Giới thiệu về điện ảnh Nhật Bản: Những đạo diễn có tầm nhìn đi trước thời đại

Bằng sự sáng tạo của mình, có những người đã phá vỡ những quy chuẩn có sẵn và đưa nghệ thuật lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, cũng không ít lần, những sự đột phá kiểu này đã bị hiểu lầm hoặc bị đánh giá thấp. Rất nhiều bộ phim Nhật ra mắt vào giữa thế kỷ 20 đã áp dụng những kỹ xảo mới lạ và truyền cảm hứng cho các đạo diễn phim ngày nay trong nhiều thập kỉ qua. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số đạo diễn Nhật Bản, những người được cho là đã nhào nặn và thiết lập nên tiêu chuẩn cho nền điện ảnh Nhật Bản nói chung. Kỹ thuật, tầm nhìn và sức ảnh hưởng của họ vẫn còn vang vọng đến ngày nay cũng như đã đặt nền móng cho nhiều bộ phim phương Tây sau này. Hãy đọc tiếp nếu bạn là một người đam mê môn nghệ thuật thứ 7 này!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Điều gì khiến điện ảnh Nhật Bản thu hút đến vậy?

Nền điện ảnh Nhật Bản có lịch sử lâu đời và phong phú, kéo dài hơn 120 năm, là một trong những nền điện ảnh lâu đời và lớn nhất trên thế giới. Chúng ta không thể đánh giá hết toàn bộ nền điện ảnh Nhật Bản nói chung trong chỉ một bài viết, nhưng có thể nói rằng, nền điện ảnh Nhật Bản có những chất riêng vô cùng độc đáo và thú vị.

Junko Takekawa, Giám đốc Chương trình Nghệ thuật Cấp cao tại Japan Foundation (một tổ chức của Nhật Bản chuyên về các hoạt động trao đổi văn hóa quốc tế), đã thực hiện một cuộc phỏng vấn vào năm 2016 về chủ đề điện ảnh Nhật Bản. Bà Junko Takekawa cho rằng sức hấp dẫn của điện ảnh Nhật Bản đối với khán giả phương Tây nằm ở lối dẫn truyện mang phong cách hoàn toàn trái ngược với phong cách của Hollywood cùng với việc thiếu những kết thúc kịch tính hoặc cao trào nhưng lại vô cùng lắng đọng. Phim Nhật Bản thường có quy mô nhỏ hơn nên thường mang lại cảm giác chân thực hơn. Do đó, việc kết nối với các nhân vật trở nên dễ dàng hơn, khiến điện ảnh Nhật Bản trở nên thú vị với nhiều khán giả, ngay cả đối với những người xem không biết nhiều về văn hóa Nhật Bản.

Hơn nữa, những khán giả phương Tây mong muốn khám phá thêm về văn hóa Nhật Bản thường cảm thấy rằng điện ảnh Nhật Bản là một cánh cửa dẫn vào một thế giới khác, một thế giới mà ngay cả những tình huống thường ngày cũng trở nên vô cùng mới mẻ và hấp dẫn. Để có cái nhìn rõ hơn về "cánh cửa dẫn vào một thế giới mới” này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 3 nhà đạo diễn kinh điển và một đạo diễn đương thời, tất cả đều đi trước thời đại về phạm vi, kỹ thuật và có tầm ảnh hưởng.

Akira Kurosawa: Những tác phẩm mang phong cách trộn lẫn giữa phương Tây và phương Đông

Được biết đến là một đạo diễn kiêm nhà văn huyền thoại với sở trường mô phỏng điện ảnh phương Tây, Akira Kurosawa đã cho ra mắt hàng loạt các bộ phim điện ảnh trong suốt sự nghiệp kéo dài gần 60 năm của mình (1936 - 1993). Các bộ phim của ông lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau, cả Nhật Bản và phương Tây. Sau này, chính các tác phẩm của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn nổi tiếng ở Hollywood.

Mặc dù bối cảnh và các nhân vật trong các bộ phim của Kurosawa đều thuần Nhật, nhưng vẫn có thể thấy được phong cách dẫn truyện của ông chịu ảnh hưởng lớn bởi phong cách phương Tây, từ các nhân vật trong phim đến bối cảnh phim đều không quá khác biệt so với những tác phẩm cổ điển văn học phương Tây. Có thể cảm nhận được rõ sự ảnh hưởng của phương Tây qua những bộ phim trinh thám được lấy cảm hứng từ bộ phim “Stray Dog” của ông, hay cả tác phẩm “Throne of Blood”, đều được khán giả công nhận là bộ phim chuyển thể hay nhất từ “Macbeth” của Shakespeare (tất nhiên là đã có một chút biến tấu theo hơi hướng của người Nhật).

Có thể nói rằng phong cách làm phim pha trộn giữa phương Đông và phương Tây của Kurosawa vẫn phát triển trong giai đoạn Thế chiến II ngay cả khi các phương tiện truyền thông bên ngoài bị cấm. Tuy nhiên, sự hạn chế này phần nào khiến ông lấy nguồn cảm hứng từ phong cách Nhật Bản hơn. Kabuki và Noh - nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật, cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách làm phim của Kurosawa vào thời điểm này và đồng thời cũng là nguồn cảm hứng cho ông khi sản xuất bộ phim "The Men Who Tread On the Tiger's Tail" và "phiên bản Nhật" của bộ phim Macbeth nói trên.

Những tác phẩm của Kurosawa ấn tượng đến nỗi ngay cả Hollywood cũng đã học theo và bắt đầu lấy cảm hứng từ những tác phẩm của ông. Một số ví dụ điển hình như tác phẩm “The Hidden Fortress”, được George Lucas trích dẫn là nguồn cảm hứng chính cho bộ phim nổi tiếng Star Wars, hay cả “Seven Samurai” (một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của Kurosawa), được chuyển thể thành bộ phim “The Magnificent Seven” về một chàng cao bồi miền Tây dành cho  khán giả Mỹ.

Có thể nói rằng, mỗi khi nhắc đến Kurosawa là người ta hình dung ngay đến nguồn cảm hứng điện ảnh ngập tràn. Ông đã góp phần đưa khán giả phương Tây đến gần hơn với điện ảnh Nhật Bản bằng cách khiến cho những tác phẩm của mình dễ hiểu hơn với phong cách kể chuyện theo lối phương Tây. Thật vậy, ở phương Tây, tên tuổi của Kurosawa gắn liền với các tác phẩm về samurai nhờ sự thành công của ông với hàng loạt các bộ phim truyền hình như "Rashomon" và "The Hidden Fortress."

Yasujiro Ozu: Đạo diễn đậm "chất" Nhật Bản

Có thể cho rằng Ozu là đạo diễn đậm “chất” Nhật Bản nhất mọi thời đại. Ông thậm chí còn sáng tạo ra một loại góc quay độc đáo được gọi là “góc quay tatami” và một trong những bộ phim của ông, “Tokyo Story”, được đánh giá là bộ phim hay nhất mọi thời đại! Nhưng điều gì đã khiến những tác phẩm của đạo điển Ozu đặc biệt đến như vậy?

Ozu là một người luôn có những đổi mới trong suốt sự nghiệp của mình (1929 - 1963), bên cạnh đó, ông cũng nổi tiếng là tác giả của những bộ phim mà “chỉ người Nhật mới có thể hiểu được”. Cũng chính vì vậy mà không ít các hãng phim cho rằng các bộ phim truyền hình của ông về những diễn biến thường ngày trong xã hội Nhật Bản sẽ không bao giờ thu hút được khán giả phương Tây. Và họ đã thật sai lầm!

Đối với bất kỳ ai tò mò về văn hóa Nhật Bản, khi xem những bộ phim của Ozu sẽ có cảm giác như ông đã tạo ra một “cửa sổ vào thế giới khác” và đặt nhân vật của mình vào tầm mắt của người xem theo đúng nghĩa đen với kỹ thuật quay tatami "khét tiếng". Đối với những người không biết về "tatami", đây là một loại chiếu tre thường có trong các ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản. Ý tưởng đằng sau kỹ thuật quay tatami này là đặt máy quay ngang tầm với người đang ngồi trên những tấm thảm tatami. Hiệu quả là khán giả sẽ cảm thấy như thể họ đang ở ngay đó với các nhân vật trong phim, khiến trải nghiệm xem phim có phần chân thật hơn.

Ngoài ra, Ozu cũng đã phá vỡ nhiều quy tắc truyền thống hàng đầu của điện ảnh Hollywood và chứng minh rằng có nhiều cách để thuật một câu chuyện sống động trên màn ảnh. Những cảnh cắt và chuyển cảnh thành công của ông là những thứ mà không ai có thể làm được vào thời điểm đó.

Trong thời đại mà nền điện ảnh Nhật Bản đang tập trung sản xuất các bộ phim truyền hình cổ trang để thu hút sự chú ý từ khán giả nước ngoài, Ozu lại chọn một con đường khác và cho ra mắt những bộ phim có nhịp độ chậm, vượt qua sự khác biệt về văn hóa. Trong kiệt tác “Tokyo Story” (1953), một cặp vợ chồng già đi thăm con cái của họ ở Tokyo - những con người quá cuốn vào cuộc sống riêng của mình mà quên đi nghĩa vụ phải phục dưỡng cha mẹ. Có một vài khoảnh khắc xuyên suốt bộ phim chắc chắn sẽ khiến bạn "thẫn thờ", chẳng hạn như cảnh phim khi người cha tâm sự rằng “những ngày sống một mình tưởng chừng như dài đằng đẵng”. Có một vài cảnh phim lắng đọng trong tác phẩm Tokyo Story, chẳng hạn như khi cô con gái út nhận xét rằng "Cuộc sống thật đáng thất vọng, phải không?" và chị dâu của cô đã trả lời rằng, "Đúng, cuộc sống thật đầy rẫy những thất vọng tràn trề." Kiểu cảm xúc như này thường được các nhà tư tưởng Nhật Bản gọi là "wabi-sabi", được dịch là "cảm xúc thoáng qua trong cuộc sống." Cho dù đó là vẻ đẹp thoáng qua của hoa anh đào hay nỗi buồn gia đình xa cách, Ozu đã nắm bắt hoàn hảo khái niệm này trong Tokyo Story và tạo nên tiếng vang của riêng mình với danh hiệu là "đạo diễn đậm chất Nhật Bản nhất".

Không có những cảnh bộc phát kịch tính trong phim, nhưng đối thoại và cốt truyện hấp dẫn đã truyền tải một thông điệp về nỗi buồn thầm kín. Đạo diễn Ozu đã tường thuật kĩ thuật "dấu chấm lửng" rất thành công, không để bộ phim tập trung vào các cảnh kịch tính mà thay vào đó là truyền đạt được những thông điệp cuộc sống qua từng cảnh phim, tạo cho bộ phim một cảm giác như "cuộc sống như vậy vẫn đang tiếp diễn" và cho chúng ta thấy một phong cách đi ngược lại hoàn toàn với phong cách của Hollywood, nhưng bằng cách nào đó vẫn vô cùng thu hút.

Các bộ phim của Ozu trải dài từ buồn bã đến hài hước nhưng luôn chạm được đến trái tim khán giả. Ngay cả ngày nay, tác phẩm của ông vẫn là nguồn cảm hứng cho những nhà làm phim triển vọng.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Kenji Mizoguchi: Đạo diễn nữ quyền

Mizoguchi nổi tiếng là một đạo diễn nữ quyền trong sự nghiệp của mình từ năm 1923 đến năm 1956, và sau khi xem bất kỳ bộ phim nào của ông, chúng ta đều có thể cảm nhận được điều đó. Danh hiệu "đạo diễn nữ quyền" này của Mizoguchi đã có từ trước khi phụ nữ có quyền bầu cử ở Nhật Bản (phải đến năm 1947, quyền phổ thông đầu phiếu mới thực sự được thiết lập) và đã có những bước tiến lớn trong khoảng thời gian đó. Nhiều người không rõ lý do chính xác tại sao Mizoguchi lại đề cao nữ quyền trong các tác phẩm của mình, trong khi số còn lại cho rằng điều này bắt nguồn từ thời thơ ấu vất vả của ông và lòng thương cảm của một người anh trai khi thấy em gái của mình buộc phải trở thành geisha để nuôi gia đình trong lúc khó khăn. Dù lý do là gì đi chăng nữa thì những bộ phim của Mizoguchi đều mang lại "tiếng thơm" đến phái nữ và đi trước xu hướng thời đại.

Một ví dụ điển hình chính là bộ phim “Sisters of the Gion”, được ra mắt vào năm 1936 của đạo diễn Mizoguchi, miêu tả cuộc sống của hai geisha tên là Omocha và Umekichi. Câu chuyện kể về những khó khăn mà họ gặp phải khi hành nghề và sự sụp đổ của hai người phụ nữ sau khi dám cố gắng chống lại những quy chuẩn trong xã hội. Người ta không thể không cảm thông cho hai chị em trong suốt bộ phim và đau xót cho kết cục bi thảm của cả hai cô gái. Omocha, cái tên có phần gợi người ta nhớ đến từ "đồ chơi" trong tiếng Nhật, chính là ẩn dụ cho thân phận đáng thương của các nàng geisha và đồng thời lên án sự chiếm hữu của đàn ông thời bấy giờ. Cái kết bi thảm của bộ phim thể hiện qua cái nhìn đau thương của Omocha về thân phận geisha trong một xã hội nam quyền.

Trong khi các bộ phim khác cùng thời đại tập trung vào các nhân vật nam chính hoặc chuyển thể từ các vở kịch Kabuki thì đạo diễn Mizoguchi lại chọn hướng ống kính của mình đến người phụ nữ và những bất công mà họ phải chịu đựng trong xã hội xưa. Keiko McDonald (một học giả người Mỹ và giáo sư về điện ảnh Nhật Bản) mô tả các nhân vật nữ chính điển hình trong các tác phẩm của Mizoguchi là “những người phụ nữ đáng thương”, những người ngay cả khi chiến thắng vẫn bị đánh bại trong một thế giới thống trị bởi đàn ông và vật chất. McDonald còn khẳng định thêm “Ngay cả trong cuộc nổi dậy của chính mình, cô ấy là một chiến binh mang trong mình sự chịu đựng và đấu tranh tư tưởng,... Khán giả Nhật Bản thường quen với mô-típ phim về xung đột cá nhân của nhân vật chính giữa cái gọi là tiêu chuẩn truyền thống và sự trỗi dậy tìm lại công bằng cho bản thân, hay nói cách khác là nghĩa vụ...và khuynh hướng cá nhân".

Klook.com

Satoshi Kon: Khi Anime truyền cảm hứng cho những bộ phim Hollywood

Đạo diễn Satoshi Kon, người có sự nghiệp kéo dài từ năm 1984 đến năm 2010, gần với thế hệ ngày nay hơn so với ba đạo diễn được giới thiệu bên trên. Đáng tiếc thay, đạo diễn Satoshi Kon đã qua đời và chúng ta sẽ không thể cảm nhận hết được toàn bộ tài năng nghệ thuật của ông, nhưng những bộ phim mà ông để lại vô cùng kịch tính, đầy cảm hứng và là minh chứng cho việc tại sao anime nên được coi là “điện ảnh”. Bất kỳ ai không có hứng thú với các tác phẩm anime dài tập, hãy xem các tác phẩm của đạo diễn Satoshi Kon, chắc chắn bạn sẽ trở nên đắm chìm vào những cảnh phim đặc sắc, thậm chí còn có thể "nghiện" thể loại phim này.

Trọng tâm chính trong những bộ phim của Kon là về thế giới trong mơ và chủ nghĩa siêu thực. Ông tập trung vào cách mà hoạt hình có thể phá vỡ các quy chuẩn trong đời thực, nhưng nhìn chung vẫn tuân thủ các kỹ thuật phim truyền thống về cắt, nhịp độ và sử dụng góc "máy quay". Cho dù đó là trong bộ phim truyền hình “Perfect Blue” (1997) hay trong kiệt tác siêu thực “Paprika” (2006), đạo diễn Kon đều vẽ nên những thế giới siêu thực, kích thích trí tưởng tượng đến tận giới hạn của người xem. Người ta có thể dễ dàng thấy những bộ phim của Kon có sức ảnh hưởng thế nào khi so sánh các bộ phim “Perfect Blue” và “Paprika” nói trên với các bộ phim bom tấn của Hollywood, những bộ phim này đều lấy cảm hứng chủ yếu từ các tác phẩm của Kon và thậm chí còn sao chép một vài phân cảnh như trong bộ phim “Requiem For a Dream”. Trên thực tế, đạo diễn Darren Aronofsky đã mua bản quyền và làm lại bộ phim “Perfect Blue” để mô phỏng cảnh bồn tắm trong “Requiem For a Dream”. Trong bộ phim "Black Swan" của ông cũng vậy, một số cảnh quay nhất định gợi khán giả nhớ đến bộ phim "Perfect Blue", chúng ta có thể cảm nhận được rõ phong cách siêu thực không thể nhầm lẫn được từ tác phẩm của Kon.

Ngoài ra, bộ phim “Paprika” (2006) còn có ảnh hưởng rất lớn đến bộ phim Hollywood đình đám “Inception”, cả về cốt truyện và bối cảnh phim. Cả hai câu chuyện đều tập trung vào hiện thực và thế giới trong mơ. Cụ thể, có thể được nhìn thấy trong hành lang xoắn cong vênh từ Paprika có nét giống với hành lang xoay mang tính biểu tượng của bộ phim Inception. Một ví dụ khác là một cảnh trong đó nhân vật chính của Paprika chạm vào không gian dường như trống rỗng rồi không gian đó vỡ ra như thủy tinh. Inception đã tái hiện lại cảnh quay đó với nhân vật chính mặc trang phục màu đỏ. Một số người gọi đây là “sao chép”, trong khi một số khác lại gọi đây là “sự học hỏi” nhưng dù sao đi chăng nữa, Satoshi Kon đã truyền cảm hứng cho điện ảnh phương Tây bằng các tác phẩm anime theo cách mà ít người khác trong lĩnh vực này có thể làm được.

Kết luận

Tất nhiên, còn có nhiều đạo diễn Nhật Bản tài ba khác có tầm ảnh hưởng lớn hơn nữa, nhưng nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu thì bốn đạo diễn được đề cập ở trên chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những bộ phim sâu lặng, chạm đến trái tim của người xem và khiến những nhà làm phim sáng tạo trên thế giới phải ấn tượng.
 

Ảnh tiêu đề: WildSnap / Shutterstock.com

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Jack
Jack Xavier
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng