tôi tham khảo hết nguồn cảm hứng này đến nguồn cảm hứng khác, tôi cũng lên được ý tưởng cho sản phẩm ban đầu mà mình mong muốn được làm ra. Ví dụ, nếu tôi đang lên ý tưởng vẽ bức tranh về một con cá vàng, tôi không nhất thiết phải vẽ ngay một con cá vàng từ đầu. Khi lần đầu tiên nhìn thấy cá vàng, tôi có thể cảm nhận được có một điều gì đó thật hấp dẫn, bí ẩn, truyền cảm hứng. Sau đó tôi sẽ truyền tải những cảm nhận này của mình lên những bức vẽ để tạo ra sản phẩm. Nhưng các mẫu thiết kế và cách chúng phối hợp với nhau ra sao sẽ là những yếu tố mà tôi quyết định trong suốt quá trình sáng tạo.”

Khi Makoto tạo ra được một bản thảo có thể truyền cảm hứng và cảm xúc ban đầu mà anh ấy muốn truyền tải, anh sẽ thêm các bản thảo này vào máy tính của mình để điều chỉnh định vị và tỷ lệ trước khi hoàn thiện phần hình ảnh của sản phẩm. Sau đó, anh ấy sẽ vẽ bản vẽ đó vào ba tấm giấy nến riêng biệt, mỗi tấm cho một lớp màu khác nhau trong bản in, và gửi đến một công ty sản xuất để in lụa.

Mặc dù Makoto có thể sử dụng phần mềm để vẽ trực tiếp các đường stencil lên bản phác thảo ban đầu nhưng anh thường vẽ các đường stencil bằng tay trước khi vẽ lại bằng phần mềm. “Tôi thực sự muốn những nét vẽ của mình được thể hiện qua bản in cuối cùng. Nếu tôi cố gắng sử dụng công nghệ để vẽ, sản phẩm sẽ không truyền tải được trọn vẹn xúc cảm ban đầu”.

Sau khi các bản vẽ stencil được hoàn thành, chúng sẽ được mang đi in. Các mẫu thiết kế của Makoto thường bao gồm 3 lớp với 3 màu khác nhau. Anh thường trộn mực thủ công mỗi lần in, chính vì thế mà mỗi lô áo sơ mi thường trông rất khác nhau. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo nên nét độc đáo cho từng sản phẩm của WAJIN, điều mà bạn chắc chắn không thể tìm thấy được ở một chiếc áo thun sản xuất hàng loạt.

Ngoài ra, Makoto cũng thường sử dụng mực gốc nước thay vì mực dầu - vốn là loại mực in dành cho những sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Anh chia sẻ rằng mực in gốc nước có một số nhược điểm như khô nhanh (nghĩa là các lỗ trên áo thường bị tắc nghẽn và sẽ phải lau sạch giữa mỗi lần in) nhưng lại cho ra được thành quả tốt hơn với chất lượng cao cấp hơn so với các sản phẩm được in bằng mực gốc dầu. Điều này là do mực gốc nước có thể được làm khô trong không khí, không giống như mực gốc dầu phải qua xử lý nhiệt. Điều này giúp cho bản in mềm mại và chính xác hơn. Ngoài ra, mực gốc nước chứa ít hóa chất hơn, điều này khiến chúng trở thành một loại mực in thân thiện với môi trường hơn so với mực gốc dầu.

Klook.com

Đưa nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản vào cuộc sống hàng ngày: Chủ đề chung trong các mẫu thiết kế của Makoto

Nhìn chung, các thiết kế của Makoto được thiết kế với nhiều chủ thể, màu sắc, bố cục và thậm chí cả phong cách khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều chứa đựng nét đặc trưng của thẩm mỹ Nhật Bản, kết hợp nghệ thuật Nhật Bản vào cuộc sống hàng ngày. Hãy chiêm ngưỡng những sản phẩm của Makoto, bạn sẽ hiểu được tại sao anh ấy gọi chúng là "những chiếc áo nghệ thuật". 

Chúng hoàn toàn không giống những thiết kế mà người ta thường thấy ở những sản phẩm giảm giá tại một quầy hàng lưu niệm giá rẻ ở đâu đó, những sản phẩm của Mokoto tràn đầy sức sống và thể hiện rõ niềm đam mê của anh. Không có gì bất ngờ nếu những chiếc áo của anh được đóng khung trên tường như một vật trang trí.

Nhìn qua các thiết kế của Makoto, một trong những chủ đề khá phổ biến chính là Phật giáo, vì nhiều thiết kế của anh có hình các vị thần và biểu tượng Phật giáo khác nhau. Khi chúng tôi hỏi Makoto về điều này, anh ấy giải thích rằng anh đặc biệt thích làm các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến Phật giáo, vì nó mang một thế giới quan khác với các tác phẩm nghệ thuật thời Edo thường gắn liền với Nhật Bản. Tất nhiên, Makoto cũng tạo ra một số thiết kế theo phong cách Edo mang tính biểu tượng, nhưng bản thân anh yêu thích tính thẩm mỹ nhẹ nhàng của các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản hơn.

Trong những năm qua, Makoto đã tạo ra rất nhiều mẫu thiết kế và vẫn tiếp tục tạo ra những thiết kế mới mỗi năm. Anh mô tả rằng thật khó để biết sản phẩn nào sẽ trở thành "xu hướng" vì đôi khi những cái mà bản thân Makoto thích cuối cùng lại hầu như không bán được. Theo thời gian, những mẫu thiết kế mà Makoto sáng tạo ra đã trải qua một sự thay đổi lớn, chỉ có các mẫu phổ biến nhất sẽ được tiếp tục sản xuất còn các mẫu thiết kế không mấy phổ biến sẽ không được in nữa. Đáng ngạc nhiên là một trong những thiết kế lâu đời nhất của Makoto về cá vàng đã được sản xuất hơn 20 năm và vẫn được ưa chuộng cho đến ngày nay. Điều đó chứng tỏ các tác phẩm nghệ thuật của anh có thể đứng vững theo thời gian.

Niềm hy vọng của Makoto về tương lai

Như đã nói ở trên, cửa hàng ở sân bay Narita, nơi từng trưng bày toàn bộ những bộ sưu tập của Makoto và chiếm một phần lớn doanh thu của anh đã đóng cửa sau lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế vào năm 2020. Trước đó, Makoto đã có một cửa hàng trực tuyến trên website riêng của mình, nhưng vì các cửa hàng truyền thống vẫn là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh nên anh ấy đã không quảng bá trang web của mình nhiều mãi cho đến thời gian gần đây.

Tuy nhiên, trang web này đã trở thành một phần trọng tâm trong việc kinh doanh hiện tại của Makoto và anh ấy đang bắt đầu thử nghiệm một số phương pháp sáng tạo để quảng cáo về áo phông nghệ thuật của mình. Một trong những nỗ lực đó là chiến dịch Kickstarter mà anh đã hợp tác với tsunagu Japan Crowdfunding, thiết kế một bộ ba áo phông mới, mỗi chiếc đại diện cho một ngôi đền nổi tiếng ở Nhật Bản. Makoto hy vọng thông qua dự án này, du khách nước ngoài sẽ biết thêm về thương hiệu của mình và chọn mua các sản phẩm của anh như một món quà lưu niệm trong những chuyến du lịch đến Nhật Bản của họ.

*Bạn có thể tham khảo thêm về chiến dịch này tại đây

Truyền tải sức hấp dẫn của nghệ thuật Nhật Bản đến du khách thông qua những chiếc áo phông nghệ thuật là nguồn cảm hứng để Makoto tiếp tục phát triển thương hiệu của mình. Makoto mong muốn trong tương lai sẽ kết nối được với nhiều khách hàng hơn nữa thông qua internet để tiếp tục thực hiện đam mê của mình. “Với nghệ thuật của mình, tôi hy vọng rằng mọi người sẽ khám phá ra một cách mới để cảm nhận vẻ đẹp của những thứ vốn đã lâu đời. Tôi rất vui khi mọi người có thể thoải mái cảm nhận nét đẹp của nghệ thuật và biến nó trở thành một phần trong cuộc sống của mình”.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Tuyển tập Chubu

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Kurisu
Kurisu
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng