Bạn có biết về những tấm biển hiệu mang màu sắc khác lạ ở Kyoto?

Kyoto từng là kinh đô của Nhật Bản từ ngàn năm trước. Trong từng ấy thời gian, cảnh quan thành phố với những tòa kiến trúc cổ cùng văn hóa truyền thống mang giá trị lịch sử to lớn đã được dung dưỡng và bảo tồn, lưu giữ những nét thẩm mỹ đặc trưng của người Nhật. Một Kyoto như thế sẽ hoàn toàn khác biệt với những thành phố khác như Tokyo hay Osaka. Điều này cũng có nghĩa là những logo, biển hiệu của những nhà hàng và cửa hàng tiện lợi cũng có sắc độ khác biệt với những nơi khác - một màu sắc tạo cảm giác điềm tĩnh đến lạ thường. Tại sao lại như vậy? Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những bí mật đằng sau sự khác biệt này và cùng quan sát những biển hiệu đặc biệt độc đáo ở Kyoto nhé.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Cảnh quan thành phố Kyoto tuyệt đẹp được bảo vệ bởi những quy tắc nghiêm ngặt

Thành phố Kyoto có thiên nhiên vô cùng trù phú vì có ba mặt là núi bao quanh, với bề dày lịch sử là kinh đô Nhật Bản nên lại là nơi hội tụ những di sản lịch sử, di sản văn hóa quý giá của thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ thành phố du lịch nào khác trên thế giới, với tiến trình hiện đại hóa nhờ sự phát triển của nền văn minh nhân loại, cũng như với lượng du khách ngày càng đông đảo, nơi đây chứng kiến ngày càng nhiều sự xuất hiện của những địa điểm mua sắm và ăn uống. Kyoto đang ngày một đổi thay, là sự giao thoa của những cái cũ và cái mới.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý về cảnh quan thành phố Kyoto là sự quy hoạch đô thị công phu nhằm bảo tồn những nét đẹp đặc trưng của những căn nhà cổ. Nhằm bảo vệ phong cảnh quý giá nơi đây, năm 2007, thành phố Kyoto đã ban hành quy định về cảnh quan mang tên "Hướng dẫn về cảnh quan Miyako". Trong hướng dẫn này có quy định rất rõ ràng và cụ thể về chiều cao, màu sắc, thiết kế của tòa nhà, biển quảng cáo ngoài trời, màu sắc mái nhà, ví dụ như: gạch lát phải màu bạc, các tấm kim loại và những loại vật liệu lợp mái khác trừ tấm lợp bằng đồng phải có màu xám đậm hoặc đen và không có độ bóng. Mặt ngoài tường phải có tông màu đỏ, với độ bão hòa không vượt quá mức 6. Nhiều công ty nổi tiếng phải thay đổi logo để tuân thủ quy định này. Thậm chí những thương hiệu ẩm thực, thời trang lớn trên thế giới cũng phải thay đổi nhận dạng thương hiệu của mình chỉ riêng ở Kyoto.

Cùng quan sát sự khác biệt về logo/biển hiệu giữa Kyoto và các nơi khác nhé!

Vậy thực sự thì những chiếc biển hiệu đã được thiết kế như thế nào để tuân thủ quy định nghiêm ngặt này? Để thấy sự khác biệt, chúng ta hãy cùng so sánh biển hiệu của những doanh nghiệp nổi tiếng khắp Nhật Bản cho đến những chuỗi cửa hàng nổi tiếng thế giới nhé!

Các cửa hàng ăn uống

● McDonald's

Nói tới McDonald's là chúng ta sẽ liên tưởng ngay tới chiếc logo màu vàng trên nền đỏ nổi tiếng thế giới. Ở Kyoto, logo của cửa hàng này vẫn giữ màu chữ vàng đặc trưng, nhưng hòa vào tông màu của đường phố tới mức bạn sẽ chẳng thể nhận ra đó là cửa hàng Mc.Donald's nếu chỉ nhìn thoáng qua. Ngày cả khi trưng biển hiệu như những cửa hàng thông thường, những cửa hàng ở đây vẫn cẩn trọng sử dụng nền tông màu nâu nhạt để đồng nhất với cảnh quan xung quanh.

● Starbucks

Logo của Starbucks sử dụng tông màu chủ đạo là xanh lá cây và trắng. Tuy nhiên, như bạn có thể thấy trong ảnh trên, Kyoto là nơi duy nhất bạn sẽ thấy logo này được thiết kế với màu vân gỗ tạo cảm giác vô cùng điềm tĩnh. Tấm biển hiệu này là của một cửa hàng mang tên "Tiệm cà phê Starbucks Kyoto Ninenzaka Yasaka" nằm trên con đường dẫn lên chùa Kiyomizu, hai bên đường là những ngôi nhà cổ bằng gỗ nằm san sát - một khu phố cổ kính còn lưu giữ nhiều nét đẹp của Kyoto xưa. Có lẽ nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn cũng sẽ khó lòng phát hiện ra đây là một cửa hàng Starbucks.

● Sukiya

Sukiya là một chuỗi nhà hàng gyudon lớn với khoảng 2000 cửa hàng trên khắp Nhật Bản (theo thống kê năm 2019) và gần đây đã mở rộng ra các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Brazil. Toàn bộ chuỗi cửa hàng khổng lồ này được nhận diện với biển hiệu chữ vàng và trắng trên nền đỏ. Tuy nhiên ở Kyoto, sắc độ của màu trắng và vàng được làm dịu lại, điềm tĩnh hơn  thành màu nâu và vàng đất.

Cửa hàng tiện lợi

● 7-Eleven

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản với hơn 20.000 cửa hàng ở Nhật và 60.000 trên toàn thế giới. Quen thuộc với logo và đường viền ba màu cam, xanh, đỏ sặc sỡ, nhưng ở Kyoto, có những cửa hàng thuộc chuỗi này có thiết kế đơn giản đến nỗi chỉ còn hai màu nâu và trắng. Cũng có những cửa hàng giữ nguyên thiết kế và màu sắc bình thường, nhưng nhờ đặt trên phông nền trong suốt thay vì nền trắng nên tạo cảm giác dịu mắt và nhã nhặn hơn, đồng thời những đường viền trông cũng hài hòa với phần mặt tiền thiết kế kiểu đường kẻ của tòa nhà.

● FamilyMart

FamilyMart là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn với 17.000 cửa hàng ở Nhật và 8.000 cửa hàng ở các nước khác, chủ yếu tập trung trong châu Á. Biển hiệu của chuỗi cửa hàng này có màu chủ đạo là xanh và trắng, với logo chữ màu xanh da trời. Ở Kyoto, cũng không ngoại lệ, các cửa hàng thuộc chuỗi này đã cẩn trọng sử dụng biển hiệu với 70 đến 90% màu trắng, giúp làm cho màu sắc không quá nổi bật và hài hòa với cảnh quan xung quanh.

● LAWSON

LAWSON là chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu Nhật Bản với 15.000 cửa hàng trên đất Nhật và gần đây đang mở rộng sang các nước Trung Quốc, Phi-líp-pin, Thái Lan và Indonesia. Chuỗi cửa hàng này thường có biển hiệu gồm chữ màu trắng trên nền xanh da trời và viền hồng. Tại Kyoto, mỗi cửa hàng LAWSON lại có một cách thiết kế khác nhau: giảm phần màu xanh da trời bằng cách chuyển thành chữ xanh trên nền trắng, sử dụng màu đen làm nền để làm trầm màu biển hiệu và chỉ sử dụng màu xanh da trời một cách tiết chế, hoặc thêm vào những chi tiết đậm nét Nhật Bản nếu cửa hàng nằm ở khu nhà lớp ngói kiểu truyền thống. Tất cả đều cân nhắc tới quy định và cố gắng tạo ra vẻ hài hòa với cảnh quan.

Những cửa hàng khác

● Uniqlo

Uniqlo là hãng thời trang với hơn 2000 cửa hàng trên toàn thế giới, quen thuộc với biển hiệu nền đỏ chữ trắng. Như bạn có thể thấy trong ảnh trên, một số cửa hàng Uniqlo ở Kyoto có phần logo được đóng khung trong viền trắng để tạo độ nhã nhặn hơn cho thiết kế. Thêm vào đó, tòa nhà có tông màu khá trang nhã, giúp tránh ảnh hưởng tới cảnh quan và cửa hàng trở nên hài hòa hơn với cảnh vật xung quanh.

● Matsumoto Kiyoshi

Matsumoto Kiyoshi là một chuỗi cửa hàng dược mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật Bản, đã giành được sự tin tưởng đáng kể không chỉ của người Nhật mà còn từ du khách nước ngoài. Chuỗi cửa hàng này có thiết kế biển hiệu nhìn chung khá bắt mắt với màu vàng và đỏ trên nền xanh lam. Tuy nhiên như bạn có thể thấy trong ảnh trên, cửa hàng ở Kyoto tuy ở giữa con phố mua sắm tấp nập nhưng biển hiệu vẫn có một thiết kế khá nhã nhẵn với nền màu ghi nhạt.

● au

au là một trong những nhà cung cấp mạng điện thoại di động hàng đầu Nhật Bản. Thông thường, biển hiệu của au khá bắt mắt với nền màu cam nổi bật và chữ màu trắng. Nhưng ở Kyoto, vị trí của hai màu này được tráo đổi cho nhau, tạo nên một biển hiệu giản dị tới mức đáng ngạc nhiên.

● Times

Times là dịch vụ cho thuê bãi đỗ xe theo giờ và đi chung xe hàng đầu và có mặt rộng rãi khắp nơi ở Nhật Bản. Biển hiệu của dịch vụ này thường có màu chủ đạo là màu vàng tươi, nhưng tại Kyoto, màu vàng được thay thể bằng màu trắng để thiết kế trở nên đơn giản hết mức có thể.

Những biển báo độc đáo tại các khu du lịch ở Kyoto

Tại Kyoto, những biển báo nhắc nhở như "Cấm đi bộ giữa đường", "Cấm hút thuốc trên đường" và "Đừng chạm vào maiko" đều mang phong cách đặc trưng của thành phố này. Tại đây, những tòa nhà cổ đều được làm bằng gỗ, vì vậy mà những biển báo vốn cần thu hút sự chú ý cũng được làm bằng gỗ để đảm bảo sự hài hòa về cảnh quan phố phường.

Để bảo tồn những giá trị truyền thống của Kyoto được truyền lại từ thời cổ đại, thành phố Kyoto được quy hoạch với nhiều quy tắc nhằm lưu giữ nguyên vẹn nét duyên dáng cổ xưa của phố phường. Nếu không biết thì có lẽ bạn sẽ không chú ý, nhưng nếu biết, chắc hẳn đây sẽ là một phần làm cho chuyến đi Kyoto của bạn trở nên thú vị hơn.

Tuyển tập Kansai

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Chisa
Chisa Nishimura
Tôi sinh ra ở Kyoto và hiện đang sinh sống tại Tokyo. Sở thích của tôi là xem phim, đọc sách, đi bảo tàng mỹ thuật và chạy bộ.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng