Thói quen sạch sẽ của người Nhật: Nỗi ám ảnh mang tên "tiệt trùng"

Nhật Bản được công nhận là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới. Mọi người dân ở đây đều có ý thức cao trong việc bảo đảm vệ sinh với các thói quen tốt như rửa tay, súc miệng. Sẽ không có gì là lạ nếu như bạn thấy các loại sản phẩm được dán nhãn "loại bỏ vi khuẩn" hoặc "kháng khuẩn" được bán đầy tại các siêu thị ở Nhật. Vậy tại sao người Nhật lại để ý đến vấn đề vệ sinh như vậy? Và sự khác biệt giữa khử khuẩn và kháng khuẩn là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Sự khác biệt giữa các sản phẩm "loại bỏ vi khuẩn", "kháng khuẩn" và "tiệt trùng" là gì?

Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những cụm từ như "loại bỏ vi khuẩn" hay "tiệt trùng" được in trên bao bì của các sản phẩm vệ sinh nhà cửa như bột giặt, hay chất tẩy rửa trong các cửa hàng ở Nhật Bản rồi đúng không. Thậm chí, ngay cả tay vịn thang máy cũng có kí hiệu "kháng khuẩn". Vậy những khái niệm này chính xác mang ý nghĩa gì? Hãy cùng chúng tôi đến với phần giải thích đơn giản dưới đây.

Loại bỏ vi khuẩn

Loại bỏ vi khuẩn hay còn gọi là jokin (除菌) có nghĩa là "giảm thiểu vi khuẩn và vi rút ở một mức độ nào đó".

Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, chỉ có các sản phẩm y tế và một số loại thuốc được phép in cụm từ "chất diệt khuẩn" trên bao bì. Để giải quyết vấn đề này, người ta sử dụng cụm từ "loại bỏ vi khuẩn" để thay thế, và cụm từ này thường xuất hiện trên bao bì của các sản phẩm chất tẩy rửa, bột giặt, xịt không cồn, khăn lau,...

Kháng khuẩn

Kháng khuẩn hoặc kokin (抗菌) có nghĩa là "ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn".

Các sản phẩm kháng khuẩn không thể tiêu diệt vi khuẩn. Thay vào đó, chúng có chứa các chất mà vi khuẩn "không ưa", ví dụ như đồng, bạc và titan, giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Hãy thử tìm các sản phẩm kháng khuẩn có nhãn "SEK" (đối với hàng sợi) hoặc "SIAA" (đối với hàng không có sợi) khi mua sắm nhé!

Khử trùng

Khử trùng hoặc sakkin (殺菌) có nghĩa là "loại bỏ vi khuẩn và vi rút".

Theo quy định của luật Nhật Bản, việc sử dụng thuật ngữ này chỉ giới hạn trong các sản phẩm y tế như thuốc khử trùng và một số loại thuốc như xà phòng y tế. Các sản phẩm tẩy rửa gia dụng không được sử dụng thuật ngữ này.

Tiệt trùng

Tiệt trùng hoặc mekkin (滅菌) có nghĩa là "loại bỏ sạch tất cả vi khuẩn và vi rút".

Từ này chủ yếu được tìm thấy trên các sản phẩm như gạc tiệt trùng hoặc băng y tế. Nó mang ý nghĩa là có tác dụng mạnh nhất, những sản phẩm có dán nhãn này thực tế là sản phẩm đã được tiệt trùng chứ không phải là nó có khả năng tiệt trùng các vật dụng khác.

Tại sao người Nhật lại bị "ám ảnh" bởi vấn đề vệ sinh như vậy?

Nhiều du khách khi đến Nhật Bản lần đầu sẽ hết sức ngạc nhiên bởi sự sạch sẽ của đường phố, và hơn thế là thói quen vệ sinh cá nhân của người Nhật khi họ có cơ hội được tiếp xúc với người bản xứ. Có rất nhiều ý kiến tranh luận về lý do tại sao người Nhật lại yêu thích sự sạch sẽ đến vậy. Và dưới đây là những câu trả lời thường thấy nhất.

Giáo lý Thần đạo

Giáo lý Thần đạo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến xứ sở anh đào từ thời cổ đại. Người Nhật tin rằng thần linh cư ngụ ở mọi nơi, ví dụ như ngay cả phòng tắm và nhà bếp ở nhà cũng có những vị thần đang ngự trị. Người Nhật cho rằng các vị thần thích nơi sạch sẽ, vì vậy mọi người tự cảm thấy cần phải giữ mọi thứ sạch đẹp để làm hài lòng các vị thần. Tư tưởng này ăn sâu vào văn hóa, khuyến khích người Nhật đi theo lối sống sạch sẽ và tránh xa những thứ mà họ cho là ô uế.

Klook.com

Khí hậu nóng ẩm

Nhật Bản có khí hậu nóng ẩm, kèm theo nhiều mưa, đây là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển. Nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, thực phẩm sẽ nhanh chóng hư hỏng và các vật dụng gia đình sẽ dễ dàng bị mốc.

Cuộc sống ổn định

Có ý kiến giải thích khác cho rằng người Nhật có nhiều năng lượng để dọn dẹp vì họ đang sống trong một không gian yên bình, cũng như nguồn nước dồi dào ở Nhật Bản. Trong thời kỳ Edo (1600 - 1868), xã hội rất thái bình và các kênh nước được xây dựng ở khắp mọi nơi, từ các thành phố lớn như Kyoto và Edo cho đến các vùng nông thôn. Hình ảnh mọi người rửa rau và giặt giũ quần áo bên các kênh nước là một cảnh tượng vô cùng phổ biến.

Chính phủ trong thời kỳ Meiji (1868 - 1912) ban hành luật để đảm bảo công dân xử lý rác thải một cách chính xác trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Tất cả đều góp phần làm nên thói quen đảm bảo vệ sinh của người Nhật như ngày nay.

Nhận thức về sức khỏe của người Nhật nói chung

Không hút thuốc, khạc nhổ hay ăn uống khi đang đi trên đường

Ở Nhật Bản thường có các khu vực hút thuốc được chỉ định trên đường phố, do đó, bạn sẽ hiếm khi thấy tàn thuốc lá trên mặt đất mặc dù tại Nhật Bản lượng người hút thuốc lá khá lớn. Bên cạnh đó, việc khạc nhổ nước bọt cũng sẽ bị đánh giá không tốt. Khi ai đó thực sự cảm thấy không khỏe, họ sẽ nhổ vào giấy ăn sau đó vứt đi.

Việc ăn uống khi đi trên đường cũng là một chủ đề gây tranh cãi trong xã hội Nhật Bản. Những người không ủng hộ hành động này cho rằng:
(1) Thức ăn có thể rơi xuống quần áo của người khác hoặc trên sàn nhà
(2) Mùi đồ ăn có thể làm phiền người khác
(3) Không khí ở dọc các con đường thực sự không tốt nên ăn trong khi đi bộ rất có hại cho sức khỏe của bạn.

Mặc dù nhiều loại thực phẩm rất tiện để ăn khi đang di chuyển, nhưng bạn nên dừng lại ăn cho xong rồi tiếp tục hành trình của mình.

Luôn đeo khẩu trang

Vào mùa cúm và dị ứng phấn hoa ở Nhật, nhiều người sẽ mắc các triệu chứng như hắt hơi và ho. Trong trường hợp đó, người Nhật thưởng đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và tránh ảnh hưởng đến người khác (hoặc đôi khi là để giấu đi gương mặt không trang điểm).

Người Nhật thích tắm, đánh răng và súc miệng

Ở một số đất nước, người ta cho rằng không cần phải tắm mỗi ngày, nhưng đối với người Nhật, họ rất thích tắm. Các nhà tắm công cộng xuất hiện vào thời kỳ Edo, nhưng suối nước nóng thì đã được biết đến trước đó khá lâu do chúng có mặt trên khắp đất nước Nhật Bản. Mọi người ở đây có thói quen vệ sinh cá nhân ít nhất một lần một ngày từ xa xưa. Hơn nữa, họ được giáo dục về việc rửa tay và súc miệng sau khi về nhà từ khi còn nhỏ, vì người ta tin rằng giữ cho tay và miệng sạch sẽ là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh tật.

Sự phổ biến của máy giặt sấy tự động cùng thói quen thay quần áo mỗi ngày

Người Nhật thay quần áo hàng ngày và một số gia đình còn áp dụng điều này với khăn tắm, thảm và ga trải giường. Một số người thậm chí còn thay áo khoác mỗi ngày, ngay cả khi họ mới chỉ trải qua một chuyến đi qua đêm - tất cả là vì sự sạch sẽ.

Bên cạnh việc giặt quần áo trực tiếp, người Nhật còn có thói quen sử dụng xịt khử khuẩn quần áo. Họ sẽ làm như vậy khi về nhà hoặc trước khi ngủ với mục đích làm sạch cơ bản. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều loại xịt khử khuẩn và xịt khử mùi cho quần áo (với nhiều mùi hương khác nhau) trong các siêu thị trên khắp Nhật Bản, và chúng đặc biệt hữu ích sau bữa ăn tại các quán nhậu izakaya hoặc các quán lẩu.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Ảnh hưởng tiêu cực của việc sạch sẽ quá mức

Trong khi người Nhật nổi tiếng là những người yêu thích sự sạch sẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sạch sẽ quá mức đôi khi lại trở thành vấn đề đối với họ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lớn lên trong một môi trường có quá ít vi khuẩn có thể ngăn chặn sự phát triển của hệ thống miễn dịch ở trẻ em, khiến chúng trở nên dễ bị dị ứng và mắc bệnh hơn. Việc này khiến một vài người nhận ra rằng sạch sẽ quá mức nhiều khi không phải là một thói quen tốt mà ngược lại sống trong môi trường có một lượng vi khuẩn vừa phải sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết này! Chắc hẳn bạn đã có được những hiểu biết cơ bản về "văn hóa tiệt trùng" ở Nhật Bản rồi đúng không nào? Trước tình hình dịch COVID-19 dường như vẫn trong tầm kiểm soát ở nước này, có nhiều người cho rằng đó là nhờ thói quen vệ sinh cá nhân tốt của người dân. Còn bản thân bạn thì sao? Có lẽ, đây chính là lúc thích hợp nhất để áp dụng lối sống lành mạnh của người Nhật trong việc giữ gìn sức khỏe của bản thân đó!


Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Ying
Ying Lu
Tôi đến từ Đài Loan và hiện đang sinh sống ở Tokyo. Tôi thích xem hòa nhạc và các thể loại văn hóa 2D. Tôi thường xuyên đến Ikebukuro.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng