Tanabata: Những điều thú vị về lễ hội Nhật Bản đầy màu sắc

Mùa hè Nhật Bản gắn liền với những gam màu sặc sỡ trong sắc màu của pháo hoa, của những bộ yukata truyền thống hay của những dải giấy có ghi điều ước trong lễ hội Tanabata. Được xem là ngày Ngưu Lang Chức Nữ của Nhật Bản, lễ hội Tanabata cũng gắn liền với câu chuyện truyền thuyết lãng mạn về tình yêu, tuy nhiên, cách thức người Nhật tổ chức lễ hội thì không giống với bất kỳ với quốc gia nào khác trên thế giới. Hãy đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về câu chuyện đằng sau lễ hội Tanabata, cũng như cách thức, thời gian và địa điểm mà người Nhật thường tổ chức lễ hội này nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Lễ hội Tanabata là gì?

Còn được gọi là Lễ hội các vì sao, Tanabata là lễ hội mùa hè vô cùng độc đáo ở Nhật Bản, báo hiệu mùa hè sang và là thời điểm mà trẻ em và người lớn đều nhìn lên các vì sao để gửi gắm những lời nguyện ước. Lấy cảm hứng từ một truyền thuyết của Trung Quốc và kết hợp với những yếu tố trong tôn giáo bản địa của người Nhật là Thần đạo, lễ hội Tanabata là một trong những "gosekku" của Nhật Bản (5 lễ hội theo mùa được tổ chức theo truyền thống bởi Hoàng gia Nhật Bản) và được tổ chức vào các thời điểm khác nhau trong suốt tháng 7 và tháng 8.

Mỗi lễ hội địa phương đều có những nét truyền thống riêng, nhưng nhìn chung, lễ hội Tanabata đều được trang trí bằng những dải giấy nhiều màu sắc treo trên những cành tre lớn, trên giấy ghi những điều ước được viết bằng tay.

Nguồn gốc của lễ hội Tanabata

Lễ hội Tanabata được du nhập vào Nhật Bản bởi Hoàng hậu Kōken vào năm 755 và sau đó được Hoàng triều Kyoto thông qua vào thời Heian (794 - 1185). Lễ hội Tanabata ban đầu được biết đến ở Nhật Bản với cái tên Kikkoden, có nghĩa là "Lễ hội cầu tài", bắt nguồn từ lễ Thất tịch của Trung Quốc. Tại lễ Thất tịch của Trung Quốc cũng như ngày lễ Kikkoden của Nhật Bản, các cô gái sẽ gửi những điều ước lên trời để cầu mong cho kỹ năng thủ công và may vá của mình ngày càng tiến bộ.

Kikkoden cũng xảy ra cùng thời điểm theo lịch âm với lễ hội thanh tẩy truyền thống của Thần đạo Nhật Bản, và cũng liên quan đến nghề dệt. Trong nghi lễ này, một "miko" (người phục vụ nữ tại các đền thờ Thần đạo) sẽ dệt một bộ quần áo trên một khung dệt đặc biệt. Khung dệt này được gọi là "tanabata". Sau đó, chiếc áo này được dâng lên một vị thần Shinto để cầu mong mùa màng bội thu và bảo vệ mùa màng. Vì cả lễ Shinto này và lễ Kikkoden đều diễn ra vào cùng thời điểm và cả hai đều liên quan đến dệt may nên chúng dần dần được hợp nhất và trở thành một lễ hội mới được gọi là Tanabata.

Lễ hội Tanabata đã trở nên phổ biến rộng rãi trong thời kỳ Edo (1603 - 1867), khi các cô gái "nữ công gia chánh" mong muốn cải thiện kỹ năng may vá và thủ công của mình còn các chàng trai thì mong muốn có thể viết chữ đẹp hơn. Điều này được cho là bắt nguồn từ "Lễ hội cầu tài". Trong thời kỳ này, lễ hội mùa hè Obon diễn ra vào ngày 15 tháng 7 và một số truyền thống của hai lễ hội đã được hợp nhất để tạo thành Lễ hội Tanabata như ngày nay, chẳng hạn như tục lệ thắp đèn lồng bằng giấy, hay đốt những tờ giấy ghi điều ước sau mùa lễ hội. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ một vài nghi lễ truyền thống của các lễ hội khác, nhưng ngày nay Obon và Tanabata là hai lễ hội riêng biệt.

"Tanabata" nghĩa là gì?

Tên của lễ hội Tanabata bằng chữ kanji là 七夕, có nghĩa là "tối mùng Bảy".

Ban đầu được đọc là "shichiseki" ("shichi" là cách đọc của 七, nghĩa là "bảy", và "seki" là cách đọc của 夕, nghĩa là "buổi tối") nhưng một khi lễ hội kết hợp với lễ Shinto được mô tả ở trên, cách đọc kanji đổi thành "tanabata", nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu là "tối mùng Bảy".

Lễ hội Tanabata được tổ chức khi nào?

Tanabata được tổ chức vào các thời điểm khác nhau trong tháng Bảy và tháng Tám. Sự chênh lệch này là do sự khác biệt giữa lịch âm truyền thống của Nhật Bản và Dương lịch, cách nhau khoảng một tháng. Người ta thường nghĩ rằng lễ hội Tanabata nên được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 7, (tất nhiên) là ngày 7 tháng 7 theo Dương lịch. Tuy nhiên, một số nơi lại chọn tổ chức lễ hội này gần với ngày âm lịch, để đảm bảo ngày lễ vẫn được tổ chức đúng theo thời điểm vốn có của nó. Lễ hội bắt đầu được tổ chức muộn hơn khoảng một tháng sau khi lịch Dương được thông qua vào năm 1873, và do đó, nhiều lễ hội Tanabata được tổ chức vào khoảng ngày 7 tháng 8 hàng năm.

Lễ hội vẫn theo lịch âm truyền thống và được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, có nghĩa là rơi vào khoảng tháng 8 Dương lịch. Vào năm 2021, ngày 7 của tháng 7 âm lịch sẽ là ngày 14 tháng 8. Vào năm 2022, đó sẽ là ngày 4 tháng 8.

Việc không có một ngày cố định để tổ chức có nghĩa là lễ hội này có thể được tổ chức trong cả mùa hè, mang lại cho du khách nhiều cơ hội để chứng kiến và trải nghiệm nhiều điều thú vị. Nếu bạn muốn tham gia một lễ hội cụ thể, tốt nhất là nên kiểm tra trang web chính thức để xác nhận ngày tổ chức. Lễ hội Tanabata không phải là một ngày lễ quốc gia, nhưng đó là một sự kiện rất được yêu thích ở Nhật Bản. Tham gia lễ hội là một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm truyền thống văn hóa của Nhật Bản!

Câu chuyện truyền thuyết đằng sau lễ hội Tanabata

Tanabata bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian hơn 2000 năm tuổi của Trung Quốc có tên là "Chàng chăn bò và cô thợ dệt". Câu chuyện này cũng được xem là nguồn gốc của Lễ Thất tịch ở Trung Quốc.

Trong phiên bản phổ biến nhất thường được nói đến, "Chàng chăn bò và cô thợ dệt" là một câu chuyện tình buồn về đôi tình nhân phải vượt qua các vì sao trên Dải Ngân Hà để gặp được nhau, đó là Công chúa Orihime - con gái của Tentei (Vua bầu trời hay Vua của thiên đàng) và chàng chăn bò Hikoboshi. Công chúa Orihime thường đến bờ sông Amanogawa (Dải Ngân Hà hay "sông trên trời") để dệt những bộ quần áo tinh xảo cho người cha đáng kính của mình.

Tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm nàng vẫn chỉ có một mình và luôn cảm thấy cô đơn, vì vậy, khi thấy vẻ mặt buồn bã của con gái mình, Tentei đã sắp xếp cho nàng gặp người chăn bò có tên là Hikoboshi làm việc ở phía bên kia dòng sông (Dải Ngân Hà). Sau khi gặp nhau, cặp đôi dần nảy sinh tình cảm và kết hôn. Tuy nhiên, tình yêu say đắm đã khiến họ sao nhãng và bỏ bê công việc của mình, khiến cha của Công chúa Orihime vô cùng tức giận vì không có quần áo mới để mặc trong khi những con bò của Hikoboshi thì đi lạc trên Thiên đường. Như một hình phạt, vua cha đã chia cắt đôi vợ chồng bằng Dải Ngân Hà Amanogawa và cấm họ gặp nhau.

Orihime rất đau lòng và tuyệt vọng khi phải rời xa Hikoboshi. Hoàng đế Tentei đã mủi lòng và cho phép đôi vợ chồng được gặp nhau vào ngày mùng 7 của tháng thứ 7 hàng năm. Trong lần đầu tiên gặp nhau sau bao ngày chia cắt của đôi vợ chồng, những chú chim ác là đã bay xuống và dùng những đôi cách của mình để tạo ra một cây cầu bắc qua sông để công chúa Orihime có thể băng qua bờ bên kia. Tương truyền rằng nếu trời mưa vào ngày Tanabata thì những chú chim ác là sẽ không thể đến do nước sông dâng cao. Mưa vào ngày này được gọi là "Nước mắt của Orihime và Hikoboshi."

Tại sao Tanabata còn được gọi là Lễ hội của các vì sao?

Dựa trên một sự kiện thiên văn, Tanabata đôi khi còn được gọi là Lễ hội của các vì sao. Vào ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch, hai vì sao Vega và Altair gặp nhau trên bầu trời đêm. Sự kiện này đã gắn liền với truyền thuyết về Orihime và Hikoboshi, cặp tình nhân được cho là đại diện cho hai vì sao Vega và Altair. Dòng sông ngăn cách đôi tình nhân là Dải Ngân hà, và cây cầu tạo nên bởi những chú chim ác là chính là vì sao Deneb.

Lễ hội Tanabata được tổ chức như thế nào?

Ngày nay, vào lễ hội Tanabata, người ta thường viết điều ước của mình lên các dải giấy màu và sau đó buộc lên cành tre. Không có bất kỳ quy định nào về các điều ước, và bất kỳ ai cũng có thể tham gia. Vào dịp diễn ra lễ hội, bạn có thể nhìn thấy những cây tre này trên các đường phố, siêu thị và nhà ga trên khắp Nhật Bản.

Các lễ hội quy mô lớn được tổ chức trên khắp đất nước, chủ yếu dọc theo các trung tâm mua sắm và tại các khu phố mua sắm. Những lễ hội này thường kéo dài trong một vài ngày, nhưng một số kéo dài trong một tuần với các sự kiện đặc biệt như diễu hành và khiêu vũ thường diễn ra vào cuối tuần. Lễ hội bao gồm các cuộc thi về trang trí, diễu hành và có cả các quầy hàng đặc trưng trong mùa lễ hội Nhật Bản như quầy bán đồ ăn, đồ uống và quầy tổ chức trò chơi.

Ngay cả ở những địa điểm không tổ chức lễ hội, trên khắp đất nước, người ta vẫn trang trí và cắm những cành tre để ghi những điều ước lên cây. Tất cả những điều này khiến cho mùa lễ hội thêm toàn diện, vì bất kỳ ai cũng có thể tham gia, cho dù bằng cách này hay cách khác, thực hiện một điều ước hay chỉ đơn giản là bày biện một chút đồ trang trí.

Đối với hầu hết trẻ em lớn lên ở Nhật Bản, Tanabata cũng là thời điểm để nhìn ngắm các vì sao. Do mưa được cho là ngăn không cho những chú chim ác là tạo nên cây cầu từ những đôi cánh của chúng, trẻ em Nhật Bản vào ngày này thường cầu cho mưa thuận gió hòa. Vào đêm ngày mùng 7, người Nhật thường nhìn lên bầu trời, hy vọng có thể nhìn thấy hai vì sao đại diện cho cặp đôi thiên tử.

Phong tục lễ hội Tanabata

Tục lệ truyền thống của lễ hội Tanabata là viết ra những điều ước trên những dải giấy đầy màu sắc được gọi là "tanzaku", sau treo chúng lên những cành tre. Những cây tre này có tên gọi là Cây điều ước và được cho là một biểu tượng đặc trưng của mùa hè ở Nhật Bản.

Tanzaku

Tanzaku theo truyền thống có 5 màu, mỗi màu đại diện cho các yếu tố trong Ngũ hành bao gồm nước, lửa, gỗ, đất và kim loại tương ứng với các màu đen, đỏ, xanh lá, vàng và trắng. Màu đen thường được coi là không may mắn nên thường được thay thế bằng màu tím.

Bạn cũng có thể chọn màu tanzaku tùy thuộc vào mong ước của mình vì mỗi màu đều mang một ý nghĩa khác nhau. Hãy chọn một màu sắc phù hợp để biến mong ước của mình thành hiện thực nhé!

  • Màu đen: nếu bạn mong ước được trở nên thông minh sáng dạ và cải thiện kỹ năng của mình. 
  • Màu đỏ: nếu bạn có những mong ước về gia đình và người thân cũng như để thể hiện lòng biết ơn.
  • Màu xanh lá tượng trưng cho sự tĩnh tâm và tin tưởng, sự quyết tâm cải thiện bản thân.
  • Màu vàng là màu tượng trưng cho tình bạn và là lựa chọn tốt nhất nếu bạn có những mong ước về các mối quan hệ. Đây cũng là một lựa chọn tốt nếu bạn có những mong ước về sự thành công trong kinh doanh.
  • Màu trắng là màu thể hiện sự quyết tâm và trách nhiệm, vì vậy nếu bạn đang mong muốn có được một sự thay đổi hay cải cách, hãy chọn màu trắng.

Cây tre điều ước tại Lễ hội Tanabata

Tre thường được chọn để làm cây điều ước truyền thống vì loài cây này rất phổ biến và các cành cây tre trông vô cùng bắt mắt khi được treo với những điều ước cùng những món đồ trang trí lên. Tre có khá nhiều cành, thích hợp để treo những điều ước. Những dải giấy bay trong gió trông rất đẹp, như thể đang gửi gắm điều ước đến các vì sao.

Loài cây này cũng được cho là có tác dụng xua đuổi côn trùng và để bảo vệ cây lúa cũng như tượng trưng cho hy vọng về một vụ mùa bội thu.

Ở một số vùng, cây tre và các vật trang trí trên cây sẽ được thả trôi trên sông hoặc đốt sau lễ hội để khói mang điều ước đến các vì sao. Đây là một ví dụ cho thấy đã có sự giao thoa giữa Tanabata và Obon và cũng giống với phong tục thả trôi những con tàu giấy và nến trên sông vào lễ hội Obon.

Yukata

Vào dịp lễ hội Tanabata, những cô gái thường mặc yukata, đây là một dạng kimono truyền thống vào mùa hè, nhẹ và thường có hoa văn đẹp mắt. Nhảy múa, diễu hành, biểu diễn và bắn pháo hoa đều là những sự kiện thường thấy tại lễ hội Tanabata, hứa hẹn một trải nghiệm mùa hè Nhật Bản thú vị.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Đồ trang trí tại lễ hội Tanabata

Đồ trang trí tại các lễ hội Tanabata trông vô cùng bắt mắt và ấn tượng với kích cỡ rất lớn. Những vật dụng để trang trí này có thể khác nhau tùy theo khu vực, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm cây tre điều ước và một số dải giấy lớn, thường được treo lên cùng với một quả cầu lớn.

Tại nhiều lễ hội, hoạt động trang trí còn được coi là sự kiện chính và mọi người sẽ đổ xô đến khu vực này để có cơ hội chứng kiến những màn trang trí vô cùng thú vị. Các đồ vật trang trí đôi khi cũng được cải biên để trông thêm phần hài hước và vui nhộn hơn, chẳng hạn như tại lễ hội Asagaya ở Tokyo, người dân địa phương đã tạo ra các mô hình giấy bồi lấy cảm hứng từ các nhân vật hoạt hình anime. Trong khi đó, ở những nơi khác, những món đồ trang trí mang một vẻ đẹp thanh bình và trang trọng hơn, thường mô phỏng theo các vì sao hoặc Dải Ngân hà, chẳng hạn như tại các lễ kỷ niệm Kyo-no-Tanabata ở Kyoto.

Nói chung, lễ hội nổi bật với gam màu sắc tươi sáng, với nhiều dải giấy lớn và cây ước bằng tre được trang trí trên cao. Trong khi, một số khác lại nổi bật với sự kiện chiếu sáng, tạo ra khung cảnh lung linh huyền ảo để tôn vinh câu chuyện về đôi tình nhân vượt qua các vì sao và cõi thiên đàng để gặp nhau.

Klook.com

Các món đồ trang trí phổ biến nhất tại lễ hội Tanabata

Theo truyền thống, có 7 món đồ trang trí cho lễ hội Tanabata khác nhau và mỗi loại có một ý nghĩa riêng tượng trưng cho những hy vọng và mong ước khác nhau của con người. Đó là:

1. Dải giấy Tanzaku để ghi lời ước và lòng biết ơn.

2. "Fukinagashi" (cột giấy lớn) để cầu cho kỹ năng dệt may được cải thiện. Cột giấy lớn dùng để trang trí này cũng tượng trưng cho việc dệt vải do Orihime thực hiện. Thường có hình dạng giống như một sợi dệt cũ, fukinagashi được sử dụng để cầu mong cho sự cải thiện và phát triển sự khéo tay trong các môn nghệ thuật.

3. "Orizuru" (hạc giấy origami), tượng trưng cho cuộc sống lâu dài và "kamigoromo" (origami kimono), xua đuổi bệnh tật và đại diện cho sự cải thiện trong nghề may vá.

4. "Kinchaku" (ví) tượng trưng cho sự thành công trong kinh doanh.

5. "Toami" (origami có hình lưới mắt cá) tượng trưng cho lời ước cầu mong việc đánh cá luôn được suôn sẻ.

6. "Kuzokago" (túi đựng rác) tượng trưng cho sự thanh tịnh.

7. "Kusudama" (quả cầu trang trí) thường được treo trên đầu các cột giấy lớn và ban đầu tượng trưng cho hoa thược dược. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều cách trang trí các cột giấy khác nhau. 

Klook.com

Những địa điểm tổ chức lễ hội Tanabata ở Nhật Bản

* Do ảnh hưởng của Covid-19, một số lễ hội có thể bị hủy bỏ hoặc được tổ chức theo hình thức khác nhau; xin vui lòng kiểm tra các trang web chính thức.

* Ngày tổ chức lễ hội có thể thay đổi tùy theo năm.

Lễ hội Sendai Tanabata

Lễ hội Tanabata nổi tiếng này đã có hơn 400 năm lịch sử, thường được trang trí rất công phu, có những quầy hàng ăn uống, các buổi biểu diễn và một màn bắn pháo hoa khổng lồ. Ở Sendai, những dải giấy dài 3-5 mét bằng giấy "washi" của Nhật Bản được người dân tạo ra như một phần để trang trí, tượng trưng cho tấm vải do Công chúa Orihime dệt.

Lễ hội Shonan Hiratsuka Tanabata

Lễ hội ở Kanagawa này đặc biệt nổi tiếng với những món đồ trang trí ấn tượng với hơn 500 dàn đèn chiếu sáng trên đường phố và những đồ trang trí khổng lồ cao hơn 10 mét. Đặc biệt, các đồ trang trí được chiếu sáng vào buổi tối khiến cho khung cảnh càng thêm bắt mắt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên bỏ lỡ cuộc diễu hành của hàng nghìn vũ công - một điểm nhấn đặc biệt tại lễ hội này.

Lễ hội Ogawamachi Tanabata

Thường được tổ chức trong hai ngày vào cuối tháng 7, lễ hội ở tỉnh Saitama này có cả những màn khiêu vũ bắt mắt, bắn pháo hoa vào đêm đầu tiên của lễ kỷ niệm và khoảng 150 gian hàng ẩm thực trong lễ hội. Ngoài ra còn có hàng nghìn bộ dàn giấy trang trí xung quanh ga Ogawamachi. Vì thành phố nổi tiếng với "washi" (giấy truyền thống của Nhật Bản) nên những dải giấy tại đây đều được sản xuất tại địa phương.

Lễ hội Anjo Tanabata

Được tổ chức tại thành phố Anjo thuộc tỉnh Aichi, đây là lễ hội duy nhất được tổ chức tại đền Tanabata và nơi đây được cho là nơi để cầu mong cho sự thịnh vượng trong kinh doanh và may mắn trong tình duyên. Lễ hội Anjo Tanabata được cho là có nhiều tanzaku nhất, một con đường dài nhất với những đồ trang trí bằng tre cùng các sự kiện lễ hội lớn nhất. Các sự kiện phổ biến tại lễ hội này phải kể đến Ngọn nến điều ước, nơi những người tham gia lễ hội quấn những điều ước tanzaku của họ xung quanh một ngọn nến và Bong bóng điều ước, với hơn 3.000 quả bóng bay có đính kèm điều ước được thả lên không trung.

Lễ hội Ichinomiya Tanabata

Được ca ngợi là một trong ba Lễ hội các vì sao lớn ở Nhật Bản cùng với Lễ hội Tanabata Sendai và Lễ hội Shonan Hiratsuka Tanabata, lễ hội Tanabata được tổ chức tại tỉnh Aichi này thu hút khoảng hơn 1 triệu du khách mỗi năm. Vì dệt may là ngành công nghiệp hàng đầu của Ichinomiya nên Lễ hội Tanabata Ichinomiya cũng được tổ chức như một cách để tạ ơn thần dệt may và cầu mong sự thịnh vượng.

Lễ hội Yamaguchi Tanabata Chochin

Ở Yamaguchi, lễ hội các vì sao tại đây có quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần hoành tráng và thú vị. Hơn 100.000 chiếc đèn lồng giấy đỏ được thắp sáng, tô điểm cho đường phố và được treo lên trông vô cùng đẹp mắt, tạo nên một khung cảnh lung linh, huyền ảo tựa như trong câu chuyện về Orihime và Hikoboshi. Hãy đến đây để chiêm ngưỡng đường hầm đèn lồng với những chiếc đèn lồng màu đỏ rực được treo từ những cành tre rủ xuống hai bên đường, tạo ra một con đường ánh sáng tuyệt đẹp này nhé.

Lễ hội Mobara Tanabata

Ở tỉnh Chiba có tổ chức lễ hội Mobara Tanabata, nơi có một điệu nhảy đặc biệt được gọi là Mobara Awa Odori được biểu diễn bởi một đoàn vũ công trong trang phục tuyệt đẹp diễu hành trên đường phố. Thành phố cũng tổ chức sự kiện Chiếu sáng Mùa đông Tanabata vào tháng Hai, trong đó sông Toyoda của Mobara (biệt danh là Dải Ngân hà) được trang trí với những dải đèn dài 100 mét khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một bầu trời đầy sao.

Klook.com

Kyo no Tanabata

Đây là một lễ hội Tanabata được tổ chức trong vòng 10 ngày ở các địa điểm khác nhau xung quanh Kyoto. Các lễ kỷ niệm ở đây nổi bật với những màn hình chiếu sáng tuyệt đẹp, tạo ra những hiệu ứng kỳ ảo như khắc họa câu chuyện về đôi tình nhân trong truyền thuyết về ngày lễ Tanabata. Bên cạnh đó còn có các màn trình diễn ánh sáng tại Di tích Horikawa như "Ánh sáng Dải Ngân Hà" mô phỏng các ngôi sao của Dải Ngân hà và "Ánh sáng của Yuzen Nagashi" tô điểm cho sông Horikawa với những chiếc đèn bắt mắt cùng các loại vải lụa truyền thống. Ngoài ra, tại đây còn có một dàn chuông gió, và những chiếc đèn thắp sáng cả lối đi qua những rặng tre tại Công trường Kamogawa.

Lễ hội Asagaya Tanabata

Ở khu vực Suginami của Tokyo, lễ hội Tanabata được tổ chức tại Phố mua sắm Pearl Centre, nơi người dân địa phương cùng nhau tạo ra những món đồ trang trí bằng giấy bồi trông vô cùng độc đáo và thường tượng trưng cho các nhân vật trong anime và manga nổi tiếng.

Lễ hội Shitamachi Tanabata

Lễ hội kéo dài 4 ngày này được tổ chức dọc theo Phố Kappabashi, phố mua sắm nổi tiếng chạy từ Ueno đến Asakusa, một khu vực được biết đến là một trong những khu phố Shitamachi cũ của Tokyo. Các sự kiện lễ hội chính diễn ra vào cuối tuần khi đường phố không cho xe cộ qua lại và có các cuộc diễu hành, khiêu vũ và biểu diễn lớn.

Lễ hội Tanabata ở đền Zojoji

Lễ hội này được biết đến nhiều nhất với sự kiện "Đêm thắp nến Washi", khi hàng trăm chiếc đèn lồng giấy được xếp dọc theo con đường dẫn đến ngôi đền, tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp tượng trưng cho Dải Ngân Hà. Đây là một sự kiện tuyệt vời và được nhiều người biết đến, vì vậy có thể bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần để chen chúc trong đám đông đó!

Những món ăn được thưởng thức tại lễ hội Tanabata

Yakisoba

"Yakisoba" (mì xào) được nấu trên chảo sắt với rau cắt nhỏ (thường là bắp cải, cà rốt và hành tây) và thịt lợn, trộn với nước sốt yakisoba đặc biệt và phủ lên trên một vài lát gừng hồng ngâm.

Takoyaki

"Takoyaki" là những viên bột chiên với nhân bạch tuộc và gừng hồng, thường được phủ một lớp sốt takoyaki đặc biệt, sốt mayonnaise, cá ngừ khô và rong biển nori.

Yakitori

"Yakitori" là thịt gà xiên nướng. Món ăn này có rất nhiều biến thể và mỗi phần của con gà đều được sử dụng làm món ăn này, với các lựa chọn phổ biến bao gồm tim, gan, da và sụn gà.

Okonomiyaki

"Okonomiyaki" là những chiếc bánh kếp chiên mặn được nấu trên chảo sắt với nhân rau, thịt hoặc cá, phủ sốt mayonnaise và nước sốt okonomiyaki đặc biệt.

Somen

"Somen" là loại mì làm từ lúa mì có màu trắng và khá mỏng thường được ăn lạnh, chấm với nước tương "tsuyu" lạnh (một loại nước sốt làm từ nước tương, rượu gạo mirin và nước sốt dashi). Đây là một món ăn mùa hè rất thanh mát và được nhiều người yêu thích.

Lễ hội Tanabata ở Nhật Bản

Mùa hè ở Nhật Bản nóng và ẩm ướt, nhưng có rất nhiều hoạt động thú vị để bạn có thể trải nghiệm và trong đó, tham gia lễ hội Tanabata chắc chắn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ, cơ hội để bạn khám phá phong tục truyền thống, văn hóa địa phương trong một bầu không khí sôi động. Tại sao không đến tham dự lễ hội này và gửi gắm những điều ước của chính mình?

Ảnh tiêu đều: JenJ_Payless / Shutterstock.com


Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Anna
Anna M.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng