10 điều cần biết về cách thức đăng ký nhận trợ cấp 10 vạn yên của Chính phủ Nhật Bản

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp ở Nhật Bản và vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Trước bối cảnh cả thế giới đang hỗn loạn, chưa biết tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến khi nào, chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua chính sách "hỗ trợ tiền trợ cấp đặc biệt" như một biện pháp kinh tế để đối phó với sự lây lan của loại vi rút này. Nói một cách đơn giản, chính sách “trợ cấp 10 vạn Yên cho tất cả những người đang sinh sống tại Nhật Bản” là cách để chính phủ Nhật Bản “hỗ trợ sinh hoạt phí cho các hộ gia đình một cách nhanh chóng và chính xác nhằm khắc phục thảm họa quốc gia vô hình”. Người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản cũng là đối tượng được nhận khoản trợ cấp này. Tuy nhiên, đơn đăng ký và văn bản hướng dẫn chỉ có nội dung bằng tiếng Nhật nên hẳn nhiều người nước ngoài ở Nhật sẽ cảm thấy lúng túng khi làm thủ tục đăng ký nhận trợ cấp. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giải thích khái quát về khoản tiền trợ cấp cố định đặc biệt 10 vạn yên dự kiến mở đăng ký từ ngày 1/5/2020 và hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký nhận trợ cấp. Đây cũng chính là 10 điều người nước ngoài tại Nhật Bản cần biết về cách thức đăng ký khoản trợ cấp đặc biệt này.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

10 điều cần biết để chắc chắn nhận được trợ cấp

1. Đối tượng được nhận trợ cấp là ai? Người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật có nằm trong nhóm đối tượng đó?

Đối tượng nhận tiền trợ cấp là tất cả người sống tại Nhật Bản có tên trong Sổ đăng ký lưu trú cơ bản (住民基本台帳) (*) tính từ thời điểm ngày 27/4/2020. Người nước ngoài đủ điều kiện lưu trú tại Nhật Bản từ 3 tháng trở lên và xuất trình Giấy đăng kí lưu trú tại chính quyền địa phương cũng là đối tượng được nhận trợ cấp. Nếu bạn đang sống tại nước ngoài vì một lý do nào đó, nhưng vẫn có tên trong Sổ đăng ký lưu trú cơ bản thì bạn vẫn thuộc đối tượng được chi trả.

Về nguyên tắc, người có quyền nhận trợ cấp là chủ hộ gia đình của đối tượng được chi trả. Ví dụ, trường hợp hộ gia đình 3 người gồm chồng là chủ hộ, vợ, con cùng sinh sống, nếu tất cả thành viên trong gia đình đều là đối tượng được chi trả trợ cấp thì người chồng có quyền đăng ký nhận “10 vạn yên x 3 = 30 vạn yên”. Còn đối với các căn hộ tập thể có nhiều người cùng sống chung thì mỗi người là chủ hộ riêng nên thủ tục đăng ký phải thực hiện riêng biệt. Trong trường hợp chủ hộ không thể đăng ký và tiếp nhận vì một lý do nào đó, người được ủy quyền của chủ hộ có thể đăng kí và nhận trợ cấp theo dạng ủy quyền. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ sự khác nhau giữa đối tượng được chi trả và người có quyền đăng ký trợ cấp để tránh nhầm lẫn.      

(*) Sổ đăng ký lưu trú cơ bản là sổ tổng hợp lưu trữ các giấy đăng ký lưu trú do các chính quyền địa phương quản lý.

Link tham khảo:
Tiếng Việt: https://www.soumu.go.jp/main_sosiki/jichi_gyousei/c-gyousei/zairyu/vietnamese/index.html

2. Cách đăng ký nhận tiền trợ cấp

Bạn có thể đăng ký nhận tiền trợ cấp theo 2 cách: đăng kí qua bưu điện hoặc đăng kí trực tuyến. Đối với phương thức đăng ký qua bưu điện, chính quyền địa phương sẽ gửi mẫu "Đơn đăng ký nhận tiền trợ cấp cố định đặc biệt" đến các địa chỉ được ghi trong Sổ quản lý lưu trú cơ bản, khi đó chủ hộ hoặc người ủy quyền chỉ cần điền các thông tin như họ tên, địa chỉ hiện tại, ngày tháng năm sinh, đơn vị công tác, số tài khoản nhận tiền trợ cấp,... kèm theo giấy xác minh tùy thân và gửi trả lại cơ quan chính quyền địa phương là hoàn tất thủ tục. 

Giấy tờ xác minh tùy thân có thể là bản sao giấy phép lái xe, thẻ định danh My number, thẻ bảo hiểm y tế hoặc thẻ lưu trú; cùng với đó là giấy tờ xác minh tài khoản như bản sao sổ tài khoản tiền gửi hay thẻ ATM,... Thời hạn đăng ký trên nguyên tắc là trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm bắt đầu tiếp nhận đăng ký qua bưu điện, vì vậy bạn nên hoàn tất thủ tục đăng ký ngay khi nhận được thông tin từ chính quyền địa phương.

Đối với phương thức đăng ký trực tuyến, thủ tục sẽ được thực hiện trên website "Cổng thông tin" của Chính phủ Nhật Bản. Nội dung điền phiếu đăng ký cũng tương tự như phương thức đăng ký qua bưu điện, tuy nhiên bạn sẽ cần có thẻ định danh My number và IC card reader. Bạn cần tải lên giấy tờ xác minh tài khoản ngân hàng như sổ tài khoản tiền gửi hoặc thẻ ngân hàng,... Tuy nhiên, với phương thức này bạn chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh để hoàn tất thủ tục mà không cần giấy tờ xác minh tùy thân. Do đó, đây là phương thức đăng ký được khuyến khích sử dụng đối với những người có thẻ định danh My number.

Tuy nhiên, khi đăng ký trực tuyến, bạn cần lưu ý về việc phải nhập dãy số mật khẩu (dãy chữ số La tinh có độ dài từ 6~16 kí tự) (*) của chứng chỉ điện tử dùng làm chữ kí đã thiết lập khi được cấp thẻ định danh My number.
(*) Trường hợp bạn nhập sai dãy số mật khẩu 5 lần liên tiếp thì mật khẩu sẽ bị khóa, khi đó bạn phải đến cơ quan chính quyền địa phương nơi phát hành thẻ để hủy khóa mật khẩu, đăng ký khởi tạo và thiết lập lại mật khẩu.

Ngoài ra, trong mục yêu cầu thông tin thẻ ATM để làm giấy tờ xác minh nơi chuyển khoản, trường hợp trên thẻ có ghi các thông tin ngoài những thông tin như “tên ngân hàng", “mã số chi nhánh”, “loại tiền gửi (thông thường hoặc giao dịch)”, “số tài khoản”, “tên tài khoản (tên viết bằng Katakana)”, thì bạn có thể che đi những thông tin còn lại, thẻ vẫn được chấp nhận.

Tham khảo: Hướng dẫn về tiền trợ cấp cố định đặc biệt (tiếng Việt)

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

3. Phương thức nhận tiền trợ cấp 10 vạn yên

Tiền trợ cấp theo nguyên tắc sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của chính chủ (người đăng ký nhận trợ cấp). Nếu người đăng ký không có tài khoản ngân hàng thì có thể đến cơ quan chính quyền địa phương tại nơi cư trú để nhận trực tiếp. Tuy nhiên, nếu người đăng ký chỉ định tổ chức tài chính ở nước ngoài thì có khả năng không thể chuyển khoản được. Trường hợp này cũng được dự kiến sẽ được trao trả trực tiếp.

Klook.com

4. Thời gian thực tế nhận được tiền trợ cấp 10 vạn yên và thời điểm chi trả

Thời điểm tiền trợ cấp được chuyển khoản đến tài khoản ngân hàng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng địa phương; dự kiến những địa phương có quy mô dân cư càng nhỏ thì thời điểm chi trả càng sớm và địa phương có quy mô dân cư lớn thì sẽ chậm hơn. Hiện tại vẫn chưa có quy định chính thức nhưng chính phủ cho biết tiền trợ cấp sẽ được chuyển khoản sau khoảng 2 tuần ~ 1 tháng kể từ khi đăng ký. Bạn nên thường xuyên kiểm tra thông tin trên website chính thức của chính quyền địa phương nơi đăng ký lưu trú và các trang mạng xã hội SNS để biết thêm chi tiết. 

5. Nếu tôi không muốn nhận tiền trợ cấp...? Một vài điểm cần lưu ý để tránh nhầm lẫn khi đăng ký

Trong đơn đăng ký có mục chọn “Không muốn nhận tiền trợ cấp” ở bên cạnh mục điền tên người đăng ký. Trường hợp bạn không muốn nhận tiền trợ cấp thì chỉ cần đánh dấu vào mục này. Ngoài ra, nếu bạn không muốn nhận trợ cấp theo đơn vị hộ gia đình thì bạn có thể bỏ qua thủ tục đăng ký này.

Tuy nhiên, đây là tiền được chi trả cho toàn bộ người dân sống tại Nhật Bản nên bạn nên kiểm tra kỹ trước khi gửi đi, để không nhầm lẫn đánh vào mục từ chối nhận trợ cấp.

6. Phải làm sao nếu tôi muốn nhận trợ cấp riêng với chủ hộ do một số vấn đề trong gia đình

Nhiều trường hợp gặp khó khăn khi đăng ký tiền trợ cấp do họ không sống cùng chủ hộ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có bạo hành gia đình. Chính sách chi trả tiền trợ cấp cố định đặc biệt lần này đã đưa ra một số điều kiện đặc biệt đối với người đang phải sống sơ tán vì đang bị vợ/chồng bạo hành. Dưới đây là điều kiện xác thực người đăng ký có thuộc đối tượng này hay không.  

[Điều kiện áp dụng]
*1. Bạn đang nhận sự bảo vệ dựa trên Luật phòng chống bạo hành gia đình
*2. Bạn đã được Trung tâm tư vấn phụ nữ cấp "Giấy chứng nhận bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình" hoặc giấy tờ xác nhận từ các cơ quan ứng phó với bạo hành gia đình (Trung tâm tư vấn & hỗ trợ về bạo hành gia đình hoặc chính quyền địa phương,...).
*3. Đăng ký lưu trú của bạn được chuyển đến địa phương đang sống hiện tại sau ngày 28/4/2020 và bạn thuộc đối tượng “đang được nhận biện pháp hỗ trợ” hạn chế xét duyệt Sổ đăng ký lưu trú cơ bản. 

Tham khảo: Thông báo về tiền trợ cấp cố định đặc biệt của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Những người đáp ứng 1 trong 3 điều kiện nói trên có thể nhận tiền trợ cấp cố định đặc biệt ngay cả khi họ không phải là chủ hộ bằng cách nộp đơn đến cơ quan chính quyền địa phương nơi hiện đang sống. Người này cũng có thể nhận phần tiền trợ cấp của con cái nếu họ có con. Ngoài ra, khi người này đăng ký nhận trợ cấp, nếu chủ hộ cũng tiến hành đăng ký cho nạn nhân bạo hành và người sống cùng thì đăng ký của chủ hộ sẽ không có hiệu lực.

*1……Luật bảo vệ là mệnh lệnh do Toà án ban hành để bảo vệ nạn nhân khỏi bạo hành gia đình theo quy định của Luật phòng chống bạo hành gia đình (tên gọi khác của luật này là Luật phòng chống DV). Điều này bao gồm lệnh cấm tiếp cận nạn nhân và lệnh trục xuất khỏi khu vực của nạn nhân.
*2……Điều kiện này phụ thuộc vào việc bạn có hay không việc được Trung tâm tư vấn phụ nữ trên toàn quốc cấp Giấy chứng nhận bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình. Điều này tương ứng với trường hợp có giấy chứng nhận bị bạo hành gia đình. 
*3……Điều kiện này áp dụng với người chuyển đến địa phương mới và đăng ký cư trú sau ngày 28/4/2020. Đồng thời, người này đã đăng ký biện pháp hỗ trợ bạo hành gia đình tại nơi mới chuyển đến thì sẽ được công nhận.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

7. Người vô gia cư và người đang lưu trú tại quán cafe internet cũng được nhận trợ cấp nếu có Giấy đăng ký lưu trú

Người vô gia cư không có nhà ở và người đang lưu trú tại quán cafe internet cũng nằm trong nhóm đối tượng nhận trợ cấp nếu tên của họ được đăng ký trong Sổ quản lý lưu trú cơ bản. Trường hợp đăng ký đã bị xóa nhưng đăng ký lại sau ngày 27/4/2020 thì cũng thuộc đối tượng chi trả. 

8. Những người sinh sau ngày quy định và người mất trước ngày quy định sẽ không được nhận trợ cấp?

Chính sách lần này đã lấy ngày 27/4/2020 là ngày quy định. Điều kiện để được chi trả trợ cấp đã được trình bày ở trên, còn những người sinh sau ngày quy định, và người mất trước ngày quy định sẽ không thuộc nhóm đối tượng nhận trợ cấp. Tuy nhiên, người sinh trước ngày quy định, người đã mất sau ngày quy định và người mất đúng ngày quy định cũng thuộc nhóm đối tượng nhận trợ cấp.

9. Tiền trợ cấp này có bị đánh thuế không?

Tiền trợ cấp cố định đặc biệt không phải là đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.

10. Liên hệ Tổng đài tư vấn người nước ngoài để giải đáp thắc mắc

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã thành lập Tổng đài tư vấn đa ngôn ngữ giải đáp thắc mắc về tiền trợ cấp cố định đặc biệt. Tổng đài này có thể đáp ứng 11 ngôn ngữ, gồm tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Indonesia, tiếng Tagalog, tiếng Nepal.

・Navi Dial: 0570-066-630
・Điện thoại ID & PHS: 03-6436-3605
・Thời gian tư vấn: 8:30 ~ 17:30 (nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ)

Klook.com

Nội dung đơn đăng ký và cách điền

Trên đây là những thông tin khái quát và điểm cần lưu ý đối với tiền trợ cấp cố định đặc biệt, tuy nhiên nhiều người nước ngoài tại Nhật Bản vẫn gặp khó khăn trong việc đăng ký nhận tiền trợ cấp. Điều này là do đơn đăng ký chỉ có tiếng Nhật. Do đó, những người đăng ký không thông thạo tiếng Nhật có thể sẽ gặp khó khăn trong việc điền đơn đăng ký nhận trợ cấp.

Do đó, nội dung dưới đây sẽ giới thiệu cách điền thông tin trong đơn đăng ký nhận trợ cấp để bạn có thể tham khảo. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cách điền mặt trước và mặt sau của đơn đăng ký.

Mặt trước yêu cầu điền các thông tin về chủ hộ và đối tượng chi trả trợ cấp, số tài khoản,... Các mục thông tin cơ bản sẽ chỉ có ở mặt trước của đơn đăng ký.

Mặt sau yêu cầu dán bản sao giấy tờ xác minh tùy thân và giấy tờ xác minh tài khoản. Phần này không yêu cầu phải điền thông tin.

Mục trên cùng bên trái của đơn đăng ký yêu cầu điền ngày đăng kí và tên địa phương nơi sống hiện tại. Mục thông tin này được viết bằng chữ to in đậm.

Ví dụ:
Ngày đăng ký (申請日): 1/5/2020 sẽ được viết là 令和2年5月1日
Địa phương nơi đăng ký lưu trú tính đến thời điểm ngày 27/4/2020 (令和2年4月27日時点の住民票所在市区町村): Chiyoda

Các mục tiếp theo bên dưới là họ tên chủ hộ (tên phiên âm Furigana), ngày tháng năm sinh, địa chỉ hiện tại, địa chỉ liên lạc. Bạn phải đóng dấu sau khi viết tên trong mục Họ tên. Vì vậy, bạn đừng quên đóng dấu vào mục có chữ「印」.

Ví dụ:
Họ tên (氏名): Chiyoda Taro
Ngày tháng năm sinh (生年月日): 1980/1/1 (*ngày sinh ở Nhật được viết theo thứ tự Năm/Tháng/Ngày)
*Có thể ghi theo năm Meiji/Taisho/Showa/Heisei, nhưng người nước ngoài nên ghi theo năm dương lịch cho dễ hiểu.
Địa chỉ hiện tại (現住所): 0-0-0, Nagatacho, Chiyoda-ku, Tokyo
Số điện thoại có thể liên lạc trong ngày (日中に連絡可能な電話番号): 090-1111-2222

Ngay bên dưới cột tên là nội dung đồng ý về việc nhận trợ cấp, cụ thể như sau. Bạn cần đọc kỹ để tránh hiểu nhầm.

1. Việc kiểm tra tư cách nhận trợ cấp sẽ được thực hiện thông qua việc kiểm tra bằng sổ sách lưu trữ quy định.
2. Trường hợp không thể kiểm tra bằng sổ sách lưu trữ quy định, sẽ được yêu cầu xuất trình các giấy tờ có liên quan.
3. Trong trường hợp chính quyền địa phương thực hiện thủ tục chuyển khoản đến tài khoản người nhận trợ cấp được ghi dưới đây nhưng việc chuyển khoản không được thực hiện thành công vì các lý do như ghi sai tài khoản, hoặc chính quyền địa phương không thể liên lạc hay xác nhận với người đăng ký/người thụ hưởng (bao gồm cả người ủy quyền) trong thời gian 3 tháng kể từ ngày bắt đầu tiếp nhận đăng ký thì chính quyền địa phương sẽ xem xét việc loại bỏ đăng ký đó.
4. Trường hợp đã nhận tiền trợ cấp cố định đặc biệt ở chính quyền địa phương khác thì phải hoàn trả lại số tiền nhận.

Tiếp theo là mục ghi họ tên đối tượng nhận trợ cấp và mối quan hệ với chủ hộ, ngày tháng năm sinh, tổng số tiền. Dưới đây là mẫu đơn đăng ký đã được điền thông tin (đơn đăng kí thực tế gửi đến người dân được để trống). Ngoài ra, bạn cần phải đánh dấu vào ô bên phải nếu không muốn nhận tiền trợ cấp (Bạn cần lưu ý mục này vì có thể bạn muốn nhận tiền trợ cấp nhưng vô tình đánh dấu nhầm vào đây).

Ví dụ:
Họ tên (氏名): Chiyoda Taro
Quan hệ với chủ hộ (続柄): Chủ hộ (世帯主)
Ngày tháng năm sinh (生年月日): 1980/1/1
*Có thể ghi theo năm Meiji/Taisho/Showa/Heisei, nhưng người nước ngoài nên ghi năm dương lịch cho dễ hiểu.

Họ tên: *******
Quan hệ với chủ hộ: Vợ
Ngày tháng năm sinh: 1980/3/3

Họ tên: ********
Quan hệ với chủ hộ: Con
Ngày tháng năm sinh: 2000/5/5

Tổng số tiền (合計金額): 300.000 Yên

Tiếp theo là mục thông tin về phương thức nhận tiền trợ cấp. Bạn có thể lựa chọn một trong 2 cách, nhận bằng chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do bạn chỉ định (1) hoặc nhận trực tiếp sau khi đăng ký tại chính quyền địa phương (2). Đơn đăng ký sẽ chia thành phần: cách (1) là A và cách (2) là B.

Đối với A, khung trên trong 2 bảng phía trên là thông tin tài khoản ngân hàng, khung dưới là tài khoản ngân hàng Yucho của bưu điện (ゆうちょ銀行).

Nếu bạn có tài khoản ngân hàng thông thường như Ngân hàng UFJ Mitsubishi Tokyo và Ngân hàng Mizuho thì điền vào khung trên. Đây là phần điền các thông tin tên ngân hàng (ngoại trừ “ngân hàng Yucho”), tên chi nhánh, loại tài khoản (thông thường hay giao dịch), tên tài khoản (tên viết bằng Katakana). Phần thông tin này chỉ dành cho những chủ hộ hoặc người ủy quyền có tài khoản ngân hàng.

Ví dụ:
Tên ngân hàng (金融機関名): Ngân hàng UFJ Mitsubishi Tokyo (三菱東京UFJ銀行)
Tên chi nhánh (支店名): Chi nhánh Chiyoda (千代田支店)
Loại tài khoản (分類): 1. Thông thường (普通)
*Nếu là tài khoản giao dịch thì lựa chọn 2. Giao dịch (当座)
Số tài khoản (口座番号): 1234567 (số được hiển thị từ bên phải)
Tên tài khoản (口座名義): Chiyoda Taro

Nếu bạn có tài khoản ngân hàng Yucho thì phải điền vào 2 khung dưới đây. Khi đó, nội dung cần điền là kí hiệu sổ, số sổ, tên tài khoản.

Ví dụ:
Kí hiệu sổ (通帳記号): 12345
Mã số sổ (通帳番号): 87654321 (số được hiển thị từ bên phải)
Tên tài khoản (口座名義): Chiyoda Taro

Thay vì nhập trực tiếp thông tin tài khoản ngân hàng, bạn có thể chỉ định tài khoản khấu trừ chi phí nước sinh hoạt, thuế cư trú,... hoặc tài khoản ngân hàng được sử dụng để nhận trợ cấp trẻ em. Trong trường hợp này, bạn không cần thiết phải đính kèm bản sao của giấy tờ xác minh tài khoản ở mặt sau.

・Tài khoản khấu trừ tiền nước sinh hoạt: tài khoản cho phép chi phí nước sinh hoạt được trừ dần
・Tài khoản khấu trừ thuế thường trú: tài khoản cho phép khấu trừ các loại thuế phí của địa phương như thuế cư trú,...
・Tài khoản nhận trợ cấp trẻ em: tài khoản để nhận tiền trợ cấp trẻ em
→ Bạn có thể chọn một tài khoản tương ứng nếu muốn.

B là mục chọn khi bạn muốn nhận tiền trực tiếp tại cơ quan địa phương và nộp đơn đăng ký. Khi đó, bạn không cần thiết phải gửi trả lại đơn. Về cơ bản, người không có tài khoản ngân hàng, người sống ở những nơi cách xa các ngân hàng là đối tượng lựa chọn mục này. Theo đó, bạn chỉ cần điền các thông tin ngoại trừ thông tin tài khoản ngân hàng và tích vào ô trống ở mục B này là có thể nhận tiền trợ cấp trực tiếp.

Đối với đăng ký (nhận trợ cấp) ủy quyền, bạn phải điền nội dung vào phần dưới cùng của đơn đăng ký. Từ phía trên bên trái là các nội dung họ tên của người được ủy quyền (tên viết bằng Katakana), ngày tháng năm sinh, địa chỉ và số điện thoại có thể nhận liên lạc trong ngày. Ví dụ trường hợp chỉ định người được ủy quyền là vợ thì nội dung điền sẽ như sau.

Sau đó, trong mục ngay bên dưới, bạn cần nhập "họ tên chủ hộ" để xác nhận người có tên bên trên là người được ủy quyền và xác nhận đối tượng ủy quyền nhận tiền trợ cấp cố định đặc biệt và đóng dấu.

Có ba loại ủy quyền và bạn cần lựa chọn, đánh dấu vào mục tương ứng với trường hợp của mình.
・Đăng ký và yêu cầu thanh toán (Application and billing)
・Nhận trợ cấp (Receipt)
・Đăng ký, yêu cầu thanh toán và nhận trợ cấp (Application, billing and receipt)

Sau khi điền xong thông tin mặt trước, sẽ chuyển sang mặt sau. Trong phần khung phía trên, bạn sẽ dán bản sao xác minh giấy tờ tùy thân. Trong phần khung phía dưới, bạn sẽ dán bản sao giấy xác minh tài khoản. Sau đó, bạn gửi đơn đăng ký đến cơ quan hành chính địa phương trực thuộc để hoàn tất thủ tục.

Cho dù bạn là người thành thạo tiếng Nhật đi chăng nữa, thì thủ tục này cũng có thể khiến nhiều người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cảm thấy khó khăn, do những quy định và quy trình ở mỗi quốc gia khác nhau. Chúng tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích khi thực hiện các thủ tục đăng ký nhận tiền trợ cấp tại Nhật Bản. Và bạn nhớ chia sẻ bài viết này đến người thân, bạn bè đang gặp khó khăn trong việc đăng ký thủ tục nhận tiền trợ cấp từ Chính phủ Nhật Bản nhé!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Keisuke
Keisuke Tsunekawa
Sở thích của tôi là thỉnh thoảng được rời xa cuộc sống đô thị ở Tokyo, đi khám phá những điều chưa biết ở một đất nước khác.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng