Nhật Bản bắt đầu thu phí túi ni lông! Điều này ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của người tiêu dùng?

Từ ngày mùng 1/7/2020, quy định thu phí túi ni lông đã được áp dụng toàn diện trên khắp đất nước Nhật Bản. Việc này ảnh hưởng tới kinh tế hộ gia đình như thế nào và sẽ góp phần bảo vệ môi trường ra sao? Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về những lợi ích và tác hại mà quy định thu phí túi ni lông mang lại cho cuộc sống của mỗi chúng ta nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Từ 1/7/2020, Nhật Bản áp dụng quy định thu phí túi ni lông trên toàn quốc

Ngày nay, ý tưởng giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần nhằm bảo vệ môi trường đang ngày càng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Để thực hiện ý tưởng này, một trong những biện pháp được đưa ra là kêu gọi hạn chế sử dụng và tính phí đối với túi ni lông dùng trong mua sắm, đã được áp dụng ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 1/7/2020, Nhật Bản đã áp dụng quy định tính phí túi ni lông đối với tất cả các nhà bản lẻ trên toàn quốc. Quy định này yêu cầu các cửa hàng dừng phát túi ni lông miễn phí cho khách, buộc người tiêu dùng phải tự lựa chọn giữa việc trả tiền để mua túi ni lông nếu thực sự cần thiết hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Mục đích của quy định này là để giảm lượng rác thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường. Tuy rằng người Nhật vẫn đang sử dụng nhiều sản phẩm nhựa khác như chai nhựa PET và khay xốp đựng thực phẩm, nhưng cùng với quy định này, chính phủ đã bước đầu xử lý vấn đề sử dụng túi ni lông, từ đó yêu cầu người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa.

Mỗi túi ni lông có giá bao nhiêu? Chúng tôi đã thử so sánh một số cửa hàng bán lẻ quen thuộc

Cửa hàng tiện lợi

Các cửa hàng tiện lợi có chủng loại sản phẩm khá phong phú, vị trí lại thuận tiện cho khách ghé vào mua. Vì đây là loại hình cửa hàng bán lẻ phổ biến và được người tiêu dùng Nhật Bản sử dụng thường xuyên nên việc tìm hiểu giá túi ni lông là rất cần thiết. Lần này, chúng tôi so sánh 3 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn, có mạng lưới rộng khắp cả nước. Sau khi so sánh, có thể thấy rằng túi ni lông ở các cửa hàng này có mức giá khoảng 3 yên.

・7-Eleven: Túi cỡ S/M/L và túi đựng hộp cơm trưa (bento) giá 3 yên, túi cỡ LL giá 5 yên (chưa tính thuế)
・Lawson: Tất cả các cỡ túi đồng giá 3 yên (đã tính thuế)
・FamilyMart: Tất cả các cỡ túi đồng giá 3 yên (đã tính thuế)

Siêu thị

Siêu thị là địa điểm mua sắm lương thực, thực phẩm không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Nhật. Giá túi ni lông của 3 chuỗi siêu thị lớn nhất Nhật Bản như dưới đây. Khi đi siêu thị để mua thực phẩm dự trữ cho vài ngày liền, chắc chắn chúng ta sẽ phải dùng đến loại túi cỡ lớn giá khoảng 5 yên.

・Aeon: Túi cỡ M giá 2 yên, cỡ L giá 3 yên, cỡ LL giá 5 yên (chưa tính thuế)
・Ito-Yokado: Túi cỡ S/M giá 3 yên, cỡ L/LL giá 5 yên (đã tính thuế)
・Seiyu: Túi cỡ đựng hộp cơm trưa (bento) giá 2-5 yên, túi đựng thực phẩm giá 5 yên (đã tính thuế)

Hiệu thuốc

Tại Nhật Bản, các hiệu thuốc là nơi bày bán nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong sinh hoạt. Với sự đa dạng về kích cỡ của các mặt hàng, từ những mặt hàng nhỏ như mỹ phẩm, dược phẩm tới những mặt hàng cỡ lớn hoặc nặng như giấy vệ sinh, xà phòng giặt, dầu gội, các hiệu thuốc có đầy đủ các kích cỡ túi ni lông khác nhau. Giá túi ni lông sẽ thay đổi tùy vào mặt hàng.

・Matsumoto Kiyoshi: Túi cỡ S giá 3 yên, cỡ L giá 10 yên
・Cocokara Fine: Túi cỡ M giá 3 yên, cỡ L giá 5 yên, cỡ LL giá 10 yên
・Sugi Yakyoku: Túi cỡ SS giá 2 yên, cỡ S giá 3 yên, cỡ L giá 5 yên

Những lợi ích của việc thu phí túi ni lông đối với đời sống con người

Dưới đây, chúng tôi xin liệt kê những lợi ích của quy định thu phí túi ni lông đối với đời sống hằng ngày bên cạnh những lợi ích đối với môi trường.

Nhận tích điểm Ecopoint bằng cách giảm sử dụng túi ni lông!

Nếu không sử dụng túi ni lông khi mua sắm, bạn sẽ nhận được những lợi ích nhất định. Ví dụ, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart đã đưa ra chiến dịch "Tầm nhìn sinh thái FamilyMart 2050" nhằm bảo vệ môi trường, áp dụng chính sách tích điểm vào ứng dụng thanh toán FamiPay cho những khách hàng không sử dụng túi ni lông. Khách hàng có thể sử dụng số điểm tích lũy này để đổi lấy phiếu giảm giá đối với những mặt hàng nhất định.

Giảm lượng rác thải từ túi ni lông

Nhờ việc giảm lượng túi ni lông bỏ đi mà tất nhiên lượng rác thải của mỗi hộ gia đình sẽ giảm xuống. Theo tính toán của Bộ Môi trường Nhật Bản, mỗi năm, rác thải từ túi ni lông chiếm khoảng 2 - 3 % lượng rác thải nhựa tại nước này. Tuy chỉ là một phần nhỏ nhưng hi vọng rằng đây sẽ là bước đầu tiên dẫn tới những bước tiến lớn hơn trong công cuộc giảm thiểu rác thải.

Klook.com

Giảm lượng khí thải CO2

Quá trình sản xuất và tiêu hủy các sản phẩm nhựa sẽ sinh ra khí CO2, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng nóng lên của Trái đất và là một trong những vấn đề môi trường được quan tâm nhất hiện nay. Tuy có thể có nhiều cách tính toán khác nhau, nhưng theo khảo sát của Bộ Môi trường Nhật Bản, với mỗi túi ni lông không sử dụng, ta có thể giảm được 61g CO2 phát thải ra môi trường. Điều này có nghĩa là nếu mỗi ngày chúng ta giảm sử dụng 1 túi ni lông thì mỗi năm ta có thể giảm tới 22kg CO2. Quá trình nóng lên toàn cầu dẫn đến những hiện tượng khí hậu bất thường và sự tuyệt chủng của các loài động thực vật, gây ra nhiều mối hiểm nguy cho cuộc sống của con người. Hãy nhớ rằng chúng ta có thể góp phần bảo vệ Trái đất bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tránh sử dụng túi ni lông.

Phòng ngừa ô nhiễm biển

Vấn đề ô nhiễm môi trường biển bắt nguồn từ việc chim và cá thường ăn phải các loại rác thải nhựa, hay rác thải làm suy thoái cảnh quan ven biển đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, ngoài việc không vứt rác bừa bãi, chúng ta còn cần  phải hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, trong đó có túi ni lông, là những sản phẩm có nguy cơ trở thành rác xả thải ra biển. Vấn đề nghiêm trọng này sẽ không thể được giải quyết nếu con người không có đủ nhận thức.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Trước hết, chúng ta hãy cùng thực hiện những việc đơn giản mà ta có thể làm trong đời sống hằng ngày. Đây chính là bước đầu tiên để con người có thể bảo vệ Trái đất này. Nhân việc áp dụng quy định này, hy vọng rằng mỗi cá nhân có thể nâng cao nhận thức về môi trường hơn nữa để tự nhìn nhận và thay đổi lối sống của chính mình.

Như đã nói ở trên, việc áp dụng phí sử dụng túi ni lông thực sự là một bước tiến mới, góp phần bảo vệ môi trường. Có thể trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chưa cảm nhận được những nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề môi trường. Tuy vậy, mỗi người vẫn cần bắt đầu hành động từ những việc nhỏ nhất, tìm hiểu kỹ hơn về bảo vệ môi trường và góp phần giữ gìn Trái đất bằng chính đôi tay của mình.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Những hạn chế của việc thu phí túi ni lông đối với đời sống con người

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thu phí túi ni lông cũng có những mặt hạn chế ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Thêm gánh nặng kinh tế với mỗi hộ gia đình: mua thêm túi sinh thái, túi đựng rác

Khi quy định thu phí túi ni lông bắt đầu được áp dụng, chắc hẳn nhiều người sẽ chuyển sang mua các loại túi sinh thái. Hiện nay, chúng ta có thể mua một chiếc túi sinh thái với giá cả tương đối phải chăng, nhưng chi phí này vẫn được coi là một khoản phát sinh đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có thói quen tận dụng túi ni lông từng được phát miễn phí khi mua hàng để làm túi đựng rác thải, thì nay sẽ phải mua thêm loại túi dùng để đựng rác. Thêm nữa, nếu có việc ra ngoài không mang theo túi sinh thái mà lại cần mua gì ngoài dự tính thì ta không còn cách nào khác và lại phải trả thêm một khoản cho túi ni lông. Tuy rằng những khoản chi này là không thường xuyên và không phải số tiền quá lớn nhưng nó cũng ảnh hưởng phần nào tới kinh tế của các hộ gia đình.

Cần đảm bảo vệ sinh khi sử dụng túi sinh thái

Vì túi sinh thái là túi có thể tái sử dụng nhiều lần, những vết bẩn và vi trùng ta không nhìn thấy có thể bám lại trên túi. Vì nước từ thịt, cá hay đất từ rau cỏ có thể đổ ra túi mà ta không biết, cần phải đảm bảo việc giữ vệ sinh khi sử dụng túi sinh thái. Để giữ túi luôn sạch sẽ, bạn cần nhớ:
- Giặt túi thường xuyên
- Đựng thịt, cá, rau củ trong túi nhựa dẻo
- Để riêng thực phẩm lạnh (thịt, cá, thực phẩm đông lạnh, v.v.) và thực phẩm nóng
- Sử dụng túi sinh thái riêng khi đựng thực phẩm và các đồ dùng hằng ngày
- Chỉ dùng túi sinh thái để mang theo thực phẩm trong thời gian ngắn

Từ những hạn chế kể trên, có thể thấy rằng việc tính phí đối với túi ni lông cũng gây ra những ảnh hưởng trực tiếp nhất định tới người tiêu dùng. Chúng ta cũng cần xây dựng một lối sống mới để thích ứng với những thay đổi trong thói quen sử dụng túi ni lông.

Klook.com

Xu hướng mới ở Nhật Bản: tận hưởng việc mua sắm với những chiếc túi sinh thái vừa tiện dụng vừa thời trang

Sản phẩm đang ngày càng phổ biến: Túi sinh thái LeSportsac phiên bản giới hạn tại Nhật Bản

Thương hiệu túi LeSportsac từ New York mới cho ra mắt dòng sản phẩm túi mua sắm chỉ có bán tại Nhật Bản. Chất liệu nhẹ với độ bền cao giúp bạn yên tâm tái sử dụng nhiều lần. Túi đi kèm với một chiếc bao đựng để bạn gấp gọn và mang theo bên mình mọi lúc, mọi nơi. Sản phẩm có 4 màu khác nhau, màu nào cũng nhã nhặn và thời trang.

Giá: 5.000 yên (chưa tính thuế)

Túi Shupatto nhỏ gọn với họa tiết Nhật Bản truyền thống dễ thương

Đây là dòng túi xách nhỏ gọn mới ra đời của Shupatto với họa tiết truyền thống Nhật Bản, thiết kế tiện lợi và đẹp mắt. Trên túi có in hình họa tiết đặc trưng của Nhật Bản như hoa anh đào, quả bóng temari, hay quạt giấy. Sản phẩm này có thiết kế tiện dụng, bạn chỉ cần kéo hai đầu là có thể gấp gọn lại một cách đơn giản. Với mục đích sử dụng hằng ngày, túi được thiết kế để giảm thiểu những động tác rườm rà. Một điểm cộng nữa là cấu trúc của túi giúp hạn chế việc nhìn thấy các đồ vật ở bên trong.

Giá: 1.980 yên (chưa tính thuế)

Miyai Denim Furoshiki - chiếc túi siêu thời trang

Furoshiki là một chiếc khăn dùng để gói đồ và mang theo, được sử dụng tại Nhật Bản từ thời xa xưa. Furoshiki cũng có thể được sử dụng như một kiểu túi sinh thái.

Denim Furoshiki là sản phẩm của Công ty cổ phần Miyai, sử dụng loại vải bò từ Kurashiki, tỉnh Okayama, một khu vực sản xuất vải bò nổi tiếng của Nhật Bản. Đặc trưng của chất liệu này là càng dùng lâu càng đẹp, và bạn có thể tận dụng vẻ đẹp mỗi lúc một khác theo thời gian. Chính vì là đồ dùng hằng ngày nên tính thời trang là một yếu tố không thể bỏ qua.

Sản phẩm này có bán tại tầng 4 tòa nhà chính của Nihonbashi Mitsukoshi Honten, hoặc bạn có thể mua online trên trang web của Isetan Mitsukoshi. Bạn có thể tới cửa hàng để được hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm như một chiếc túi sinh thái.

Giá: 15.950 yên (đã tính thuế)

Cùng với việc áp dụng quy định mới về việc thu phí túi ni lông, cuộc sống của người tiêu dùng Nhật Bản cũng không thể tránh khỏi những thay đổi. Tuy vậy, chúng ta cần cân nhắc việc sử dụng túi sinh thái hoặc túi ni lông sao cho phù hợp với lối sống của bản thân, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

kasamatsu
kasamatsu
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng