8 thư viện lộng lẫy và hiện đại được thiết kế bởi những kiến trúc sư hàng đầu Nhật Bản

Bạn là một người đam mê đọc sách, một người yêu nghệ thuật và cái đẹp, hay là một người quan tâm tới kiến trúc Nhật Bản hiện đại? Nếu vậy, bạn nhất định phải tới tham quan những thư viện trong bài viết này khi tới thăm Nhật Bản. Những thư viện này nằm rải rác trên khắp nước Nhật, không chỉ chứa những bộ sưu tập sách khổng lồ mà còn có phong cách kiến trúc đa dạng, thường là những tổ hợp kiến trúc được thiết kế hài hòa với không gian xung quanh. Trong những năm gần đây, có rất nhiều kiến trúc sư nổi tiếng của Nhật Bản như Ando Tadao, Kuma Kengo, Ito Toyo được mời đến để thiết kế các thư viện cả cũ lẫn mới. Và tất nhiên, kết quả là họ đã cho ra đời những công trình kiến trúc lộng lẫy, trong đó một số còn đạt được những giải thưởng nổi tiếng về kiến trúc ở Nhật Bản, và một số khác được giới truyền thông quốc tế đánh giá là những điểm đến không thể bỏ qua khi đến Nhật. Hãy cùng điểm qua xem đó là những thư viện tuyệt vời nào nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Quy tắc sử dụng thư viện

Các thư viện công cộng ở Nhật thường được mở cửa miễn phí cho toàn bộ người dân, còn thư viện ở các trường đại học thường chỉ mở cửa cho sinh viên và nhân viên của trường. Có những thư viện cho phép người dùng mua vé vào cửa trực tiếp nhưng cũng có một số nơi phải đăng ký trước. Do vậy, bạn hãy xác nhận với từng thư viện trước khi tới nhé.

Mặc dù các thư viện đều là không gian chung, bạn cũng đừng quên tôn trọng những quy tắc và phép lịch sự cơ bản khi dạo quanh những kệ sách trong thư viện:

  1. Nói khẽ
  2. Đi nhẹ và không chạy nhảy
  3. Không ăn uống
  4. Hỏi nhân viên trước khi chụp ảnh hoặc quay video, không sử dụng đèn flash
  5. Để điện thoại ở chế độ im lặng và không gọi điện thoại
  6. Không phá hoại cơ sở vật chất

Tokyo

Thư viện Văn học Thiếu nhi quốc tế - một thư viện chuyên về sách thiếu nhi (thiết kế bởi Ando Tadao)

Công viên Ueno là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Tokyo. Nơi đây được biết đến với rất nhiều điểm đến hấp dẫn như sở thú, sân chơi, phòng trưng bày nghệ thuật, viện bảo tàng, và tất nhiên còn có cả một thư viện mà bạn chẳng thể nào bỏ qua. Thư viện này là một lâu đài được thiết kế theo phong cách phương Tây cổ điển cả trong lẫn ngoài, một tác phẩm của bậc thầy kiến trúc sư người Nhật Ando Tadao. Đây cũng là thư viện đầu tiên ở Nhật Bản dành riêng cho văn học thiếu nhi, vì vậy nơi này còn được biết đến với cái tên “Thư viện văn học thiếu nhi quốc tế”.

Thư viện văn học thiếu nhi quốc tế duyên dáng và có bề dày lịch sử này là một điểm đến ưa thích của các bậc phụ huynh ở Nhật, nổi tiếng với một bộ sưu tập bao gồm hơn 400,000 quyển sách văn học thiếu nhi và sách tranh bằng các ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh đó, thư viện còn có những phòng kể chuyện, phòng triển lãm, phòng đa phương tiện, và phòng cho những mục đích khác nơi các bạn nhỏ được đắm chìm vào thế giới của những quyển sách hay. Nếu bạn đi du lịch cùng con nhỏ, đừng quên đưa thiên thần bé nhỏ của mình tới thăm thư viện này nhé.

Thư viện Trung tâm Kita: Thổi một luồng sinh khí mới vào khu nhà kho gạch đỏ lịch sử

Nằm ở phía Bắc Tokyo, Thư viện Trung tâm Kita là một tòa nhà gạch đỏ mang đậm dấu ấn lịch sử. Nơi này trong quá khứ từng là một nhà kho của quân đội Nhật Bản, sau đó được xây dựng lại thành một thư viện vào năm 2008. Những bức tường bao quanh nhà kho vẫn được bảo tồn trong khi nội thất bên trong được tái cấu trúc hoàn toàn để đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa cũ và mới. Với phần ngoại quan bằng gạch đỏ đặc trưng, nơi đây còn được gọi là "thư viện gạch đỏ".

Bên trong thư viện là không gian vô cùng rộng rãi nhờ trần nhà cao, đồng thời có một bầu không khí độc đáo thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. Tuyệt hơn nữa là từ khi có một quán cà phê mở cửa trong thư viện, du khách có thể dành thời gian thư giãn tại đây để đọc sách và thưởng thức một tách cà phê thơm ngon.

Vùng Shikoku

Thư viện Cộng đồng Yusuhara (Kochi): Tòa kiến trúc xanh giữa một rừng cây cối (thiết kế bởi Kuma Kengo)

Các tác phẩm của bậc thầy Kiến trúc sư Nhật Bản Kuma Kengo luôn rất nổi tiếng và nhận được nhiều lời khen ngợi - rất nhiều trong số đó là những địa điểm không thể bỏ qua đối với khách du lịch. Một trong những kiệt tác của ông nằm sâu trong một khu rừng tuyệt đẹp ở tỉnh Kochi thuộc Shikoku. Công trình này mới được khánh thành vào tháng 5 năm 2018 và được xem là thư viện đẹp nhất ở Shikoku. Đó chính là Thư viện Cộng đồng Yusuhara ở Yusuhara-cho.

Thư viện Cộng đồng Yusuhara tận dụng lợi thế của khu rừng xung quanh và chủ yếu được xây dựng bằng gỗ linh sam khai thác trong vùng, tạo nên một không gian đọc sách quy mô lớn với trần nhà cao. Vào ban ngày, thư viện ngập tràn ánh sáng tự nhiên và không cần đến ánh sáng nhân tạo. Còn vào ban đêm, các thiết bị ở đây đều được vận hành bằng năng lượng mặt trời. Nhờ thế mà thư viện trở nên vô cùng ấm cúng và hài hòa, giúp người đọc tận hưởng những phút giây thư giãn.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Vùng Chubu

Minna no Mori Gifu Media Cosmos (Gifu): công trình kiến trúc kết hợp giữa công nghệ và vật liệu xây dựng tự nhiên (thiết kế bởi Ito Toyo)

Tòa nhà chính của Thư viện trung tâm thành phố Gifu mở cửa vào tháng 7 năm 2015 và được thiết kế bởi Ito Toyo, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của Nhật Bản. Thư viện này còn có tên gọi là "Minna no Mori Gifu Media Cosmos". Như ý nghĩa của cái tên này, đây không chỉ là một thư viện: thực tế nơi này là một cơ sở liên hợp đa chức năng với các giảng đường, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm cộng đồng, v.v.

Khi bước vào thư viện, đúng như tên gọi của nơi này, điều đầu tiên ta bắt gặp là một khoảng trần nhà như được đan kết từ những cây tre. Thay vì bê tông lạnh lẽo, người ta chọn gỗ làm vật liệu xây dựng chính để tạo cảm giác ấm áp cho độc giả. Bên dưới trần nhà là khu vực đọc sách hình bán cầu. Thiết kế đơn giản tạo hiệu ứng hình ảnh ấn tượng, đồng thời lọc bớt ánh sáng để mang lại thứ ánh sáng dịu nhẹ hơn, đem lại cảm giác dễ chịu cho mắt khi đọc sách.

Toàn bộ phần đồ họa như các biển hiệu trong thư viện được thiết kế bởi Hara Kenya - nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng của Nhật Bản đồng thời là giám đốc nghệ thuật của MUJI, khiến độc giả tới thăm thư viện càng phải trầm trồ ngưỡng mộ.

Thư viện Kanazawa Umimirai (Ishikawa): Thư viện với lối thiết kế hiện đại từng giành nhiều giải thưởng

Thư viện Kanazawa Umimirai đã giành được nhiều giải thưởng thiết kế kiến trúc cả ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Nơi này đã thu hút nhiều sự chú ý trong những năm gần đây, đón tiếp hàng triệu lượt khách tới thăm kể từ khi mở cửa.

Thư viện có thiết kế cả bên trong lẫn bên ngoài vô cùng hiện đại, và là thành quả của sự hợp tác giữa hai nhà thiết kế đang lên: Kudo Kazumi và Horiba Hiroshi. Công trình này đã được bình chọn là một trong "25 thư viện công cộng đẹp nhất thế giới", "20 thư viện hấp dẫn nhất thế giới", "4 thư viện tốt nhất thế giới" và Giải thưởng thiết kế xuất sắc ở Nhật Bản.

Thư viện Kanazawa Umimirai sử dụng màu trắng tinh khôi làm màu chủ đạo, với khoảng 6.000 lỗ có kích thước khác nhau trên tường để đón ánh sáng tự nhiên, vừa thiết thực vừa bắt mắt. Trần nhà cao được chống đỡ bởi 25 cột trụ, tạo nên một không gian rộng lớn và cảm giác hiện đại và vị lai. Không gian công cộng này thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại chứa đựng nhiều chi tiết thiết kế tinh tế, một tác phẩm điển hình theo lối thiết kế không gian đương đại. Khi có cơ hội ghé thăm Kanazawa, chẳng có lý do gì để bạn bỏ lỡ điểm đến hấp dẫn này!

Klook.com

Thư viện công cộng thị trấn Obuse (Nagano): Một trong 15 thư viện bạn phải tới một lần trong đời

Thư viện công cộng thị trấn Obuse nằm cạnh nhà ga Obuse ở Obuse-machi, Nagano. Là một nhà ga nhỏ ở vùng nông thôn, khu vực xung quanh đây có thể sẽ khá tối vào ban đêm. Chính vì vậy mà thư viện được xây dựng để làm bừng sáng khu phố và tạo cho học sinh - sinh viên cũng như cư dân một nơi để đọc sách và giao lưu. Nơi này được biết đến là một trong những thư viện đẹp nhất của Nhật Bản.

Để hài hòa với những ngọn đồi xung quanh, thư viện được thiết kế với phong cách trang trí tối giản với những đường cong nhẹ nhàng nối liền với nhau, để ánh sáng mặt trời tự nhiên lan tỏa vào từng ngóc ngách. Nhờ thế, bầu không khí ở đây trở nên giản dị, tươi mới và ấm áp, giúp khách tới đây được tận hưởng những phút giây thư giãn.

Thư viện nhỏ này không chỉ là một trong những thư viện đẹp nhất Nhật Bản mà còn giành được nhiều giải thưởng kiến trúc lớn. Truyền thông nước ngoài gọi nơi này là một trong "15 thư viện nên ghé thăm trước một lần trong đời", mang lại danh tiếng và là điểm thu hút du khách  tới thăm thị trấn yên bình này.

Klook.com

Vùng Tohoku

Thư viện Nakajima của trường Đại học quốc tế Akita: Một không gian ấm cúng tạo nên từ vật liệu gỗ khai thác trong vùng

Thư viện Nakajima của Đại học Quốc tế Akita là thư viện duy nhất tại Nhật Bản mở cửa 24/7 suốt cả năm. Nơi này chủ yếu phục vụ sinh viên và nhân viên của nhà trường, nhưng cũng hoan nghênh cả những vị khách từ bên ngoài ghé thăm. Tòa thư viện có một bộ sưu tập hơn 80.000 cuốn sách và tài nguyên đa phương tiện. Không những thế, thiết kế kiến trúc sáng tạo và mới mẻ ở đây cũng được biết đến rộng rãi.

Lấy cảm hứng từ Đấu trường La Mã, thư viện này sử dụng gỗ linh sam Akita sang trọng làm vật liệu xây dựng chính, kết hợp thủ công truyền thống của Nhật Bản để tạo ra một không gian vừa tráng lệ vừa hữu ích. Mái nhà hình mái vòm của thư viện Nakajima giống như một chiếc ô truyền thống kiểu Nhật, biến nơi đây thành "nơi trú ẩn" cho tất cả mọi người để vừa đọc sách một cách thoải mái vừa cảm nhận hương thơm dịu nhẹ của linh sam.

Mặt khác, các giá sách và góc đọc sách được sắp xếp rất dụng tâm để độc giả có thể dễ dàng tìm thấy quyển sách mình cần và thả hồn vào biển sách.

Thư viện Nakajima của Đại học Quốc tế Akita đã giành được một số giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế, trong đó có Giải thưởng Thiết kế Xuất sắc của Nhật Bản. So với các thư viện công cộng, các thư viện bên trong trường học hiếm khi được xem là những thư viện đẹp nhất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, thư viện này chính là một ngoại lệ. Đừng bỏ lỡ thư viện đầy tính thẩm mỹ truyền thống này nếu bạn tới Akita tham quan nhé!

Vùng Kyushu

Thư viện thành phố Takeo (Saga): Tổ hợp mang tính đột phá được người dân vô cùng yêu thích

Thư viện thành phố Takeo ở Saga từ khi mở cửa đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trong thành phố về phong cách đơn giản nhưng duyên dáng và mô hình kinh doanh độc đáo.

Tầng 1 được quản lý bởi Tsutaya Books và Starbucks, còn trên tầng 2 có một thư viện với khu vực đọc sách. Cả ba kết hợp để tạo thành một tổ hợp đầy tính sáng tạo, nhận được những đánh giá tuyệt vời và "Giải thưởng Thiết kế Xuất sắc" năm 2013.

Trong thư viện thành phố Takeo, bạn có thể dạo quanh những bộ sưu tập sách khổng lồ của thư viện, lướt qua những quyển sách mới về ở Tsutaya hay nhâm nhi một tách cà phê nếu thích. Đây là một không gian thương mại đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.

Kết luận

Các thư viện ngày nay không chỉ là nơi để đọc sách, mà còn là biểu tượng của thiết kế và tính thẩm mỹ của kiến trúc. Khi ghé thăm những thư viện trên đây, bạn sẽ có một cơ hội tuyệt vời để vừa bồi đắp kiến thức cho thêm phần phong phú, vừa cảm nhận được trái tim mình như đang dịu lại. Bạn có hứng thú với bất kỳ nơi nào được giới thiệu trên đây? Hãy chọn ra một nơi để lập kế hoạch cho chuyến đi sắp tới của mình nhé!


Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Missy
Missy Freyja
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng