Dạo quanh công viên Komaba ở Tokyo để tìm hiểu văn học, kiến ​​trúc lịch sử và sản phẩm thủ công truyền thống của Nhật Bản

Tokyo - thủ đô văn học và nghệ thuật của Nhật Bản là nơi sở hữu rất nhiều các công trình văn hóa và nghệ thuật. Trong chuyên mục “Một ngày dạo chơi ở Tokyo” lần này, chúng tôi đã đến công viên Komaba ở Meguro, Tokyo. Nếu bạn yêu thích các tòa kiến trúc cổ, văn học và nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản thì công viên Komaba chính là điểm đến hoàn hảo cho chuyến du lịch trong ngày của bạn. Hãy cùng chúng tôi đi dạo một vòng quanh công viên để tận hưởng không gian thiên nhiên trong khi khám phá những công trình đậm chất nghệ thuật tại đây nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Những địa điểm mới lạ chưa đặt chân đến

Chắc hẳn có nhiều người (giống tôi) thường lên những danh sách kiểu như "các quán cà phê cần phải đến" và có hẳn một bản đồ đánh dấu những điểm tham quan muốn ghé thăm trong điện thoại của mình. Là một người Đài Loan mặc dù đã sống ở Tokyo trong nhiều năm nhưng bản đồ Google Maps của tôi vẫn còn rất nhiều địa điểm mà tôi muốn ghé thăm.

Khi lên kế hoạch viết bài viết này, tôi đã mở Google Maps và suy nghĩ về nơi mà mình muốn đến. Một quán cà phê ở Công viên Komaba có tên là “Bundan Coffee & Beer” được đánh dấu trên Google Maps đã khiến tôi chú ý. Đây chắc hẳn là một địa điểm mà tôi đã thấy trong một tạp chí hoặc chương trình truyền hình nào đó trước đây. Khi kiểm tra, tôi phát hiện ra rằng trong và xung quanh công viên Komaba còn có Bảo tàng Văn học đương đại Nhật Bản, Dinh thự cũ của Hầu tước Maeda, và Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ dân gian Nhật Bản. Mặc dù không phải là địa điểm mà tôi thường hay ghé thăm nhưng tôi nghĩ rằng tôi có thể học hỏi được điều gì đó mới mẻ về Tokyo và văn hóa Nhật Bản, vì vậy tôi đã mời một người bạn tham gia cùng tôi trong chuyến đi tìm hiểu về nghệ thuật và văn học này!

Khu vực Komaba ở Meguro, Tokyo

“Komaba” trong tiếng Nhật được viết là "駒場", trong đó "駒" có nghĩa là “ngựa”. Sở dĩ khu vực này được đặt tên như vậy là bởi vì trong thời kỳ Edo (1603-1868), các tướng quân Nhật Bản đã dựng một trang trại nuôi chim ưng ở "Komabano" (có nghĩa là "cánh đồng ngựa"), và họ thường buộc ngựa của mình lại khi đi săn bắn. Tất nhiên, ở Tokyo ngày nay, không có ngựa, nhưng cái tên này vẫn được giữ nguyên cho đến nay.

Tôi đã nghĩ rằng Komaba sẽ là sự kết hợp giữa bầu không khí tinh tế của Okushibu* với nét cá tính, độc đáo của Shimokitazawa, nhưng khi xuống khỏi tuyến Inokashira tại ga Komaba-todaimae, mọi thứ hoàn toàn khác. Trước mắt chúng tôi là một lối vào yên tĩnh dẫn đến khuôn viên Komaba của Đại học Tokyo, một cửa hàng McDonald's và một số các cửa hàng nhỏ nằm bên đường. Nơi đây chỉ có tiếng tàu hỏa và tiếng ve kêu khiến Komaba trở thành một khu vực hoàn toàn khác so với những gì người ta nghĩ về một thị trấn đại học náo nhiệt điển hình.

*Okushibu: Oku-Shibuya, còn được gọi là Ura-Shibuya. Đây là khu vực nằm giữa Shibuya Tokyu Main Store và ga Yoyogi Hachiman. Trong những năm gần đây, đia điểm này đã trở nên phổ biến với du khách nhờ có những quán cà phê tinh tế và hàng loạt những cửa hàng mua sắm.

Công viên Komaba: Ốc đảo xanh giữa lòng thủ đô Tokyo

Lần theo bản đồ và bảng chỉ dẫn, chúng tôi đã đến được công viên Komaba, nằm ẩn mình giữa một khu dân cư yên tĩnh. Nếu bạn đi tuyến Inokashira, bạn có thể đi ra từ cửa Nam, qua một con đường hẹp, hoặc đi bộ dọc theo phố Komaba (Komaba-dori) và vào công viên qua cổng phía Đông, nơi có những hàng rào tre và rất nhiều cây xanh. Nếu bạn đi bộ từ ga Yoyogi Uehara thì hãy đến thẳng cổng chính của công viên. Cổng vào và khu nhà bảo vệ tại đây đã được chỉ định là Di sản Văn hóa Quan trọng của Quốc gia, nơi toát lên một bầu không khí tinh tế.

Khi bước vào công viên, khung cảnh cây cối xanh mát xung quanh khiến chúng tôi không thể tin rằng mình đang ở giữa trung tâm Tokyo. Đâu đó tôi bắt gặp những đứa trẻ đang vui vẻ tìm kiếm bọ cánh cứng, một người đàn ông đang thong thả đọc sách dưới gốc cây, những cô cậu học sinh trung học mặc đồng phục băng qua công viên và những khung cảnh thú vị khác của mùa hè Nhật Bản.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Dinh thự cũ của Hầu tước Maeda: Cái nhìn sơ lược về cuộc sống của tầng lớp quý tộc thời Showa thuở sơ khai

Ở trung tâm công viên Komaba là một tòa nhà với kiến trúc độc đáo trông giống như một tòa lâu đài bạn sẽ tìm thấy ở phía bên kia “Cánh cửa thần kỳ” của Doraemon. Đây là nơi ở của Hầu tước Toshinari Maeda, người đứng đầu thứ 16 của gia tộc Maeda, người từng là lãnh chúa phong kiến của Kaga (tỉnh Ishikawa ngày nay).

Hầu tước Maeda đã đi du lịch nhiều nơi qua châu Âu và đã quyết định thiết kế dinh thự mới của mình ở Komaba khi trở về Nhật Bản vào năm 1927 sau khi phục vụ với tư cách là một sĩ quan quân đội thuộc Đại sứ quán Nhật Bản ở Vương quốc Anh. Ngoài việc được sử dụng làm nơi ở của gia đình hầu tước, "Tòa nhà kiểu phương Tây" của dinh thự này còn được sử dụng để làm nơi tiếp đãi các quan chức nước ngoài, trong khi đó "Tòa nhà kiểu Nhật" được sử dụng để giới thiệu về văn hóa Nhật Bản.

Tòa nhà theo phong cách phương Tây được thiết kế lấy cảm hứng từ các điền trang ở miền quê nước Anh, thể hiện rõ nhất ở lối vào trung tâm porte-cochere (một lối đi bên ngoài rộng để cho ô tô đi qua) với một phần mái hình chóp ở phía bên phải. Ở phía Nam nổi bật với mái hiên được thiết kế với ba mái vòm nối tiếp nhau, cùng với một ban công trên tầng hai. Tất cả cổng cho xe ra vào, lối vào và hành lang đều được thiết kế theo dạng vòng cung ở trên, theo phong cách kiến trúc Tudor. Tôi cũng phát hiện ra một điều thú vị đó là gạch màu nâu bao phủ những bức tường tại đây là loại gạch được sử dụng trong Khách sạn Hoàng gia cũ ở tỉnh Aichi và một số tòa nhà lịch sử khác cùng thời ở Đài Loan. Một trong những điều thú vị khi chiêm ngưỡng các tòa nhà này là nhận ra mối liên hệ của chúng với các công trình kiến trúc khác, điều đó cho phép bạn có thể hình dưng được về các xu hướng kiến trúc và thiết kế trước đây.

Khi bước vào dinh thự, chúng tôi bắt gặp những chiếc đèn chùm với nhiều kiểu dáng khác nhau, những phòng tiếp khách sang trọng lớn nhỏ, và một phòng ăn lớn với lò sưởi bằng đá cẩm thạch trắng. Ngoài ra còn có một số tiện nghi đáng kinh ngạc khác như một nút bấm để gọi quản gia và người hầu. Tất cả mọi thứ tại đây đều mang phong cách sang trọng và vô cùng tinh tế.

Tuy nhiên, khu vực phòng ăn của tòa nhà này khá đơn giản. Điều này là do khu vực này được dùng để làm không gian nội bộ cho nhân viên. Tuy vậy nhưng vẫn đầy đủ mọi tiện nghi.

Kết nối với tầng 2 là một cầu thang lớn ở trung tâm, có thiết kế chạm khắc phức tạp với các hoa văn cây acanthus từng rất phổ biến ở châu Âu vào thời điểm đó. Thiết kế ấn tượng này còn tận dụng được cả không gian dưới gầm cầu thang. Mặc dù những không gian như vậy hiện nay thường được sử dụng để lưu trữ hoặc làm nhà vệ sinh, nhưng không gian này đã được thiết kế thành một “inglenook” (một không gian khép kín gần lò sưởi để sưởi ấm) hình vòm như mặt ngoài của tòa nhà với lò sưởi và ghế sofa.

Tại tầng hai, chúng tôi đã được tham quan phòng học, phòng ngủ và phòng dành cho trẻ em. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc về những nỗ lực khôi phục, bảo tồn và tái tạo những tài sản văn hóa tại đây. Nhờ bố cục được lưu giữ trên các bức ảnh đen trắng và mảnh giấy dán tường và thảm còn sót lại, người ta đã tái tạo lại các căn phòng trong biệt thự gần giống với hình dáng ban đầu. Những cuốn sách trong phòng nghiên cứu được thế hệ sau này của gia tộc Maeda giữ lại đã được trưng bày giống y hệt vào thời điểm trước.

Để thể hiện được nét quyến rũ vốn có của tòa nhà ban đầu, nơi đây đã được điều chỉnh, lắp đặt thêm một số thiết bị kỹ thuật số. Nơi từng là phòng của cậu con trai thứ ba giờ đã trở thành phòng đọc sách, nơi trưng bày các tạp chí du lịch về Kanazawa ở tỉnh Ishikawa, một khu vực gắn liền với gia tộc Maeda. Phần nhô ra ở phía bên phải của tòa nhà đang được tu sửa và trang bị thang máy để du khách có thể dễ dàng tiếp cận mà không làm mất đi vẻ đẹp vốn có ban đầu của nó.

Trong phòng triển lãm cũng có rất nhiều bức tranh tương phản giữa quá khứ và hiện đại. Thông qua phòng triển lãm này, bạn có thể thấy được gia tộc Maeda rất thích trượt tuyết và cưỡi ngựa ở quảng trường. Đồ đạc trong phòng ngủ được nhập từ một nhà sản xuất đồ nội thất cao cấp của Anh. Ngoài ra còn với những tấm bia “munafuda” ghi lại những thông tin quan trọng về thời gian cũng như những người đã góp công vào việc xây dựng công trình kiến trúc. Phòng họp tại đây cũng được sử dụng để trình chiếu các video giúp du khách có thể hiểu hơn về lịch sử của tòa nhà.

Trong chuyến tham quan, người phụ trách tại đây đã chia sẻ với chúng tôi chi tiết về kế hoạch trùng tu tiếp theo của dinh thự. Nghe họ giải thích, tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng về cách người Nhật bảo tồn những công trình kiến trúc lịch sử của đất nước họ. Mặc dù đây là một công trình lịch sử vô giá nhưng vé vào cửa lại miễn phí, du khách có thể chụp ảnh tùy thích, thậm chí tại đây còn tổ chức các chuyến tham quan miễn phí cùng với các tình nguyện viên. Tòa nhà kiểu Nhật Bản liền kề cũng có dịch vụ đặt phòng cho khách du lịch và tổ chức các sự kiện khác nhau như trà đạo, cắm hoa và độc tấu haiku. Qua đây, chúng tôi có thể nhận thấy rõ được mức độ nhận thức văn hóa cao và sự tôn trọng đối với các công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử của người dân Nhật Bản. Sau chuyến tham quan, chắc chắn bạn sẽ muốn khám phá thêm các công trình kiến trúc lịch sử của Tokyo - và đó cũng chính là cảm nhận của chúng tôi sau khi khám phá nơi này!

Klook.com

Bảo tàng văn học đương đại Nhật Bản: Suy ngẫm về những kiệt tác văn học Nhật Bản

Trong lịch sử Nhật Bản, thời kỳ “hiện đại sơ khai” kéo dài từ thời Minh Trị Duy tân (1868) đến cuối Chiến tranh thế giới thứ 2 (1945). Mặc dù xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng văn học Nhật Bản trong thời đại này luôn được xem là những tác phẩm có sức sống vượt thời gian và mang sức hút kì lạ. Các nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thời kỳ này có thể kể đến như Ryunosuke Akutagawa, Natsume Soseki, Yasunari Kawabata và Osamu Dazai. Các tác phẩm của họ đã được dịch và xuất bản ra nhiều thứ tiếng và vẫn được đón đọc rộng rãi cho đến ngày nay. Tác phẩm “In a Grove” (Trong rặng tre) của Ryunosuke Akutagawa đã được đưa vào sách giáo khoa ngôn ngữ của các trường trung học ở Đài Loan, quê hương của tôi.

Đối với những người yêu văn học Nhật Bản (và thông thạo tiếng Nhật), Bảo tàng văn học đương đại Nhật Bản nằm ngay cạnh Dinh thự Maeda và Tòa nhà kiểu Nhật là một điểm đến chắc chắn không thể bỏ qua.

Đầu tiên, chúng tôi xem những bưu thiếp có sẵn ở quầy gần lối vào tầng một. Tại đây có ấn bản đầu tiên của các tác phẩm văn học Nhật Bản nổi tiếng, cùng với hình ảnh của các bản thảo và những bức ảnh liên quan khác. Tôi đã tìm thấy những tấm bưu thiếp về những cuốn tiểu thuyết mà tôi đã từng đọc như “Tiếng rền của núi”, “Vũ công Izu” và “Tà dương”.

Ngoài ra còn có một phòng đọc sách ở bên phải quầy, nơi bạn có thể mượn sách từ bộ sưu tập. Tuy nhiên, bạn sẽ cần trả phí vào cửa. Bạn cũng sẽ cần mua vé khi tham gia triển lãm trên tầng 2, thường được bảo tàng tổ chức thường xuyên.

Chủ đề của triển lãm năm nay là “Văn học trong sách giáo khoa, Văn học bên ngoài lớp học IV: Tác phẩm "Nỗi lòng" của Natsume Soseki và thời đại của ông”. Đối với những ai am hiểu về văn học Nhật Bản, hình ảnh Natsume Soseki luôn gắn liền với tác phẩm “Botchan”, lấy bối cảnh ở Matsuyama, tỉnh Ehime. Tuy nhiên, tác phẩm “Nỗi lòng” của ông cũng rất nổi tiếng và thường xuyên xuất hiện trong sách giáo khoa tiếng Nhật. Vì đã từng đọc tác phẩm này trước đây và muốn tìm hiểu thêm về nó, cộng với việc tò mò về buổi triển lãm văn học ở Nhật Bản nên chúng tôi đã mua vé vào cửa.

Thông qua các bài thuyết trình giới thiệu về các bản thảo được viết tay, triển lãm này giúp chúng tôi hiểu hơn về tác phẩm "Nỗi lòng" như cách nó đã được viết ra, cũng như có cái nhìn sâu sắc hơn về quá trình sáng tạo nên một tác phẩm văn học. Ngoài ra, triển lãm này còn giúp chúng tôi hiểu hơn về những nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết, cùng với những bức ảnh về những địa điểm nơi diễn ra câu chuyện, và những tấm bản đồ 3D. Tác giả đang muốn truyền tải đến người đọc rằng “vòng tròn méo mó” mà tác giả vẽ ra không chỉ liên quan đến trạng thái tâm lý của nhân vật, mà còn liên quan đến sự uốn lượn và cung đường thực tế của địa hình. Ngoài ra tiểu thuyết còn đề cập đến phản ứng của những nhà văn cùng thế hệ về sự kiện lịch sử "cái chết của tướng quân Nogi Maresuke".

Ngoài các cuộc triển lãm, bảo tàng cũng cung cấp nhiều khóa học và bài giảng cho du khách, như “Voice Library”, nơi các nhà văn sẽ đọc các tác phẩm của chính mình. Du khách sẽ được nghe đọc sách bằng tiếng Nhật với âm điệu nhẹ nhàng - một trải nghiệm thú vị mà bạn hiếm khi có cơ hội tham gia.

Nếu bạn quan tâm đến cách kể chuyện của Nhật Bản, chúng tôi khuyên bạn nên dành nhiều thời gian tại Bảo tàng văn học đương đại Nhật Bản. Sau khi tham quan, chắc chắn bạn sẽ yêu mến và nhận ra tầm quan trọng của những địa điểm như thế này với vai trò bảo tồn những tác phẩm văn học vô giá.

Bundan Coffee & Beer: Sự kết hợp tuyệt vời giữa cà phê và sách

Sau khi say sưa với các cuộc triển lãm văn học, chúng tôi dành thời gian nghỉ ngơi một chút tại Bundan Coffee & Beer, ẩn mình trong một góc ở tầng 1 của bảo tàng. Quán cà phê này được trang trí với những ánh đèn nhẹ nhàng, ấm áp và có rất nhiều đồ nội thất cổ bằng gỗ được bài trí xung quanh, mang đến một không gian hoài cổ vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của chúng tôi chính là một giá sách khổng lồ chứa khoảng 20.000 cuốn sách. Du khách có thể tự do chọn bất kỳ cuốn sách nào để đọc trong khi thưởng thức bữa sáng hoặc trà chiều tại đây.

Đối với nhiều người, điểm hấp dẫn nhất của quán cà phê Bundan Coffee & Beer chính là thực đơn theo chủ đề văn học vô cùng thú vị. Mang đậm chất văn học, thực đơn này có các món ăn xuất hiện trong các tiểu thuyết nổi tiếng, cùng với những đồ uống mang tên tác giả và tác phẩm của họ. Ngoài ra còn có giải thích chi tiết về nguồn gốc đằng sau tên gọi của mỗi món ăn, cũng như trích dẫn từ các cuốn sách liên quan.

Ví dụ, món bánh mì kẹp cá hồi nướng Sakaguchi Ango được lấy theo tên của Ango Sakaguchi, một nhà văn quê ở Niigata đại điện cho trường phái "Buraiha". Ở tuổi 44, Sakaguchi đã viết tác phẩm “Waga Kufuseru Ojiya" (tạm dịch: "Ông già khéo léo của tôi"), trong đó giới thiệu chi tiết cách cải tiến món “bánh mì kẹp cá hồi nướng” - món ăn nổi tiếng của quê hương ông. BUNDAN đã điều chỉnh công thức nấu ăn một chút, thêm hành tây và ớt chuông vào để làm món cá hồi ướp nước tương thêm đậm đà hơn. Đây là một thực đơn hoàn hảo cho một bữa sáng tràn đầy năng lượng.

Ngoài đồ ăn, Bundan còn nổi tiếng với các món tráng miệng. Món kem sundae xuất hiện trong tiểu thuyết “Lemon” của nhà văn Kajii Motojiro, có một vị ngọt nhẹ và thanh. Những chiếc bánh Scone được đặt theo tên của nhà văn William Shakespeare vĩ đại, phủ một lớp sốt caramel mặn đặc biệt, cũng không kém phần hấp dẫn. Ngay cả khi bạn không nói được tiếng Nhật, bạn vẫn có thể đắm mình trong thế giới văn học Nhật Bản thông qua những món ăn hấp dẫn tại đây!

Bảo tàng thủ công mỹ nghệ dân gian Nhật Bản: Khám phá sức hấp dẫn của nghề thủ công truyền thống

Rời công viên Komaba, chúng tôi đến điểm đến cuối cùng trong ngày: Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Dân gian Nhật Bản.

Những ai yêu thích những bộ chén bát Nhật Bản và am hiểu thiết kế sản phẩm có thể sẽ biết đến cái tên Yanagi Sori . Đồ gia dụng do Yanagi tạo ra rất được yêu thích bởi mang những thiết kế hiện đại, đường cong mượt mà và dễ sử dụng, tất cả đều được thiết kế để vừa với tay cầm của người dùng. Triết lý sáng tạo của Yanagi có thể bắt nguồn từ cha ông là Yanagi Muneyoshi, người nổi tiếng là “cha đẻ của phong trào thủ công mỹ nghệ truyền thống”.

Từ "dân gian" trong tên gọi của bảo tàng là để chỉ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do dân chúng làm ra. Năm 1926, Yanagi Muneyoshi xuất bản cuốn “Nihon Mingei Bijutsu-kan Setsuritsu Shuisho (Bản cáo thành lập "Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Dân gian Nhật Bản"). Để khám phá vẻ đẹp của những đồ dùng trong cuộc sống hàng ngày, ông đã phát triển một phong trào nghệ thuật dân gian độc đáo của Nhật Bản. Với sự ủng hộ của những người theo triết lý này, ông đã thành lập Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Dân gian Nhật Bản vào năm 1936 để truyền bá khái niệm "Vẻ đẹp của nghệ thuật dân gian". Yanagi Muneyoshi là giám đốc đầu tiên của bảo tàng, sau đó đã truyền lại cho con trai mình là Yanagi Sori. Yanagi Sori là giám đốc thứ 3 của bảo tàng.

Sau khi thành lập bảo tàng, Muneyoshi đã đi khắp Nhật Bản để nghiên cứu và sưu tầm hàng thủ công mỹ nghệ, đồng thời quảng bá văn hóa thủ công của Hàn Quốc, Ainu và các dân tộc thiểu số của Đài Loan. Ông là người có công trong việc giới thiệu với thế giới các sản phẩm như đồ gốm, tranh vẽ, hàng dệt nhuộm, đồ sơn mài, đồ gỗ và các đồ thủ công do các nghệ sĩ vô danh làm ra - những sản phẩm chưa nhận được sự đánh giá xứng đáng nhìn từ quan điểm của lịch sử nghệ thuật và nghệ thuật hiện đại phương Tây thời bấy giờ.

Bộ sưu tập tại Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Dân gian Nhật Bản bao gồm hơn 17.000 món đồ thủ công cũ và mới từ khắp Nhật Bản và nước ngoài. Ngoài việc sưu tầm, lưu trữ và tiến hành nghiên cứu về nghệ thuật dân gian, bảo tàng này còn tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm khác nhau để đề cao hơn nữa những triết lý của Yanagi Muneyoshi.

Khi bước vào bảo tàng, chúng tôi rất ấn tượng với trần nhà cao và cầu thang gỗ dẫn sang hai bên trái và phải, tạo nên một không gian vô cùng tinh tế. Không giống như hầu hết các bảo tàng, tại đây không quy định một lộ trình bắt buộc mà bạn phải đi theo. Du khách có thể tự quyết định thứ tự tham quan dựa vào tấm bản đồ giới thiệu về các phòng trưng bày trong bảo tàng. Các ghi chú về những tác phẩm nghệ thuật thường bao gồm tên, kỹ thuật sản xuất và ngày sản phẩm được làm ra, cho phép du khách có thể hiểu hơn về các món đồ được trưng bày mà không cần tham khảo thông tin bên ngoài.

Tầng hai có Phòng triển lãm lớn, một phần của công trình tái thiết lập kỷ niệm 80 năm ngày thành lập bảo tàng vào năm 2021. Nơi tổ chức các buổi trưng bày đặc biệt, có ánh sáng tự nhiên từ trần nhà phản chiếu xuống cùng khung cảnh cây xanh tươi tốt từ Công viên Komaba, tạo cảm giác vô cùng thư giãn. Ở tầng một là cửa hàng bán các ấn phẩm dành riêng cho Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ Dân gian Nhật Bản, cũng như các ấn phẩm về Yanagi Muneyoshi và nghệ thuật dân gian. Ngoài ra, cũng có vô số tác phẩm nghệ thuật dân gian tuyệt vời khác có sẵn tại đây.

Mặc dù những bức ảnh được sử dụng trong bài viết này được chụp với sự cho phép của bảo tàng, và không có bất kỳ khách tham quan nào trong ảnh, nhưng bảo tàng này thực sự khá đông đúc và có một hàng dài những người xếp hàng ở quầy đăng ký. Chúng tôi thực sự ấn tượng về việc người dân địa phương tại đây rất quan tâm về nghệ thuật dân gian. Hy vọng lần tới tôi sẽ có dịp đến thăm tòa nhà phía Tây (nơi ở cũ của Yanagi Muneyoshi) nằm bên kia đường để tìm hiểu kỹ hơn về nghệ nhân này.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Một chuyến đi thú vị để khám phá về văn học và nghệ thuật Nhật Bản

Ban đầu, tôi chỉ định đến một quán cà phê mà tôi đã đánh dấu ngẫu nhiên trên điện thoại, nhưng khi chúng tôi đến đây, thật bất ngờ khi lại có quá nhiều địa điểm thú vị để khám phá đến như vậy. Sau khi ghé thăm những nơi này, tôi hy vọng mình có thể đến đây thường xuyên hơn để tìm hiểu thêm về văn học, nghệ thuật Nhật Bản và tham gia những sự kiện được tổ chức tại đây. Tôi hy vọng lần tới có thể ghé thăm đài phun nước trên tường và hành lang dẫn đến Tòa nhà kiểu Nhật Bản tại Dinh thự cũ của Hầu tước Maeda, điều mà chúng tôi không thể làm lần này. Theo những gì tôi nghe được thì tòa nhà này chỉ mở cửa cho công chúng vào những dịp đặc biệt.

Qua trải nghiệm này, tôi cảm thấy như thể mình đã nắm được chìa khóa mở ra một thế giới hoàn toàn mới. Giờ đây, tôi mong muốn được đến thăm nhiều di tích lịch sử và các tòa kiến trúc ở Tokyo hơn nữa. Bảo tàng văn học đương đại Nhật Bản cũng truyền cảm hứng cho tôi để đọc thêm nhiều các tác phẩm văn học Nhật Bản. Tôi chắc chắn rằng còn rất nhiều địa điểm liên quan đến văn học và nghệ thuật tuyệt vời khác ở Tokyo mà tôi chưa khám phá hết. Hy vọng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn nữa để khám phá thêm những khía cạnh khác của thành phố này.

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!

Tuyển tập Kanto

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Dawn
Dawn Cheng
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Các mục liên quan

Tìm kiếm nhà hàng