Hatsumode - Một trong những phong tục đón năm mới truyền thống của người Nhật

Hatsumode là phong tục đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới của người Nhật. Nếu bạn ở Nhật Bản trong những ngày lễ này thì đây sẽ là một trải nghiệm văn hóa mà bạn nhất định không thể bỏ qua! Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về hatsumode, hướng dẫn bạn cách tham gia lễ hội truyền thống cũng như giới thiệu một số địa điểm phổ biến để bạn có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn nhất nét phong tục độc đáo này của người Nhật!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Hatsumode: Đón năm mới theo cách của người Nhật

Đối với nhiều người Nhật, lễ mừng năm mới có lẽ là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Càng về cuối năm, càng có nhiều phong tục tập quán độc đáo, tất cả đều có nguồn gốc và câu chuyện đằng sau đó, nhưng quan trọng và nổi tiếng hơn cả có lẽ chính là “Hatsumode” - hoạt động đi lễ ở đền chùa để đón mừng năm mới. Hãy cùng đọc tiếp bài viết dưới đây để hiểu hơn về những điểm thú vị và độc đáo của phong tục truyền thống này nhé.

"Hatsumode" thực chất là gì?

Như đã đề cập trong phần giới thiệu, nói một cách đơn giản thì hatsumode là chuyến đi lễ đền chùa đầu tiên trong năm mới ở Nhật Bản. Nhưng có lẽ bạn đang băn khoăn rằng: nếu chùa và đền thờ là dành cho các tôn giáo khác nhau (Phật giáo và Thần đạo), thì liệu chỉ đi đến một trong hai nơi có được không? Câu trả lời là được, và để giải đáp thêm cho câu trả lời này, chúng ta hãy cùng đi tìm lý do cho vấn đề này. Nói một cách đầy đủ, mục đích của Hatsumode là để con người tạ ơn thần linh vì đã giúp họ vượt qua năm cũ một cách an toàn và cầu mong một năm mới bình an, may mắn

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng: nếu chỉ đến thăm một đền chùa bất kỳ trong dịp đầu năm mới thì có thể gọi là "hatsumode" được không? Câu trả lời là có, nhưng về bản chất thì hatsumode lại mang một sắc thái hơi khác. Thông thường, hatsumode được thực hiện trong khoảng thời gian cố định, tính từ khoảnh khắc kim đồng hồ điểm 0 giờ vào đêm giao thừa cho đến hết ngày thứ ba của năm dương lịch (tức ngày 1 tháng 1 đến ngày 3 tháng 1).

Mặc dù vậy, về cơ bản thì lần đầu tiên bạn đi lễ chùa trong một năm (ngay cả khi lúc đó đã là tháng 8) thì nó vẫn được coi là hatsumode. Điều này là do tại Nhật Bản không có quy định chính thức nào liên quan đến khoảng thời gian cho hatsumode (chữ kanji theo nghĩa đen chỉ có nghĩa là "lần đi lễ đầu tiên"). Tuy nhiên, hầu hết mọi người ở đây đều đi lễ trong 3 ngày đầu năm, vì trong khoảng thời gian này luôn có một bầu không khí vô cùng đặc biệt mà vào những thời điểm khác trong năm bạn khó có thể cảm nhận được.

Trong khoảng thời gian hatsumode, khuôn viên của nhiều ngôi chùa và đền thờ tràn ngập các gian hàng bán đồ ăn vặt và đồ lưu niệm, tạo nên một bầu không khí lễ hội khá vui nhộn. Một điều nữa làm cho hatsumode trở nên đặc biệt là việc cả đàn ông và phụ nữ đều nhân cơ hội này để diện lên mình những bộ kimono truyền thống! Từng đoàn người trong trang phục truyền thống đi đến các khu đền, chùa trong bầu không khí linh thiêng để đón năm mới tạo nên một cảnh tượng vô cùng đáng nhớ. Trên thực tế, ngày nay người ta hiếm khi thấy nam giới mặc kimono ở nơi công cộng, vì vậy nên đây là cơ hội tuyệt vời để chiêm ngưỡng cảnh tượng này. Ở những nơi như Kyoto, bạn có thể dễ dàng thuê một bộ kimono mặc trong ngày để trải nghiệm thú vui mặc trang phục truyền thống khi đến Nhật Bản.

Cách thực hiện Hatsumode

Ngoài vấn đề thời gian, còn có một vài yếu tố khác khiến cho hatsumode đặc biệt hơn những dịp đi lễ thông thường. Tuy nhiên, quy trình đi lễ vẫn có những bước cơ bản quen thuộc như tản bộ lên chánh điện, cúng dường và cầu nguyện. Nếu bạn không quen đi lễ đền chùa và không biết các nghi thức, trước tiên hãy xem qua bài viết: Nghi thức cầu nguyện ở đền và chùa tại Nhật Bản có gì khác nhau? Cho dù bạn đã từng đến thăm các ngôi chùa và đền thờ ở Nhật Bản, thì trước khi đi, bạn vẫn nên ôn lại những lễ nghi nhé (biết đâu bạn sẽ học được thêm điều gì đó mới mẻ thì sao).

Nếu bạn không biết mình nên cầu xin điều gì, bởi “cầu may” là một từ khá chung chung, thì bạn nên tránh cầu xin bất cứ điều gì trong khi đi lễ. Thay vào đó, bạn chỉ cần cảm ơn và thể hiện sự tôn kính của mình với những vị thần linh ở đây (có thể là các vị Phật hoặc các vị thần trong Thần đạo) là đủ, và họ sẽ ban cho bạn những gì phù hợp nhất.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tại sao bạn có thể đi lễ ở cả đền và chùa?

Mặc dù Phật giáo và Thần đạo là hai tôn giáo khác nhau, nhưng bạn có thể tham gia hoạt động hatsumode của Nhật Bản ở cả các ngôi chùa (Phật giáo) hoặc đền thờ (Thần đạo). Lý do là, trong phần lớn lịch sử Nhật Bản, ranh giới giữa Phật giáo và Thần đạo luôn rất mơ hồ. Thậm chí nhiều khi, việc thờ cúng Đức Phật và Kami (các vị thần trong Thần đạo) còn được thực hiện ở cùng một địa điểm.

Vì lẽ đó, hatsumode với nguồn gốc từ thời Heian (794–1185) có thể thực hiện tại các ngôi chùa hoặc đền thờ một cách linh động mà không có quy định cụ thể ở một địa điểm cố định.

Tuy nhiên, quan niệm này bắt đầu thay đổi vào năm 1868, khi chính phủ Minh Trị mới cầm quyền quyết định biến Thần đạo trở thành thứ tôn giáo chính thống duy nhất của Nhật Bản, bởi Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, nên được coi như là một trường phái tư tưởng “ngoại lai”. Điều này đã dẫn đến việc nhiều ngôi chùa bị đóng cửa và Phật giáo bị các thế lực xa lánh.

Tuy nhiên, vào năm 1873, chính phủ Minh Trị ra quyết định gỡ bỏ những chính sách nhằm xóa bỏ Phật giáo trước đây. Như vậy, sau 5 năm bị tẩy chay tại đất nước mặt trời mọc, đạo Phật vẫn tồn tại như một lẽ dĩ nhiên, bất chấp sự bài trừ mạnh mẽ của chính phủ đối với lý thuyết và các hình tượng trong Phật giáo. Mặc dù vậy, những ảnh hưởng của phong trào ngắn ngủi này vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, và tạo ra sự chia rẽ rõ ràng giữa các tôn giáo chiếm ưu thế tại Nhật Bản.

Klook.com

Cách cầu may trong Hatsumode: Omamori, Omikuji và Hamaya

Nghi lễ hatsumode được kết thúc khá nhanh chóng vì chỉ là một lời cầu nguyện, nhưng để lên đến ngôi đền hay ngôi chùa đó, có thể mất nhiều thời gian do có một lượng lớn người dân và du khách đến thăm cùng một lúc. Ngoài ra, cũng có vô số những điều thú vị để bạn có thể tận hưởng trong chuyến hành trình hatsumode vào dịp đầu năm ở Nhật Bản.

Bùa hộ mệnh Omamori

Omamori là loại bùa may mắn đặc biệt được cho là chứa đựng sức mạnh của các vị thần bên trong. Những chiếc bùa đầy màu sắc và được trang trí công phu này có nhiều kiểu dáng độc đáo khác nhau tùy thuộc vào từng đền chùa. Mặc dù được bán quanh năm, nhưng omamori đặc biệt phù hợp khi bạn mua chúng vào dịp hatsumode để làm quà tặng cho bạn bè và gia đình, nhằm giúp họ tránh khỏi những điều xui xẻo trong suốt một năm sắp tới.

Tuy nhiên, có một bí mật của những lá bùa Omamori, đó là thời gian sử dụng của chúng chỉ trong khoảng một năm, sau đó người ta tin rằng sức mạnh thần thánh của mỗi chiếc bùa sẽ dần suy yếu. Trong trường hợp này, hãy mang bùa trở lại đền chùa nơi mà bạn đã mua, sau đó chúng sẽ được đem đi "hóa" như một nghi lễ để tỏ lòng tôn kính vì lá bùa đã giúp bạn trong suốt một năm qua. Tất nhiên, sau khi "hóa" omamori cũ, bạn sẽ cần mua một cái mới, và hatsumode là thời điểm thích hợp để làm điều này!

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các loại omamori khác nhau, hãy tham khảo bài viết: Omamori: 8 loại bùa may mắn bạn nên thử mua khi đến Nhật!

Quẻ bói Omikuji

Quẻ bói Omikuji là một loại bùa may mắn khác mà bạn có thể tìm thấy ở khắp các đền chùa vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, rất nhiều người hy vọng năm mới sẽ xuất hiện những cơ hội mới, và theo thông lệ nhiều người sẽ đi rút quẻ Omikuji vào dịp đầu năm. Mặc dù phương thức cụ thể có thể khác nhau tùy từng đền chùa, nhưng để rút được một quẻ omikuji, bạn sẽ phải bắt đầu bằng việc lắc một hộp gỗ chứa đầy các que đánh số, lắc chúng cho đến khi một thanh gỗ rơi ra khỏi lỗ nhỏ trên hộp gỗ. Sau đó, việc bạn cần làm là tìm con số tương ứng trên các ngăn kéo gỗ kề đó và rút quẻ bói của bạn ra.

Quẻ bói Omikuji sẽ nói chi tiết về vận mệnh của bạn trong các lĩnh vực như sức khỏe, tình yêu, tiền tài và những khía cạnh khác mà mọi người thường quan tâm. Nếu bốc phải quẻ không may, bạn có thể buộc nó vào một giá gỗ, thường để gần đó, với hy vọng thần linh có thể giúp bạn thay đổi số phận của mình. Dù xin được một quẻ may mắn thì bạn cũng có thể gửi tờ giấy đến thần linh như một cách để nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chọn cách giữ lại quẻ bói may mắn để mang về nhà.

Mũi tên may mắn Hamaya

Hamaya (được dịch theo nghĩa đen có nghĩa là "mũi tên diệt quỷ") là một loại bùa trang trí khác trong năm mới để xua đuổi vận đen. Theo truyền thống, những mũi tên này được tặng để kỷ niệm năm mới đầu tiên trong cuộc đời của một bé trai và đi kèm với một cây cung diệt quỷ (hamayumi). Giờ đây, người ta thường lấy mũi tên làm vật đại diện cho một bộ cung tên. Bên cạnh ý nghĩa là lá bùa hộ mệnh mang đến sự an toàn cho gia đình, nó còn biểu tượng cho việc nhắm trúng những cơ hội tốt nhất trong năm mới.

Bạn có thể trưng bày hamaya trong nhà theo một số cách khác nhau. Cách tốt nhất là bày mũi tên lên Kamidana (một dạng bàn thờ Thần đạo cỡ nhỏ trong gia đình). Tuy nhiên, nếu bạn không có một chiếc bàn thờ thì chỉ cần treo hamaya lên tường là đủ. Vì hamaya có tác dụng xua đuổi ma quỷ, bạn nên giữ chúng ở nơi mà gia đình bạn hay tụ tập nhất, chẳng hạn như phòng khách. Nếu không, hãy đặt hamaya gần lối vào nhà của bạn để ngăn chặn những điều không may mắn.

Bạn có thể tham gia hoạt động Hatsumode ở đâu?

Về cơ bản, bạn có thể thực hiện hatsumode ở bất kỳ ngôi chùa hoặc đền thờ nào trên đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu muốn tận dụng tối đa trải nghiệm, bạn có thể cân nhắc đến thăm một trong những địa điểm nổi tiếng dưới đây để trải nghiệm một hatsumode "tiêu chuẩn" xem chúng diễn ra như thế nào.

Dưới đây là 5 địa điểm cực kỳ nổi tiếng ở Nhật Bản để bạn đi lễ đầu năm.

Ise Jingu (Naiku) [Tỉnh Mie]

Tọa lạc tại tỉnh Mie, Ise Jingu được coi là một trong những điện thờ Thần đạo quan trọng nhất ở Nhật Bản và là nơi thờ phụng nữ thần Mặt trời Amaterasu. Điện thờ nổi tiếng đến mức một số người gọi đây là "linh hồn của Nhật Bản". Do tính chất thiêng liêng cũng như danh tiếng của Ise Jingu, nơi đây luôn tự hào là địa điểm nổi tiếng nhất để thực hiện hatsumode ở Nhật Bản.

Fushimi Inari Taisha [Kyoto]

Kyoto là nơi tọa lạc của hàng trăm ngôi chùa và đền thờ cổ, khiến bạn sẽ chẳng biết nên chọn địa điểm nào cho hoạt động hatsumode vào dịp năm mới. Tuy nhiên, chắc chắn địa điểm hatsumode nổi tiếng nhất trong thành phố là đền Fushimi Inari lẫy lừng với hàng nghìn cánh cổng torii đỏ uốn lượn trên sườn núi. Vào dịp hatsumode, có một buổi lễ đặc biệt gọi là "Saitansai" được tổ chức tại sảnh chính của ngôi đền bắt đầu lúc 6:00 ngày mùng 1/1. Fushimi Inari cũng nổi tiếng với những bức tượng cáo, được cho là sứ giả của Inari - vị thần được thờ phụng tại đền. Do đó, có rất nhiều lá bùa omamori hình con cáo dễ thương được bày bán ở đây. Bạn hãy tận dụng cơ hội này để xin những chiếc bùa may mắn được làm thủ công để cầu cho một năm mới bình an nhé.

Klook.com

Sumiyoshi Taisha [Osaka]

Không chịu thua kém hai địa điểm trên, Osaka cũng có một ngôi đền nổi tiếng và được yêu thích trong thời gian diễn ra hatsumode đó là đền Sumiyoshi. Đây là một trong những đền thờ lâu đời nhất ở Nhật Bản, được thành lập vào thế kỷ thứ 3 và có các vị thần bảo hộ cho ngư dân và những người đi biển. Trên thực tế, các vị thần được thờ phụng tại đền Sumiyoshi nổi tiếng đến mức có rất nhiều đền thờ trùng tên. 

Atsuta Jingu [Nagoya]

Địa điểm đi lễ đầu năm (hatsumode) nổi tiếng nhất ở vùng Chubu là đền Atsuta Jingu ở Nagoya.
Lịch sử và danh tiếng của Atsuta Jingu thường được so sánh với Ise Jingu (ngôi đền đầu tiên và linh thiêng nhất được đề cập ở trên), và những truyền thuyết về ngôi đền thậm chí có thể được viết thành một bài hoàn chỉnh (hãy tưởng tượng về gần 2000 năm lịch sử và một thanh kiếm huyền thoại được lưu giữ tại nơi đây). Có thể nói, Atsuta Jingu là một trong những ngôi đền Thần đạo quan trọng và được coi là một điểm đến nhất định không thể bỏ qua khi bạn đang ở Nagoya.

Meiji Jingu [Tokyo]

Cuối cùng nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng là Meiji Jingu ở Tokyo. Nằm cách ga Harajuku chỉ một vài bước chân, bạn có thể sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một vùng đất tự nhiên rộng lớn như vậy giữa lòng Tokyo. Số lượng người đến tham gia hatsumode hằng năm cũng vô cùng lớn, trung bình khoảng 3 triệu người! Meiji Jingu có thể sẽ đông đúc trong năm mới, nhưng đây là một điểm đến tuyệt vời để cảm nhận tinh thần của hatsumode ngay giữa khu đô thị lớn nhất Nhật Bản.

Hãy cùng đón năm mới theo cách của người Nhật bằng việc đi lễ đầu năm nhé!

Hatsumode là một hoạt động thú vị để khởi đầu một năm mới thuận lợi, nguyện cầu may mắn, xua đuổi tà ma, và cuối cùng là tham quan một số ngôi chùa và đền thờ đẹp. Nào, hãy cùng hòa vào bầu không khí của năm mới và tự mình trải nghiệm hoạt động hatsumode khi đến Nhật Bản nhé!

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Jack
Jack Xavier
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng