Wabi-sabi: Tại sao quan niệm thẩm mĩ của người Nhật lại chấp nhận sự không hoàn hảo?

Bạn đã bao giờ bị cuốn hút không rời mắt khỏi một món đồ bày trên cửa sổ tại một cửa hàng đầy bụi hay những đồ vật có những họa tiết trang trí bị phai mờ theo năm tháng hay chưa? Hay có khi nào bạn thấy cảm giác hoài cổ, gần gũi khi lục lọi những chiếc hộp ở nhà ông bà và phát hiện ra một món đồ vật nào đó bị thất lạc đã lâu? Bạn có bao giờ thích dạo bước giữa thiên nhiên hay đơn giản chỉ ngồi tĩnh lặng và ngắm nhìn vạn vật xung quanh đang dần thay đổi theo lẽ tự nhiên thường tình? Nếu bạn có bất kỳ một trải nghiệm nào liên quan đến những câu hỏi trên, bạn đã sẵn có tâm thế về khái niệm wabi-sabi rồi đó. Thậm chí nếu bạn chưa bao giờ có những cảm giác phù du này, hãy đọc bài viết này để tìm hiểu thêm về một quan niệm thẩm mĩ của Nhật Bản được gọi là wabi-sabi và làm thế nào mà tư tưởng này trở thành một phần không nhỏ trong số các loại hình nghệ thuật nổi tiếng nhất Nhật Bản nhé.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Wabi-Sabi là gì? Hoàn toàn không hoàn hảo

Dựa vào các ví dụ ở phần giới thiệu, có thể bạn đã nghĩ rằng wabi-sabi là một khái niệm hơi khó để có thể mô tả một cách ngắn gọn phải không nào? Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ nguồn gốc của từ này và chia nhỏ thành hai phần có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ từ này hơn. 

"Wabi-sabi" thực chất là hai từ ghép lại với nhau. "Wabi" ban đầu mang một số ý nghĩa như "buồn chán", "đau khổ", trong khi đó "sabi" lại mô tả sự "xuống cấp" hoặc một điều gì đó "phai mờ" theo năm tháng.

Mặc dù, hai từ này gợi cho chúng ta một cảm giác u sầu, buồn bã và tiêu cực nhưng khi ghép lại với nhau, khái niệm "wabi-sabi" lại gợi lên cảm giác ấm áp về một cuộc sống mộc mạc, an yên trong tiếng Nhật. Điều này sẽ được giải thích kỹ hơn các phần tiếp theo.

Nguồn gốc của "Wabi"

"Wabi" được hiểu là sự mộc mạc, tinh tế, xu hướng đề cao sự đơn giản, tự nhiên, không phô trương. Bên cạnh đó, theo như triết gia Alan Watts, "wabi" còn có ý nghĩa là cô đơn, lẻ loi.

Ngoài ra, theo Kazuo Okakura - tác giả cuốn "Thư trà" (The book of Tea) nổi tiếng, từ "wabi" còn có một cách hiểu khác. Cuốn sách này được viết bằng tiếng Anh với mục đích giới thiệu cho phương Tây về nghệ thuật trà đạo của Nhật Bản (thật kỳ lạ, sau đó cuốn sách này đã được dịch ngược lại sang tiếng Nhật và đã nhận được thành công vang dội ở phương Tây). Trong cuốn sách, Okakura mô tả "wabi" là "không hoàn hảo" hoặc "không hoàn thiện", nhưng có tiềm năng cải thiện trong tương lai. Ở đây, chúng ta có thể cảm nhận có một cảm giác chấp nhận sự không hoàn hảo một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở, với một kiểu cảm xúc "cái gì đến, sẽ đến". 

Việc một bậc trà sư đề cập đến "wabi" nhất định không phải là một sự ngẫu nhiên bởi từ "wabi" có mối liên kết sâu sắc với "wabi-cha", một loại hình trà đạo được phát triển ở Nhật Bản. Chúng ta sẽ đề cập kỹ hơn đến vấn đề này ở phần tiếp theo nhưng trước hết hãy cùng tìm hiểu về khái niệm "sabi" nhé! 

Nguồn gốc của "Sabi"

"Sabi" bắt nguồn từ một động từ tiếng Nhật "sabu", có nghĩa là làm giảm giá trị hoặc làm mất đi vẻ hoàn mỹ theo thời gian. Tuy nhiên, đây không hẳn đã là một điều không tốt, vì nó gợi cho chúng ta một cảm giác ấm áp và thân thuộc về một món đồ vốn đã gắn bó từ lâu hay một món quần áo cũ mà bạn đã mặc bấy lâu nay. Từ "sabi" dần gắn liền với hình ảnh về những nơi yên tĩnh, bắng vóng người. Nghe có vẻ không hợp lý tẹo nào phải không? Làm sao chúng ta có thể cảm thấy thân thuộc với một nơi vốn dĩ thiếu vắng đi sự xuất hiện của con người? Nhưng không phải vậy đâu! Có thể nói rằng, "sabi" ở đây ý chỉ một điều gì đó tương tự như sự vô thường, tĩnh lặng và trầm ngầm của một con người khi chứng kiến vạn vật đang xoay mình thay đổi theo quy luật tự nhiên. 

Giáo lý Phật giáo, thơ Haiku và vẻ đẹp thoáng qua của sự vô thường

Wabi-sabi cũng có mối liên hệ mật thiết với Phật giáo Thiền tông và được phản ánh rõ nét trong cả lối làm thơ truyền thống "haiku" của Nhật Bản. Nhà thơ nổi tiếng Matsuo Basho đã có những dòng thơ miêu tả về những ao nước êm đềm, tĩnh lặng đến nỗi người ta có thể nghe đâu đó vang vọng tiếng của một con ếch lặn xuống mặt nước; ngôi mộ bị lãng quên của một chiến binh đã được bao quanh bởi cỏ cao; hoặc một phiến đá im lặng giữa tiếng ve kêu râm ran. Thông qua bài thơ haiku của mình, Basho đã thể hiện được cảm giác wabi-sabi và làm nổi bật sự cô độc, vẻ đẹp tự nhiên, thời gian luôn vận hành và bản chất không ngừng thay đổi của cuộc sống.

Điều này có mối liên hệ mật thiết với giáo lý Phật giáo về chân lý cuộc đời. Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng đều phải đối mặt với 3 điều không thể tránh khỏi: sự vô thường, khổ đau và sự trống rỗng. Thay vì đau buồn hay tự thương hại bản thân, wabi-sabi khuyên con người ta cần chấp nhận điều này và có cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống. Nếu bạn không thể thoát khỏi những điều vô thường, hãy tận hưởng chúng và nhận ra sự bình yên trong việc buông bỏ.

Wabi-Sabi trong nghi thức Trà đạo, Wabi-cha

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu về mối liên kết giữa wabi-sabi với trà đạo Nhật Bản và từ "wabi-cha" (còn được gọi là "sado" hoặc "chado") có ý nghĩa như thế nào nhé! Nghi thức wabi-cha trong các buổi trà đạo thường nhấn mạnh vào sự tối giản, đồng thời thể hiện sự trân trọng của người thưởng trà về mọi thứ xung quanh theo cách vốn có của nó ("wabi", như được giải thích ở trên, tượng trưng cho 'sự tối giản', trong khi "cha" ở đây có nghĩa là 'trà'). Nghi lễ wabi-cha được tiến hành đơn giản, không chú trọng quá nhiều vào sự phô trương trong bối cảnh nghi lễ trà đạo Trung Hoa vẫn đang được ưa chuộng.

Những buổi thưởng trà xa hoa kiểu Trung Quốc trước đây thực sự rất phổ biến ở Nhật Bản, được giới thượng lưu thường xuyên tổ chức trong Thời kỳ Muromachi (những năm 1300 đến 1500) như một cách để thể hiện đẳng cấp và quyền lực của mình.

Tuy nhiên, thật khó tránh khỏi những bất đồng ý kiến về cách thi hành một nghi lễ trà đạo và wabi-cha, cách thưởng trà đơn giản và thanh tịnh của một nhà sư có tên là Murato Juko, cũng nhận không ít những lời chỉ trích. Thay vì những chiếc cốc sứ xa hoa từ Trung Quốc, ông khuyến khích người thưởng trà nên sử dụng những chiếc bát trà bằng đất của Nhật, được làm thủ công và thường có những khiếm khuyết nhỏ về hình dáng và thiết kế. Với sự ra đời của wabi-cha, những triết lý và tư tưởng về wabi-sabi bắt đầu được lan rộng. 

Những hình dạng kỳ quặc hoặc nứt vỡ chính là cách thể hiện tinh thần

Murato Juko cũng là người đã tạo ra rất nhiều các dụng cụ được sử dụng trong nghi thức trà đạo cho tới ngày nay và là người đã kết hợp wabi-cha với tinh thần của phái Thiền Tông. Murato mô tả "wabi" như sau: "... vẻ đẹp huyền ảo của mặt trăng càng nổi bật hơn khi trăng mờ ảo sau những đám mây". Wabi chính là việc theo đuổi vẻ đẹp của sự không hoàn hảo.

Như người ta thường nói "vẻ đẹp nằm ở trong đôi mắt của người chiêm ngưỡng" và "không có thứ gì là hoàn hảo". Wabi-sabi giúp chúng ta thêm trân trọng sự đa dạng của cái đẹp. Vẻ đẹp không chỉ nằm ở sự quyến rũ theo tiêu chuẩn mà còn ở chính sự không hoàn hảo. Điều này giúp đưa mọi vật và trải nghiệm của chúng ta gần với thực tế hơn, đồng thời khiến cuộc sống trở nên thú vị và đa màu sắc hơn. 

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Kintsugi - nghệ thuật tái sinh bằng vàng, làm nổi bật lên vẻ đẹp của những vết nứt theo tinh thần Wabi-sabi

Do có mối liên hệ mật thiết với văn hóa trà đạo, wabi-sabi cũng cũng gắn liền với những chiếc cốc và bát trà theo một cách vô cùng đặc biệt. Cùng với xu hướng loại bỏ những chiếc cốc trà được thiết kế công phu của Trung Quốc, những chiếc bát trà thủ công và "không hoàn hảo" đã dần trở nên phổ biến ở Nhật Bản và ý tưởng hướng tới sự mộc mạc này được khai thác sâu hơn nữa. 

Khi một món đồ gốm bị vỡ, người phương Tây thường sẽ có suy nghĩ rất tự nhiên là vứt bỏ món đồ đó đi và mua một món đồ mới. Trong khi đó, theo tư tưởng wabi-sabi, người Nhật lại nhận thấy đây chính là một cơ hội để "tái sinh" lại món đồ bị vỡ và tạo ra một món đồ mới - đây còn được gọi là "kintsugi". Theo đó người ta sẽ sửa lại những bát trà bị vỡ bằng một lớp keo được pha với bột vàng để "tái sinh" lại món đồ đó.

Kintsugi thường được coi là hiện thân của tư tưởng wabi-sabi. Việc sử dụng kim loại quý giá như vàng để tạo điểm nhấn cho vết nứt và sự không hoàn hảo chính là điểm nhấn của món đồ này, thu hút sự chú ý của mọi người tới những nét không hoàn hảo chứ không hề có ý định giấu chúng đi. Những chiếc bát trà được sửa một cách đặc biệt như vậy được bán với mức giá cao hơn nhiều so với những chiếc bát mới. Kintsugi đã có lúc nổi tiếng đến mức người ta đồn lại rằng một số nghệ nhân đã tự đập vỡ các tác phẩm của mình rồi tự sửa lại theo phương pháp này để làm ra các sản phẩm hợp thời. Đây là việc làm hoàn toàn đi ngược lại tinh thần kintsugi và wabi-sabi.

Klook.com

Kết luận

Tư tưởng wabi-sabi dường như mang lại một hy vọng cho thế giới tốt đẹp hơn, khi mà ngày nay, trên mạng xã hội luôn thể hiện mặt hoàn hảo của cuộc sống với những tấm ảnh đã qua chỉnh sửa. Wabi-sabi lại đi ngược lại, khuyến khích con người ta nên hài lòng với những gì mình đang có, ưa chuộng lối sống tối giản và đề cao sự bình an trong tâm hồn, cũng như trân trọng những gì xưa cũ đã qua hơn là đánh giá cao những thứ bóng bảy. Do vậy, lần tới nếu lúc nào bạn cảm thấy không bằng "con nhà người ta", bạn hãy pha một ấm trà, sử dụng chiếc tách cũ mà mình yêu thích, lặng yên trong phút giây và quan sát thế giới vận hành trước mặt nhé!

Tsukumo-gami là những đồ vật vô tri vô giác sau 100 năm sử dụng hoặc được tiếp xúc với con người, những đồ vật kiểu này được tin là sẽ tự động phát triển nhận thức và có linh hồn riêng của mình. Vật thể đó có thể là bất cứ thứ gì theo đúng nghĩa đen, có thể là một chiếc gương cũ phủ bụi mờ, một chiếc búa được sử dụng nhiều lần, hay thậm chí tất nhiên là cả một bát trà bị nứt và đã được sửa lại. Mặc dù Tsukumo-gami về cơ bản đều là những vật được tạo ra từ truyện cổ dân gian nhưng sự tồn tại của chúng trong văn hoá dân gian cho thấy vai trò của việc chăm sóc tốt những người bạn đồng hành vô tri vô giác của chúng ta như thế nào trong cuộc sống thường ngày.

 

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Jack
Jack Xavier
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng