Du lịch trong ngày từ Kyoto và Osaka! 8 điểm tham quan đậm chất lịch sử và tâm linh Nhật Bản

Kyoto và Osaka là hai thành phố lớn nhất của Kansai, đồng thời là hai điểm đến quen thuộc của khách du lịch. Khu vực này từng được xem là trung tâm chính trị quan trọng trong suốt tiến trình lịch sử lâu dài của Nhật Bản. Chính vì vậy không có gì lạ khi nơi đây cũng là những là địa phương sở hữu nhiều di sản lịch sử và tôn giáo bậc nhất ở xứ sở anh đào. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về 8 điểm tham quan mà bạn có thể đi và về trong ngày từ Kyoto hoặc Osaka. Mỗi một địa điểm sẽ đem đến cho bạn cái nhìn khác nhau về lịch sử Nhật Bản. Từ những tuyệt cảnh thiên nhiên làm sống dậy cả 5 giác quan, những suối nước nóng giúp thư giãn tinh thần cho đến những địa điểm tâm linh giúp bạn có những giờ phút tĩnh tâm. Hãy cùng khám phá những điều thú vị tại những địa danh hấp dẫn này nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

1. Hiei-zan Enryaku-ji - Nơi khởi nguồn của Phật giáo Nhật Bản (Shiga)

Khu phức hợp Hiei-zan đóng một vai trò quan trọng trong Phật giáo Nhật Bản: được thành lập bởi nhà sư Saicho, người đã mang Trường phái Phật giáo Tendai (Thiên Thai Tông) từ Trung Quốc sang, nó dần trở nên nổi tiếng và được Triều đình coi trọng, trở thành trụ sở chính của trường phái này.

Enryakuji là nơi nhiều nhà sư có sức ảnh hưởng từng tu luyện, từ những người sáng lập ra tông phái Tịnh độ, Thiền và Nichiren, ba trong số những trường phái Phật giáo lớn nhất hiện nay. Đây là địa điểm quan trọng đến mức từng có đội ngũ tăng binh để bảo vệ. Thế nhưng chùa Enryaku-ji chỉ phát triển mạnh mẽ dưới chế độ phong kiến cũ. Khi hệ thống này sụp đổ, địa vị của ngôi chùa cũng không còn được như xưa. Khi Nhật Bản rơi vào tình trạng vô chính phủ và lãnh chúa Oda Nobunaga tìm cách thống nhất đất nước, ông coi các tăng binh của Enryaku-ji là mối đe dọa đối với quyền lực của mình và ra lệnh đốt sạch khu phức hợp này. Do đó, toàn bộ các công trình kiến trúc còn sót lại ngày nay đều là những công trình tái tạo từ thế kỷ 17.

Hiện là một phần của Di sản Thế giới "Di tích Lịch sử của Cố đô Kyoto", Enryaku-ji là một khu phức hợp rộng lớn đến mức bạn phải mất cả ngày mới khám phá hết! Ngôi chùa này được chia thành ba khu vực: Todo (Sảnh Đông), Saito (Sảnh Tây) 1 km về phía Tây Bắc, và sau đó là Yokawa 4 km về phía Bắc. Mỗi sảnh đều được xây dựng vô cùng đẹp mắt và bạn sẽ phải tiếc nuối nếu bỏ qua một trong ba. Bạn có thể đi bộ dọc các lối đi giữa ba sảnh hoặc đi xe buýt quãng ngắn. Nhưng nếu bạn muốn tập trung vào một khu vực, hãy chọn Todo - sảnh lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất do chính Saicho xây dựng.

Hãy thả mình giữa không gian tu tịch và đăng ký tham gia những trải nghiệm như zazen (to thiền) và chép kinh. Bạn cũng đừng quên thưởng thức những món ăn chay của các nhà sư (gọi là shojin-ryori) trong khu bếp của ngôi chùa!

Nếu bạn không chắc có thể dành cả ngày trong bầu không khí đậm chất tôn giáo này, hãy ghé thăm những điểm tham quan hấp dẫn hơn của núi Hiei như vườn Tsutsujigaoka, bảo tàng vườn Hiei, nơi có tầm nhìn ra Kyoto và hồ Biwa, hoặc nhà hàng & đài quan sát Minemichi, nơi bạn có thể thưởng thức món bò Omi đặc sản của vùng này.

Có hai tuyến xe cáp đưa bạn lên khu phức hợp chùa Enryaku-ji: Cáp Eizan từ phía Tây (từ Kyoto) và Cáp Sakamoto từ phía Đông (từ hồ Biwa). Cáp Sakamoto được lắp đặt lần đầu tiên vào năm 1927, có tuổi đời đã gần một thế kỷ. Kết nối ngôi chùa trên đỉnh núi với thị trấn Sakamoto dưới chân núi, hệ thống cáp treo này thực hiện chức năng của một "Omotesando" trong tiếng Nhật nghĩa là con đường dẫn đến cổng chính của một ngôi chùa hoặc đền thờ.

Các khoang xe màu đỏ và xanh lá cây với thiết kế thanh lịch, được đặt tên là "En" (duyên) và "Fuku" (phúc), mang dáng dấp của thẩm mỹ châu Âu. Hệ thống này hoạt động không dùng dây cáp, mang lại cho hành khách một tầm nhìn thoáng đãng về phía hồ Biwa tuyệt đẹp. Xe chạy hơn 2 km, trở thành tuyến xe cáp dài nhất Nhật Bản với độ cao 480m giữa chân núi và đỉnh núi.

2. Cổng torii nổi trên mặt nước ở đền Shirahige (Shiga)

Cổng torii - những cánh cổng mà bạn có thể tìm thấy ở phía trước bất kỳ ngôi đền nào ở Nhật Bản - là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của đất nước mặt trời mọc. Người ta tin rằng những chiếc cổng này là ranh giới giữa trần gian và thế giới của những linh hồn.

Có lẽ bạn đã được chiêm ngưỡng đền Itsukushima khá nổi tiếng ở Hiroshima , với cổng torii nổi trên mặt biển. Nhưng bạn có biết rằng còn có một chiếc cổng torii như thế ở hồ Biwa, hồ nước lớn nhất Nhật Bản? Cổng torii này là của đền Shirahige. Đây là cảnh tượng đẹp đến say lòng người, nhất là vào thời khắc bình minh!

Ngôi đền này có lịch sử hơn 2000 năm. Tương truyền, người xây dựng ngôi đền là công chúa Yamatohime-no-mikoto, vị Hoàng đế thứ 11 của Nhật Bản. (Tuy nhiên, cổng torii nổi mới được xây dựng từ thế kỷ 20). "Shirahige" trong tiếng Nhật có nghĩa là "râu trắng". Đây là cái tên gợi nhớ về bộ râu bạc trắng của vị thần Sarutahiko trong Thần đạo được thờ phụng ở đây. Không có gì ngạc nhiên khi ngôi đền này là nơi người Nhật thường tới để cầu trường thọ.

Vẻ đẹp kỳ ảo xuất thần của cánh cổng torii nổi trên hồ Biwa tạo nên một địa điểm "sống ảo" cực chất và đã thu hút sự chú ý đáng kể ở nước ngoài. Nhờ vậy, ngôi đền này đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Nếu không có ô tô, bạn sẽ phải đi bộ khoảng 40 phút mới đến được ga gần nhất. Nhưng hẳn bạn sẽ chẳng ngại đi bộ một quãng nếu biết rằng trên đường đi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bãi biển tuyệt đẹp. Còn nếu không muốn đi bộ, bạn có thể đi taxi. Một lựa chọn thú vị khác là đi xe đạp trên con đường dành cho xe đạp bao quanh hồ Biwa. Hãy thuê một chiếc xe đạp tại ga Omi-Takashima để đi vòng quanh đền thờ.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về nền tôn giáo Nhật Bản và dư dả thời gian, bạn cũng nên ghé thăm đảo Chikubu, một hòn đảo không người ở, được mệnh danh là "hòn đảo của các vị thần" bởi trên đảo có nhiều đền thờ cổ. Từ Takashima, bạn có thể đi về phía bắc dọc theo bờ biển đến bến tàu ngay cạnh ga Omi-Imazu, sau đó đi tàu du lịch sang đảo.

3. Eiheiji - Nơi cuộc sống của tu sĩ trở nên chân thực hơn bao giờ hết! (Fukui)

Eiheiji được thiền sư Dogen Zenshi thành lập vào năm 1244. Ông bắt đầu theo học trường phái Thiên Thai tại chùa Enryaku-ji trên núi Hiei, nhưng đã vô cùng thất vọng với những giáo pháp của trường phái này và đến Trung Quốc để tìm kiếm một con đường giác ngộ phù hợp hơn. Ông đã mang về cho Nhật Bản một hình thức Phật giáo được gọi là trường phái Thiền Soto và xây dựng ngôi chùa Eiheiji làm trụ sở chính của phái này. Eihei-ji có nghĩa là "ngôi chùa của sự bình yên vĩnh cửu". Thiền sư Dogen Zenshi lựa chọn địa điểm ít người lui tới để xây chùa với mục đích giữ khoảng cách với trường phái cũ của mình.

Chùa Eihei-ji vẫn được sử dụng chủ yếu để làm nơi tu hành cho khoảng 150 nhà sư. Tuy phần lớn những nơi tu hành như vậy sẽ hạn chế khách tham quan nhưng khu phức hợp này vẫn tạo điều kiện cho khách du lịch tham gia những trải nghiệm tu tập. Trường phái thiền Soto khác biệt với các tông phái Phật giáo trước đó ở điểm nhấn mạnh vào thiền định (ngồi thiền) và tụng kinh. Do đó, trải nghiệm tu hành ở Eihei-ji là một khóa thiền và chép kinh bằng bút lông thư pháp. Liền kề với Eihei-ji là các nhà nghỉ theo phong cách truyền thống và hiện đại, nơi du khách có thể lưu trú và trải nghiệm ẩm thực chay, các dịch vụ tôn giáo và những chuyến tham quan có hướng dẫn viên (yêu cầu đặt trước).

Khu phức hợp chùa Eihei-ji có dáng vẻ vô cùng đẹp mắt. Kiến trúc quý phái kết hợp với khu rừng xanh mát xung quanh tạo ra một bầu không khí yên bình và thanh tịnh. Dù dự định tham quan nhiều chỗ nhưng bạn vẫn nên chú ý đặc biệt tới Hatto (Phòng giảng pháp), Butsuden (Phòng thờ Phật nơi đặt các bức tượng Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai) và cổng Sanmon, là những điểm ấn tượng nhất về kiến trúc và trang trí. Ngôi chùa hiện yêu cầu khách tham quan phải đeo khẩu trang, rửa tay và kiểm tra nhiệt độ tại cổng vào.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

4. Amano Hashidate, cây cầu lên thiên đường (Kyoto)

Amano Hashidate ở phía Bắc của tỉnh Kyoto, được biết đến là một trong Nhật Bản Tam Cảnh (ba địa danh danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của Nhật Bản). Đây là một dải cát lớn, có chiều dài khoảng 3,6 km và được hình thành bởi cát lún tích tụ, ngăn vịnh Miyazu (của Biển Nhật Bản) và biển Aso theo chiều dọc. Amano Hashidate giống như một con rồng đang vươn lên bầu trời và cái tên của nó có nghĩa là "Cây cầu lên thiên đường". Đây là một trong những cảnh quan nổi tiếng nhất của Nhật Bản.

Địa điểm đẹp nhất để ngắm cây cầu lên thiên đường này là công viên Kasamatsu, ở độ cao 130 mét so với mực nước biển và có một đài quan sát nhìn ra dải cát. Nếu bạn đến thăm nơi đây, hãy thử gập người và ngắm cảnh lộn ngược qua khoảng giữa hai chân mình. Truyền thống này được gọi là "mata-nozoki", bắt nguồn từ chính công viên này và mang lại cho người ta cảm giác giống như vừa chạm tới ngưỡng cửa thiên đường!

Klook.com

5. Đắm mình trong bầu không khí lịch sử tại Kinosaki Onsen (Hyogo)

Nằm trên bờ biển Nhật Bản thuộc tỉnh Hyogo, Kinosaki Onsen là một địa điểm tuyệt vời cho những ai đang tìm kiếm một chốn nghỉ ngơi thư giãn cho những ngày cuối tuần thú vị. Nhưng những ai tò mò về lịch sử và văn hóa Nhật Bản nên ghé thăm Kinosaki Onsen vì câu chuyện về nguồn gốc độc đáo của khu vực này. Tương truyền onsen (suối nước nóng) được tìm ra vào năm 720 bởi cao tăng Dochi Shonin trong hành trình tìm cách chữa bệnh. Ông đã được một nhà tiên tri mách bảo đến đây và tụng kinh Phật trong 1000 ngày cho đến khi nước chữa bệnh phun ra từ mặt đất. Lời tiên tri đó đã linh nghiệm. Dòng suối nước nóng mà ông tìm ra ngày nay được gọi là Mandara-yu. “Mandara” có nghĩa là “tâm trí giác ngộ” vì những nỗ lực của Dochi.

Trong mười ba thế kỷ sau đó, Kinosaki Onsen đã trở nên nổi tiếng vì công dụng chữa bệnh của nước suối ở đây. Nhiều du khách đổ xô đến khu vực này để tìm cách trị bệnh. Ngôi chùa tại đây trưng bày những chiếc gậy chống mà những người tới đây để lại bởi họ không còn cần chống gậy nữa. Ngày nay, chúng ta có thể xác định cơ sở khoa học về việc các khoáng chất như natri clorua và canxi clorua trong các suối nước nóng có tác dụng giảm mệt mỏi, các vấn đề về tiêu hóa, đau dây thần kinh và cơ bắp và bầm tím.

Thị trấn onsen ở Kinosaki tương đối nhỏ, chỉ có vài con phố ở hai bên sông Otani khiêm tốn. Bạn chỉ cần dành một cuối tuần là có thể trải nghiệm đầy đủ, từ việc ở trong một ryokan (nhà trọ truyền thống), ngâm mình trong bảy phòng tắm ngoài trời, mặc yukata truyền thống đi dạo quanh thị trấn và ghé vào một vài nhà hàng và quán rượu. Bảy nhà tắm ngoài trời đều có lối kiến trúc đặc biệt. Chẳng hạn, nhà tắm Ichino-yu trông giống như một rạp hát kabuki. Tất cả các địa điểm này đều mang lại một chút may mắn cho du khách, chẳng hạn như may mắn trong hôn nhân hoặc trong kinh doanh.

Những ai có thể đi xa hơn nữa thì nên đến chùa Onsen-ji, "ngôi chùa hộ mệnh" của thị trấn onsen, cũng được xây dựng bởi Dochi Shonin. Ngôi chùa này từng là điểm đến đầu tiên của tất cả các khách du lịch suối nước nóng, khi họ phải tới đây và cầu nguyện trước linh hồn của Dochi Shonin, của Quan Âm Bồ Tát và Yakushi Nyorai (một vị phật có thể chữa bách bệnh) trước. Mặc dù không còn là quy tắc chính thức, nhưng chuyến đi này chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng!

Chùa Onsen-ji nằm ở lưng chừng núi Daishi. Vì vậy, bạn có thể đi bộ đường dài lên đền thờ và sau đó lên đỉnh núi, nơi bạn sẽ lạc vào một thế giới cây xanh điểm xuyết những bức tượng đá cổ điển. Đứng trên đỉnh núi, bạn sẽ có một tầm nh tuyệt đẹp ra khu vực xung quanh. Tại đây cũng có một quán cà phê nơi bạn có thể nghỉ ngơi trước khi quay trở lại cáp treo Kinosaki. (Hoặc đi cáp treo lên và đi bộ xuống nếu bạn muốn).

Hãy ghé thăm nơi này vào mùa xuân để ngắm con phố chính của thị trấn và dòng sông phủ đầy hoa anh đào. Nếu có thể, hãy trở lại vào mùa thu để chiêm ngưỡng những tán lá vàng trong chuyến đi bộ đường dài. Kinosaki Onsen đã đưa ra hướng dẫn toàn diện về dịch Covid-19, trong đó yêu cầu các cơ sở chấp hành đeo khẩu trang, duy trì hệ thống thông gió, tiến hành kiểm tra nhiệt độ và khử trùng thường xuyên. Các cơ sở nhà tắm cũng áp dụng các hạn chế lượng khách để ngăn chặn tình trạng đông đúc.

6. Lâu đài Himeji - Chiêm ngưỡng vẻ nguy nga của lâu đài nguyên bản lớn nhất Nhật Bản (Hyogo)

Hầu hết các lâu đài Nhật Bản còn đến ngày nay đều là công trình xây dựng lại, vì nhiều công trình kiến ​​trúc ban đầu đã bị phá bỏ trong thời kỳ cải cách Minh Trị. Tuy nhiên, lâu đài Himeji đã may mắn thoát khỏi số phận đó và trở thành một trong 12 lâu đài còn giữ được trạng thái nguyên vẹn của đất nước mặt trời mọc. Lâu đài này thường được gọi là “lâu đài hạc trắng” (“shirasagi-jo”) từ dáng vẻ nguy nga phủ một màu trắng tinh khôi.

Thành phố Himeji chiếm giữ một vị trí quan trọng, bởi bất kỳ đội quân khởi nghĩa nào hành quân từ phía Tây để tới chiếm kinh đô đều sẽ phải đi ngang qua đây. Vì vậy, đây trở thành một lâu đài quan trọng về mặt chiến lược. Tòa kiến trúc đầu tiên tại đây được xây dựng vào thế kỷ 14. Trong thời kỳ Chiến quốc ở thế kỷ 16, lâu đài trải qua nhiều lần tu bổ dưới mệnh lệnh của các vị chỉ huy quân sự, biến nó từ một pháo đài nhỏ thành tòa kiến trúc tráng lệ như ngày nay. (Một trong những lần tu bổ là do Toyotomi Hideyoshi, một trong ba vị tướng từng thống nhất Nhật Bản, trực tiếp giám sát). Trải qua những lần suýt bị phá hủy trong các biến động của thời đại Duy Tân Minh Trị, trong các cuộc không kích giữa Thế chiến thứ hai, và một lần nữa trong trận động đất Hanshin năm 1995, toàn bộ lâu đài vẫn đứng hiên ngang, ngạo nghễ suốt 400 năm sau. Năm 1993, lâu đài Himeji trở thành Di sản Thế giới đầu tiên tại Nhật Bản chính thức được UNESCO công nhận.

Ngoài việc leo lên đỉnh của tòa tháp chính và ngắm nhìn quang cảnh thành phố, hãy nhớ ghé thăm khu vườn Kokoen kế bên, nơi có phòng trà để bạn có thể thưởng thức trà đạo Nhật Bản. Du khách cũng có thể đi thuyền dọc theo con hào và quần thể lâu đài đặc biệt lộng lẫy trong mùa xuân khi hoa anh đào bung nở.

Trong mùa dịch, lâu đài có quy định yêu cầu du khách đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ và khử khuẩn, đồng thời giữ khoảng cách an toàn khi đi trên lối đi ngắm cảnh. Ngoài ra, số lượng khách tham quan tại mỗi thời điểm cũng bị giới hạn.

7. Chùa Engyo-ji - Quần thể chùa hoàn mỹ như trong tranh (Hyogo)

Nếu bạn đang ở lâu đài Himeji và nhân tiện muốn ghé một điểm tham quan gần đó, hãy đi vài phút về phía bắc để tới chùa Engyo-ji trên núi Shosha. Ngôi chùa này thuộc về phái Tendai (cũng như Enryaku-ji) và thậm chí còn được gọi là “Núi Hiei ở miền Tây”. Chùa Engyo-ji được thành lập bởi Shoku Shonin vào năm 966, nghĩa là hơn 1000 năm trước. Ngày nay, bạn có thể lên chùa bằng cáp treo hoặc đường mòn đi bộ. Đây là một trong 33 ngôi chùa nằm trên tuyến đường hành hương Saigoku Kannon, một hành trình nổi tiếng trải rộng khắp vùng Kansai.

Khuôn viên của ngôi chùa là địa điểm lý tưởng cho bối cảnh một tu viện hẻo lánh. Vì vậy mà nó thường được sử dụng làm địa điểm quay các bộ phim cổ trang Nhật Bản, thậm chí còn xuất hiện trong vài bối cảnh của bộ phim "Võ sĩ đạo cuối cùng". Hãy dành sự chú ý cho Maniden, nơi được xây dựng theo phong cách kiến trúc butai-zukuri (“xây dựng vũ đài”), có đặc điểm là toàn bộ toà kiến trúc được đặt trên các cột gỗ nhô ra vách núi. Từ đây, bạn sẽ phóng tầm nhìn bao quát ra quang cảnh thiên nhiên rộng lớn.

Cũng giống như các tu viện khác được mô tả trong bài viết này, Engyo-ji mang lại cho du khách những trải nghiệm từ nhiều góc độ trong cuộc sống của một vị tu hành như thiền định (ngồi thiền), chép kinh và thưởng thức đồ chay. Ngoài ra còn có một khóa học “võ đường sức khỏe” trong hai ngày, bao gồm tất cả những trải nghiệm kể trên cùng với các bài giảng pháp, tụng kinh và các nghi lễ khác. Khóa học này chỉ tổ chức mỗi tháng một lần và sẽ mang tới cho bạn những kỷ niệm khó quên! (Trừ chép kinh, tất cả các hoạt động khác đều yêu cầu đăng ký trước)

Trong mùa dịch, Engyo-ji giữ không gian thông thoáng và khử khuẩn, đồng thời yêu cầu khách tham quan phải đeo khẩu trang.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

8. Thưởng thức hương vị cổ xưa tại nhà máy chưng cất rượu Sake có lịch sử hàng thế kỷ của Nada (Hyogo)

Tỉnh Hyogo cũng là nơi ẩn chứa những thú vui trần thế. Từ nhiều thế kỷ nay, khu vực giữa Kobe và Osaka (“Nada-Gogo”) là vùng sản xuất rượu sake nổi tiếng, nơi có tới hàng chục xưởng chưng cất rượu cho đến ngày nay. Rượu sake lần đầu tiên được sản xuất ở đây vào khoảng năm 1330, và những dấu vết đầu tiên về sản xuất thương mại có niên đại đầu thế kỷ 17. (Một cách ngẫu nhiên, “gogo” có nghĩa là “năm thị trấn” và đề cập đến năm xưởng rượu nổi bật trong vùng: Imazu, Nishinomiya, Uozaki, Mikage và Nishi.)

Nada là nơi có nhiều yếu tố phù hợp để sản xuất rượu sake. Trong đó, chất lượng nước là quan trọng nhất và nước của Nada được đánh giá là khá cứng (giàu khoáng chất) nhưng hàm lượng sắt thấp - một sự kết hợp hoàn hảo. Gạo Yamada Nishiki của khu vực này cũng được coi là loại gạo hàng đầu để sản xuất rượu sake. Cuối cùng, khu vực này nằm ven biển, dễ dàng kết nối với các tuyến đường biển để vận chuyển rượu đến thủ đô Edo (nay là Tokyo), nơi loại rượu này "làm mưa làm gió".

Ngày nay, một số xưởng rượu mở thêm viện bảo tàng, nơi du khách có thể quan sát quy trình sản xuất rượu sake, nếm thử miễn phí và mua nhiều rượu làm quà lưu niệm. Hai bảo tàng rượu sake nổi tiếng nhất là Shushinkan (mở cửa năm 1751) và Hakutsuru (mở cửa năm 1743). Ngoài việc tìm hiểu về quy trình sản xuất rượu sake và nhậu đến say mèm, bạn sẽ còn bị hấp dẫn bởi màn biểu diễn tái hiện sống động quá trình làm việc của các nghệ nhân bậc thầy bên những chiếc chum và thùng rượu trong những căn phòng bằng gỗ cổ xưa. Một cảnh tượng rất đẹp để chụp ảnh và đăng lên Instagram!

Hãy kết thúc trải nghiệm của mình với bữa ăn tại một trong những nhà hàng địa phương. Phần lớn những nhà hàng ở đây đã dụng công xây dựng thực đơn với những món ăn hợp vị với rượu sake Nada!

Hiện nay, bảo tàng Hakutsuru yêu cầu đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ và rửa tay khử khuẩn. Shushinkan cũng có quy định tương tự, đồng thời giới hạn số lượng khách tham quan thành một nhóm mỗi mỗi giờ để tránh tụ tập đông người.

Một chuyến tàu ngắn đưa bạn tới lịch sử hàng thiên niên kỷ

Bạn đang cảm thấy thế nào sau khi lướt qua một lượt các địa điểm trên đây? Tới thăm Kyoto và Osaka đã thật là thú vị, nhưng chỉ cách những thành phố này một chuyến tàu là cả một thế giới giàu lịch sử và văn hóa. Tất nhiên, vùng đất này còn nhiều điều để khám phá hơn thế nữa. Khi dịch bệnh qua đi và bạn lên kế hoạch tham quan vùng này, đừng quên thêm 8 địa điểm trên vào đầu danh sách điểm đến của mình nhé!

Vùng Kansai còn ẩn chứa nhiều điểm đến thú vị và đa dạng hơn nữa! Hãy bấm vào các đường dẫn dưới đây để tìm hiểu thêm thật nhiều điều hấp dẫn về vùng này nhé:

the kansai guide banner

the exciting kansai banner


Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Tuyển tập Kansai

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Koji
Koji Shiromoto
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng