Yamashina - vùng đất phía Đông cố đô Kyoto, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống lâu đời

Vùng Yamashina phía Đông Nam Kyoto là nơi ẩn giấu một "kho báu lịch sử" ở Kyoto. Bài viết này lưu lại cảm nhận về chuyến thăm đầu tiên của người viết khi đến thăm ngôi chùa Daigoji rộng lớn, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới với triết lý độc đáo về việc sử dụng những "báu vật" cổ hơn 1.000 năm tuổi. Cách chùa Daigoji không xa là lò nung và phòng trưng bày Kiyomizu-yaki Danchi, một khu vực nổi tiếng với đồ gốm Kiyomizu, nơi nghề truyền thống làm gốm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để khám phá khu vực độc đáo này của Kyoto nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Vẻ đẹp trường tồn qua thời gian

Chùa Daigoji được chia thành ba khu vực chính nằm ở núi Daigo. Với khung cảnh thiên nhiên bao quanh tuyệt đẹp, không gian rộng lớn và có bề dày lịch sử lâu đời (ngôi chùa được xây dựng vào năm 874 và có điện thờ 5 tầng, được biết đến là tòa tháp bằng gỗ lâu đời nhất ở Kyoto), con đường dẫn tới chùa Daigoji là nơi lý tưởng để tản bộ và thư giãn.

Tôi dạo qua con đường dưới chân núi dẫn tới chùa Daigoji rồi leo lên một con dốc, nơi ngập tràn ánh nắng mặt trời, băng qua vài chiếc cổng vững chắc, cùng những rặng cây hai bên đường. Dọc theo con đường lên ngọn núi có một vài công trình cổ kính bắt mắt đã có từ khoảng thế kỷ thứ 10.

Vào những dịp sự kiện hàng năm, ngôi chùa Daigoji lại ngập tràn trong bầu không khí lễ hội tưng bừng. Lễ hội lớn nhất trong số đó phải kể đến lễ hội “Godairiki-san”, được tổ chức vào ngày 23 tháng 2 hàng năm. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ được nhận một tấm bùa may mắn có tên là “Miei” và được tham gia Cuộc thi nâng bánh dày Mochi - nơi hội tụ các "anh tài" cùng nhau thử sức nâng chiếc bánh mochi khủng lồ để xem ai có thể nâng được lâu nhất. Daigoji cũng là nơi lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi tổ chức những bữa tiệc ngắm hoa anh đào xa hoa nổi tiếng của mình vào thế kỷ 16. Hàng năm vào mùa xuân, một màn trình diễn hóa trang thành các nhân vật lịch sử vẫn thường được tổ chức để tái hiện lại bữa tiệc xuân của lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi bên dưới những tán cây anh đào. 

Bỏ lại đằng sau không khí lễ hội tưng bừng mỗi độ xuân sang, khi đất trời dần chuyển mình sang thu, ngôi chùa Daigoji lại mang một vẻ đẹp nên thơ. Sắc đỏ cam rực rỡ của điện thờ Benten-do hòa cùng màu đỏ của những cây phong Nhật Bản, tạo nên một khung cảnh đẹp đến xao xuyến lòng người. 

Trong khi đó, Nakada - người làm việc tại đền thờ, lại say đắm với vẻ đẹp của ngôi chùa vào mỗi độ cuối xuân đầu hè. "Cá nhân tôi lại yêu thích vẻ đẹp tươi mới, ngập tràn sức sống của những chồi non xanh mơn mởn. Tôi nghĩ rằng đây có thể coi là khung cảnh đẹp nhất tại Kyoto. Bạn chắc chắn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời, tận hưởng vẻ đẹp của ngôi chùa khi cây cỏ đâm chồi nảy lộc".

"Quả thực, khung cảnh hoa anh đào nở cùng những chiếc lá muôn màu rực rỡ tại ngôi chùa đẹp đến nỗi chúng tôi coi đây là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ta phải cảm nhận được giá trị ẩn sâu của vẻ đẹp trời phú này". Vừa nói, Nakada chỉ về phía khu vườn Sanboin trước mắt chúng tôi, nơi sở hữu lối kiến trúc cổ do chính lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi thiết kế. "Khu vườn này đã không hề thay đổi trong suốt 400 năm qua và quả thực, chúng ta đang đứng trước một công trình lịch sử nguyên bản", anh Nakada tiếp tục: "Tất nhiên là chúng tôi có lắp thêm cả đèn điện và camera an ninh nữa. Nhưng tại chính không gian này, chúng ta đang hít thở một bầu không khí chung với những con người sống cách chúng ta khoảng 1,000 năm về trước".

Chùa Daigoji đã được công nhận là Báu vật quốc gia, Tài sản văn hóa quan trọng và là Di sản thế giới. Anh Nakada nói với tôi rằng ngôi chùa có rất nhiều báu vật, nhưng thật tiếc nếu chỉ cất giữ chúng trong một chiếc hộp. "Điều độc đáo tại ngôi chùa này chính là những báu vật và cả những đồ dùng tại đây dù mang những dấu ấn lịch sử riêng nhưng vẫn được đem ra để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày."

Vào mùa xuân năm 2018, chùa Daigoji phát hành một ứng dụng di động hoàn toàn miễn phí để du khách có thể dễ dàng tìm hiểu, khám phá và có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Bên cạnh đó, khu vực Yamashina cũng là nơi lưu truyền một giá trị truyền thống khác.

Gần 400 năm trước, trà đạo không chỉ phổ biến với giai cấp thống trị như Toyotomi Hideyoshi mà còn lan rộng đến cả tầng lớp quý tộc. Cùng với thú vui thưởng trà là mong ước được sở hữu những tách trà bằng đất nung với các họa tiết tinh tế. Dần dần, những phương pháp làm gốm được du nhập từ các nước láng giếng như Trung Quốc và Hàn Quốc rồi phát triển thành một nghệ thuật làm gốm sứ tinh xảo Kiyomizu hay còn được gọi là gốm sứ Kyoto. 

Nơi trưng bày những sản phẩm gốm sứ Kyoto đặc sắc

Phòng trưng bày Rakuchu-Rakugai tại Yamashina là nơi bạn có thể tìm hiểu về nhiều loại gốm sứ khác nhau bao gồm cả những sản phẩm gốm sứ Kiyomizu, từ những tác phẩm nghệ thuật bằng gốm cho đến những dụng cụ bàn ăn tinh tế đều được trưng bày tại đây. Kumagai - một nhà bán buôn đồ gốm Kiyomizu, đồng thời là chủ sở hữu Rakuchu-Rakugai, đã đưa tôi đi tham quan phòng trưng bày và giới thiệu cho tôi nguồn gốc cũng như những kỹ thuật làm gốm cơ bản. 

Đồ gốm Kiyomizu có cùng tên với một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Kyoto không phải là một điều ngẫu nhiên: Đó là do Gojo-zaka - con dốc dẫn đến chùa Kiyomizu, mặc dù ngày nay là nơi tấp nập với những quán cà phê đông khách và những quầy bán đồ lưu niệm xinh xinh, nhưng con dốc này đã từng là nơi để xây dựng những lò nung gốm vào thế kỷ 16. Cùng tên với ngôi chùa Kiyomizu là ngành công nghiệp gốm sứ Kyoto phát triển mạnh mẽ, với những tác phẩm tinh tế cùng nhiều kiểu dáng phong phú. Tuy nhiên, số lượng dân cư ngày một đông đúc, khu Tổ hợp gốm sứ Kiyomizu (Kiyomizu-yaki Danchi) này đã buộc phải di rời về phía Nam của ngọn đồi phía sau ngôi đền - khu vực Yamashina. Bạn có thể đến đây bằng xe buýt từ trung tâm Kyoto.

Kumagai giới thiệu rằng các tác phẩm tại phòng trưng bày Rakuchu-Rakugai vô cùng đa dạng, bao gồm tất cả mọi thứ từ bát và chén với những mẫu thiết kế theo mùa khác nhau, cho đến những miếng gác đũa bằng sứ nhỏ xinh và những chiếc đĩa lớn với hoa văn men hỏa biến - được tạo nên bởi sự tương tác hóa học giữa ôxít sắt và titan cộng với nhiệt. Khu vực tầng hai là nơi trưng bày phiên bản gốm sứ của một Báu vật quốc gia được biết đến với cái tên “rakuchu-rakugai”, mô phỏng lại khung cảnh cố đô Kyoto từ trên cao qua những áng mây vàng. Tác phẩm gốm sứ này mất 7 năm để hoàn thành. Một nữ nghệ nhân tài ba cùng với sự hỗ trợ của một số nghệ nhân khác đã tái hiện Báu vật quốc gia “rakuchu-rakugai” một cách chân thực nhất. 

Trải qua 400 năm, gốm Kiyomizu đã có những bước phát triển mãnh mẽ với hàng loạt kỹ thuật tân tiến, gắn liền với đó là hình ảnh những nghệ nhân gốm sứ tài ba làm việc tại lò nung của mình để cho ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng. 

Một loại hình nghệ thuật duy trì từ bao thế hệ

Tại Unraku-gama, một lò nung và đồng thời cũng là một cửa hàng lưu niệm, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng quá trình sản xuất gốm sứ trong suốt 130 năm qua. 

Tại Unraku-gama, dòng họ nhà Saito đã duy trì truyền thống làm gốm và cho ra những kỹ thuật làm gốm sáng tạo qua nhiều thế hệ. Năm 1963, họ là những người đầu tiên sử dụng lò nung chạy bằng điện để nung ở nhiệt độ cao. Trong khi những nghệ nhân khác vẫn sử dụng loại kỹ thuật sản xuất men bóng đã 400 năm tuổi thì nhà Saito đã chế tạo một loại men mới, cứng hơn được gọi là "aomatto" để tạo ra những sản phẩm đồ gốm bền hơn. Tất nhiên, công thức sản xuất men gốm cứng này là bí mật gia truyền của dòng họ Saito. Chính sự đột phá trong công nghệ làm gốm này đã làm nên thương hiệu gốm nức tiếng của Unraku-gama.

Chỉ bằng một cuộc điện thoại hoặc email đặt trước, khách hàng tới mua có thể xem quy trình sản xuất gốm tại đây. Đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân khiến cho quy trình làm gốm tưởng như thật dễ dàng. Tôi còn nhớ như in khi mình được chiêm ngưỡng Takeuchi - một nghệ nhân làm gốm có kinh nghiệm 30 năm, làm nên một ấm trà hoàn chỉnh. Không cần đo, ngón tay khéo léo của người nghệ nhân ấn vào đất sét ướt rồi nặn thành một cái nắp. "Hãy cùng xem chiếc nắp này có khớp với bình trà không nhé!". Và chiếc nắp hoàn toàn khớp với chiếc bình khiến tôi phải vỗ tay thán phục.

"Chúng tôi muốn mọi người thấy rằng, nơi đây không chỉ đơn thuần là một cửa hàng lưu niệm," người nghệ nhân thế thế hệ mới nhất của Unraku-gama giải thích. "Chúng tôi muốn khách hàng hiểu rằng giá trị thực sự không nằm ở giá thành sản phẩm. Khi họ chứng kiến hình ảnh những người nghệ nhân chăm chút, tỉ mỉ làm ra những sản phẩm gốm sứ, biết được nguồn gốc, giá trị lịch sử thì họ mới thực sự trân quý và hiểu được giá trị thực sự của những sản phẩm này. Nghề gốm sứ không chỉ là một nghề đã có từ lâu đời mà thực sự là một phần của lịch sử".

Du khách đến Yamashina vào cuối tháng 10 cũng sẽ có cơ hội tham gia lễ hội gốm sứ được tổ chức hàng năm, với những quầy bán nhiều đồ ăn ngon và đặc biệt là có hơn 100 gian hàng bày bán các tác phẩm thủ công ấn tượng.

Thành phố Kyoto đã trải qua nhiều biến đổi theo năm tháng nhưng khu vực Yamashina là một nơi lưu giữ, duy trì những giá trị truyền thống lâu đời không hề thay đổi cho đến ngày nay.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tham khảo thông tin về những địa điểm được giới thiệu trong bài

Chùa Daigoji (Tiếng Anh)
Phòng trưng bày Rakuchu-Rakugai (Tiếng Anh)
Unraku-gama (Tiếng Anh)
Tour Unraku-gama và trải nghiệm tự làm đồ gốm (Tiếng Anh)

Bản quyền về nội dung và hình ảnh trong bài viết này thuộc về KYOTO CITY OFFICIAL TRAVEL GUIDE.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitterInstagram của chúng tôi!

Tuyển tập Kansai

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

tsunagu
tsunagu Japan 編輯部
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng