Giới thiệu về văn hóa tọa thiền tại Nhật Bản và một số địa điểm trải nghiệm tọa thiền ở Tokyo dành cho khách du lịch

Nhắc đến văn hóa Nhật Bản, chúng ta có lẽ đã không còn quá lạ lẫm với trà đạo, kiếm đạo, nghệ thuật cắm hoa ikebana. Thế nhưng, đã bao giờ bạn nghe đến văn hóa Tọa thiền (Zazen) ở Nhật Bản chưa? Người ta cho rằng, tọa thiền là một trong những phương pháp tu tập, hướng người ta đến với cái Thiện. “Thiền” mang ý nghĩa trầm lắng và “Tọa thiền” còn có thể hiểu là ngồi trong sự trầm lắng. Tọa thiền đòi hỏi thiền giả phải tập trung tâm trí, thoát khỏi những vướng mắc trong tư tưởng, nhờ đó con người ta có thể trở nên an định hơn trong tâm hồn cũng như cải thiện được nhiều vấn đề về sức khỏe. Với nhiều ngôi chùa lớn có lịch sử lâu đời, Tọa thiền đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của Nhật Bản mà mỗi du khách nước ngoài khi đến với xứ sở anh đào đều nên trải nghiệm một lần. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các động tác cơ bản của Tọa thiền cũng như các địa điểm mà bạn có thể trải nghiệm Tọa thiền tại Tokyo trong bài viết này nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Các động tác cơ bản trong Tọa thiền

1. Chắp tay và nắm tay

Chắp tay

Đây là hành động thể hiện thái độ tôn trọng đối phương. Để thực hiện hành động này, bạn cần úp hai lòng bàn tay lại với nhau, các ngón tay hướng lên trên, cao ngang mũi, cách mũi chừng 10cm, cùi chỏ khép lại, vai thả lỏng.

Nắm tay

Khi đứng hoặc đi bộ, thiền giả sẽ nắm tay trái sao cho ngón cả nằm phía trong và nắm tay phải bao lấy tay trái. Phần mu bàn tay hướng ra ngoài. Nắm tay đặt nhẹ ở ngực.

2. Khi vào Thiền đường

Khi vào Thiền đường, bạn phải bước chân trái vào trước, qua lối đi nằm bên cạnh cột trụ bên trái. Nếu có mang Zafu (đệm ngồi thiền), bạn sẽ phải mang chúng bằng cả 2 tay. Bước vào bên trong Thiền đường, người ta sẽ đứng lại, chắp tay, cúi đầu trước Sư thầy như một cách chào hỏi. Tiếp đó là đưa tay về trạng thái nắm và tiếp tục di chuyển bằng chân phải đến vị trí thiền của mình. Một điều cần chú ý trong Thiền đường là bạn không được phép đi ngang qua mặt Sư thầy và phải đi vòng qua phía sau.

3. Chào hỏi người ngồi cạnh hoặc người ngồi đối diện

Khi về đến vị trí ngồi thiền của mình, người ta sẽ chắp tay, cúi đầu thể hiện ý chào hỏi với người ngồi cạnh, và đối phương cũng sẽ làm vậy để thể hiện thành ý. Tương tự như thế, sau khi thực hiện việc chào hỏi với người ngồi cạnh, bạn hãy xoay người sang bên phải (hoặc trái), hướng về phía người ngồi đối diện và thực hiện nghi thức chào hỏi.

4. Tư thế ngồi thiền (Ngồi kiết già và ngồi bán già)

Đầu tiên, bạn cần ngồi ngay ngắn vào vị trí trung tâm của đệm thiền và khoanh chân tại. Dù ngồi thiền theo kiểu kiết già hay bán già thì điều quan trọng nhất vẫn là phần mông và hai đầu gối phải tạo được ba điểm trụ để đỡ lấy phần cơ thể phía trên. Tùy vào thể trạng của từng người mà bạn hãy lựa chọn tư thế ngồi sao cho phù hợp thay vì ép bản thân phải ngồi thiền theo tư thế nào.

Tư thế ngồi kiết già: Là tư thế mà bạn sẽ phải đặt chân phải lên đùi trái và chân trái lên đùi phải.

Tư thế ngồi bán già: Ở tư thế này, bạn sẽ chỉ cần gác một chân lên chân còn lại, cụ thể là đặt chân phải dưới đùi trái và đặt chân trái lên phía trên đùi phải.

5. Cách đặt tay

Có nhiều cách để tay khi ngồi thiền. Bạn có thể để ngửa bàn tay, đặt tay trái lên trên tay phải, hai ngón cả chạm nhẹ vào nhau tự nhiên. Cách để tay này được gọi là Hokkai-join (Pháp giới định ấn). Tay nên để một cách thoải mái ở vùng bụng dưới, tránh phần cổ, ngực cũng như tránh dùng lực để ấn hay ngón tay cái vào nhau.

Klook.com

6. Tư thế phần người phía trên

Ngồi thẳng lưng, đỉnh đẩu hướng thẳng với trần nhà, hai vai thả lỏng.

7. Cách khép miệng

Khép miệng sao cho đầu lưỡi chạm nhẹ vào phần ngạc hàm trên.

8. Hướng mắt nhìn

Đôi mắt của thiền giả khi thiền không hẳn nhắm nhưng cũng không hẳn là mở. Người ta nhìn ra phía trước chừng 1m, mắt hướng xuống dưới góc 45 độ. Cách để mắt như vậy rất dễ gây buồn ngủ nhưng bạn hãy cố gắng tập trung, và đừng ngủ gật trong khi thiền nhé!

9. Hít thở khi thiền

Khi đã ngồi đúng tư thế thiền, bạn hãy hít thở sâu, điều hòa nhịp thở thật đều. Hãy từ từ thư giãn, tận hưởng không gian yên tĩnh xung quanh, thả lỏng theo từng nhịp thở.

10. Đung đưa người trái phải

Lúc này, phần trên cơ thể của bạn sẽ giống như một con lật đật, ban đầu bạn đưa người trái phải với cường độ lớn, sau đó nhỏ dần lại và dần đưa về trạng thái ngồi thẳng.

11. Tâm thế khi thiền

Khi thiền, bạn không nên suy nghĩ quá nhiều mà hãy thả lỏng đầu óc, để cơ thể bạn cảm nhận và điều hòa theo từng nhịp thở.

12. Tiếng chuông Shi-jo

Tiếng chuông Shi-jo (tạm dịch là Chỉ Tịnh) này báo hiệu buổi thiền bắt đầu. Thông thường, khi các thiền giả đã vào vị trí, Sư thầy sẽ vào Thiền đường, đi một vòng quanh xem mọi người đã ngồi đúng chưa, trong tiếng Nhật được gọi là Kentan. Khi sư thầy đi đến phía sau, bạn phải chắp tay hành lễ sau đó lại đưa tay về thế Pháp giới định ấn (như đã hướng dẫn ở trên). Khi tiếng chuông Shi-jo vang lên 3 lần, buổi Thiền sẽ bắt đầu và kể từ lúc đó, không ai được phép ra vào Thiền đường nữa.

13. Nhận phạt

Trong quá trình tọa thiền, nếu bạn ngủ gật, ngồi sai tư thế hay phân tâm, bạn sẽ bị Sư thầy đánh vào vai như một hình phạt. Trước khi bị phạt, bạn sẽ được vỗ nhẹ vào vai phải để báo trước. Người bị phạt sẽ chắp tay, hướng cổ sang bên trái và nhận một đòn nhẹ vào vai phải. Sau khi bị phạt, thiền giả sẽ chắp tay cúi đầu tạ lỗi và quay trở lại thế tay Pháp giới định ấn để tiếp tục thiền.

Klook.com

14. Thực hiện Kin-hin

Sau mỗi “chu” - kéo dài chừng 40 phút, nếu muốn tiếp tục thiền bạn phải thực hiện kin-hin. Kin-hin là việc bạn đi lại trong Thiền đường một cách nhẹ nhàng. Trong tọa thiền, khi tiếng chuông vang lên, bạn sẽ phải chắp tay, cúi đầu, đung đưa người trái phải đứng dậy. Khi đi lại bạn cũng phải nắm tay (như hướng dẫn ở trên). Mỗi nhịp thở bạn sẽ bước nửa bước chân. Khi tiếng chuông báo hiệu đã đến lúc quay lại thiền, bạn sẽ đứng nguyên tại vị trí đó, cúi đầu nhẹ rồi bước đi như bình thường trở về vị trí cũ.

15. Kết thúc tọa thiền

Kết thúc buổi tọa thiền, tiếng chuông sẽ vang lên. Lúc này, các thiền giả sẽ chắp tay, cúi đầu hành lễ và đung đưa người trái phải để thả lỏng. Người ta cũng sẽ hành lễ chào hỏi với người ngồi cạnh và ngồi đối diện rồi bước ra khỏi Thiền đường.

Tùy vào từng Thiền đường mà các quy định trong tư thế thiền có thể sẽ khác nhau. Bạn hãy nghe theo hướng dẫn của Sư thầy để có một buổi thiền thực sự hiệu quả nhé!

5 địa điểm trải nghiệm tọa thiền ở khu vực Tokyo

Các bạn đã sẵn sàng để trải nghiệm Tọa thiền chưa? Hãy cùng chúng tôi khám phá 5 địa điểm trải nghiệm tọa thiền ở khu vực Tokyo nhé!

1. Chùa Dairyu-ji (起雲山大龍寺)

Nếu bạn muốn trải nghiệm văn hóa Thiền hoặc mới bắt đầu hành trình Tọa thiền thì chùa Dairyu-ji là nơi mà bạn không nên bỏ qua. Nằm giữa lòng thủ đô đông đúc nhưng ngôi chùa này vẫn giữ được vẻ thanh tịnh và thiên nhiên trong lành. Tại đây, Sư thầy sẽ hướng dẫn rất chi tiết cho người mới bắt đầu đến với Tọa thiền nên bạn sẽ không cần phải quá lo lắng nếu như chưa có một chút kinh nghiệm nào. Sau mỗi buổi thiền, thiền giả cũng sẽ có quãng thời gian quý giá nghe Sư thầy giảng pháp.

2. Chùa Chokoku-ji(長谷寺)

Một sự lựa chọn khác dành cho những ai mới bắt đầu Tọa thiền là Chùa Chokoku-ji. Ngôi chùa được thành lập năm 1598, nằm thanh tịnh giữa lòng thủ đô Tokyo đông đúc, tấp nập. Tại đây, người ta chia khóa Thiền thành 3 khóa: Khóa cho người mới bắt đầu, Khóa dành cho người đến Tọa thiền từ lần thứ 2 đến lần thứ 5, và khóa Sanzen dành cho những người tham gia từ lần thứ 6 trở lên. Nếu không hiểu tiếng Nhật, trong 2 buổi đầu của khóa Thiền, bạn nên đi cùng với người phiên dịch của mình. Từ lần thứ 3 trở đi, khi đã quen với các động tác cũng như nghi thức của Tọa thiền, bạn hoàn toàn có thể tự mình tham gia khóa Thiền này.

3. Chùa Seisho-ji(青松寺)

Chùa Seisho-ji được thành lập từ năm 1476, là một ngôi chùa có truyền thống lâu đời tại Tokyo. Đến với Seisho-ji, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến Phật giáo như Tọa thiền, chép kinh, nghe giảng pháp,... Bên cạnh thời gian tổ chức tọa thiền hàng tháng, chùa cũng nhận đăng ký Tọa thiền cá nhân (không nhận đăng ký tập thể). Tại đây cũng có hướng dẫn chi tiết về Tọa thiền cho người mới bắt đầu.

4. Chùa Tosho-ji(東照寺)

Chùa Tosho-ji (trước đây có tên gọi là Daiun kai Dojo) được xây dựng năm 1941, sau khi bị thiêu rụi hoàn toàn trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngôi chùa này đã được tái xây dựng lại như ngày nay. Tosho-ji còn được biết đến là Trung tâm thiền Quốc tế Tosho-ji. Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trải nghiệm Tọa thiền mà còn có thể đăng ký một khóa luyện tập Tọa thiền trong thời gian dài (hơn 6 tháng) với chi phí khoảng 30.000 yên/tháng (đã bao gồm bữa sáng), do ở đây có cả một khu ký túc xá cho những ai muốn lưu trú trong thời gian dài. Nếu bạn có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về Tọa thiền thì chùa Tosho-ji chính là nơi mà bạn nên ghé thăm đấy!

5. Chùa Toun-ji(東雲寺)

Chùa Toun-ji cũng là một trong số những ngôi chùa có lịch sự lâu đời tại Tokyo. Người ta không rõ ngôi chùa được thành lập từ năm bao nhiêu nhưng tháp đá Koseijin - một trong những điểm nhấn trong ngôi chùa này được ghi dấu rằng đã hoàn thành từ năm 1532. Chùa Toun-ji có hai hoạt động tiêu biểu là Tọa thiền và Tụng kinh. Đặc biệt, tại đây còn tổ chức buổi Tọa thiền dành riêng cho trẻ em vào 7:00 ngày Chủ nhật thứ 4 hàng tháng. Mỗi tháng, người ta lại tổ chức một sự kiện Phật giáo riêng. Nếu bạn quan tâm đến Tọa thiền cũng như tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo tại Nhật Bản thì ngôi chùa có truyền thống lâu đời như Toun-ji rất đáng để bạn đưa vào danh sách những địa điểm thăm quan của mình đấy.

Bài viết có tham khảo nội dùng từ trang web của Sotozen-net

Tuyển tập Kanto

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Tuyet
Tuyet Nhung Cao
Tôi là một sinh viên đến từ Việt Nam và hiện đang sinh sống ở Yokohama. Tôi rất thích chụp ảnh và khám phá các món ăn ngon, vì thế nên tôi luôn mong muốn có thể đi được đến nhiều nơi khi còn đang ở Nhật Bản và đưa những điều tuyệt vời của đất nước này đến với thế giới. Hãy ủng hộ chúng tôi nhé!
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng