Onsen: Sự hình thành thói quen tắm suối nước nóng trong văn hóa của người Nhật

Suối nước nóng tại Nhật Bản được gọi là "onsen" (温泉), trong đó từ “on” (温) có nghĩa là ấm, nóng còn “sen” (線) có nghĩa là suối. Tắm suối nước nóng vốn đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người Nhật từ lâu đời và cũng trở thành điểm thu hút khách du lịch khi đến thăm “xứ sở mặt trời mọc”. Tuy nhiên, nguồn gốc về sự ra đời và phát triển của suối nước nóng thì không phải ai cũng biết. Chính vì vậy trong bài viết lần này chúng tôi sẽ giới thiệu những thông tin cơ bản nhất về suối nước nóng bao gồm nguồn gốc, sự hình thành văn hóa tắm suối nước nóng cùng những thông tin thú vị khác để bạn có thể hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống độc đáo này của người Nhật.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Suối nước nóng là gì?

Suối nước nóng là mạch nước ngầm được đun nóng bởi nhiệt độ của lớp vỏ Trái Đất và được phân bố chủ yếu ở những nơi có núi lửa. Suối nước nóng ở mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khí hậu ở từng khu vực. Riêng tại Nhật Bản, người ta quy định những nơi có mạch nước ngầm chảy ra từ lòng đất trên 25 độ C và trong thành phần bao gồm một số chất theo quy định thì được xem là suối nước nóng. 

Ngoài ra, không phải tất cả các suối nước nóng đều có công dụng trị liệu, chỉ những suối nước nóng bao gồm những chất với hàm lượng theo quy định mới được coi là suối nước nóng trị liệu.

Suối nước nóng đầu tiên và nguồn gốc về việc sử dụng suối nước nóng của người Nhật

Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có nhiều núi lửa, trong đó ngọn núi lửa nổi tiếng nhất được xem là biểu tượng của đất nước này chính là núi Phú Sĩ. Chính điều kiện tự nhiên đặc biệt đó đã tạo ra rất nhiều mạch nước ngầm nóng, là cơ sở hình thành nên suối nước nóng ở Nhật Bản. 

Không có ghi chép cụ thể nào về sự xuất hiện của suối nước nóng đầu tiên ở Nhật Bản, nhưng trong cuốn “Nhật Bản thư kỷ” có ghi lại rằng sự tồn tại của "suối nước nóng" đã được biết đến rộng rãi vào thời kỳ Nara và các suối nước nóng cổ nhất của Nhật Bản cũng tập trung ở khu vực phía Tây Nhật Bản bao gồm Dogo Onsen (Ehime), Arima Onsen (Hyogo), Shirahama Onsen (Wakayama), trong đó Dogo Onsen là suối nước nóng lâu đời nhất. Chỉ có các truyền thuyết lưu truyền kể về việc các vị thần đã tìm ra suối nước nóng như thế nào. Điển hình như câu chuyện về vị thần khai quốc của Nhật Bản - Okuninushi và thần Sukunahikona Mikoto đã phát hiện ra suối nước nóng sau khi nhìn thấy 3 chú quạ bị thương đang chữa lành vết thương tại một con suối. Sau này, hai vị thần Okuninushi và Sukunahikona Mikoto được xem là những vị thần đại diện cho suối nước nóng và được thờ tại các ngôi đền có suối nước nóng trên khắp Nhật Bản. 

Tuy nhiên, các tàn tích và tài liệu khác nhau lại cho thấy mối quan hệ giữa người Nhật và suối nước nóng đã có từ rất lâu trước đó, trong đó có dấu vết của việc sử dụng suối nước nóng đã được tìm thấy trong tàn tích của thời kỳ Jomon khoảng 6000 năm trước tại Kamisuwa Onsen ở Nagano. 

Sự hình thành thói quen tắm suối nước nóng trong đời sống của người Nhật

Suối nước nóng ban đầu được xem là nơi để trị bệnh

Ban đầu vào thời cổ đại ở Nhật Bản suối nước nóng được xem như một nơi chữa bệnh. Người ta quan niệm rằng việc ngâm mình trong dòng suối nóng sẽ có tác dụng chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Trong cuốn “Nhật Bản thư kỷ” cũng có ghi chép về việc vào khoảng nửa đầu đến giữa thế kỷ 7, Thiên hoàng và những người trong hoàng tộc thường đi đến các suối nước nóng trong một khoảng thời gian dài (1 tuần hoặc có thể 1 tháng) để chữa bệnh. Sau đó thói quen tắm suối nước nóng để trị bệnh dần lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân từ giới quý tộc, tăng lữ cho đến các samurai và trở nên phổ biến vào thời kỳ Nara.

Sang đến thời kỳ Muromachi, người ta đã tiến hành những buổi thực nghiệm để tìm hiểu về tính chất và hiệu quả của suối nước nóng. Trong thời kỳ Chiến quốc với các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên, các lãnh chúa đã cho xây dựng các suối nước nóng trên lãnh thổ của mình để trị thương cho binh lính.

Tắm suối nước nóng giống như một nghi thức thanh tẩy

Ở Nhật Bản từ thời cổ đại tắm rửa đã được xem là cách để làm sạch tinh thần và cơ thể. Điều này cũng được thể hiện rõ trong nghi thức thanh tẩy (misogi) của Thần đạo. Đối với các nghi lễ quan trọng được tổ chức tại triều đình, giới quý tộc thường thức dậy từ sớm, tắm rửa để làm sạch cơ thể và tâm hồn trước khi ra ngoài. Tầng lớp bình dân thì có tập tục tắm gọi là “gyosui”.

Sang đến thời Nara, khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, việc tắm rửa cũng được xem như một nghi thức để thanh lọc cơ thể. Nhiều ngôi chùa như Todaiji và Hokkaiji đã xây dựng các khu tắm suối nước nóng cho tầng lớp bình dân và thói quen tắm rửa dần trở nên phổ biến. Các nhà sư cũng bắt đầu đi đến các khu suối nước nóng. Họ không chỉ ngâm mình để phục hồi sức khỏe mà còn biến nơi đây trở thành một nơi để giao lưu, trò chuyện với những người ở những tầng lớp khác.

Như vậy, trong cả Thần đạo và Phật giáo, người Nhật quan niệm rằng việc ngâm mình trong dòng nước không chỉ giúp tẩy sạch bụi bẩn trên cơ thể mà còn giúp tẩy sạch cả tâm hồn. Thói quen tắm rửa, tắm suối nước nóng của người Nhật có lẽ cũng bắt nguồn từ quan niệm này.

Suối nước nóng trở thành nơi để thư giãn, ngắm cảnh

Dần dần, việc sử dụng suối nước nóng đã trở nên phổ biến với những người dân sống ở thành thị. Đến thời Edo, bên cạnh những người tắm suối nước nóng với mục đích chữa bệnh, cũng có những người đến tắm suối nước nóng để thăm thú, ngắm cảnh. Ngoài ra, thời kỳ này nhu cầu sử dụng suối nước nóng tăng lên, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện xây dựng phòng tắm như bây giờ, nên các nhà tắm công cộng (sento) đã được ra đời và mọi người lui tới đây thường xuyên hơn.

Sang đến thời Minh Trị, các suối nước nóng được đặt dưới sự quản lý của chính quyền và dần dần họ phát triển những khu vực suối nước nóng này thành địa điểm để giải trí, thư giãn. Sau đó, cùng với sự phát triển của mạng lưới giao thông và các phương tiện truyền thông, mọi người có thể dễ dàng di chuyển đến các địa điểm có suối nước nóng. Các khu vực có suối nước nóng cũng đầu tư xây dựng các nhà trọ suối nước nóng, khu vui chơi xung quanh để thu hút mọi người ghé thăm. 

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Các hình thức tắm suối nước nóng ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản, có rất nhiều kiểu suối nước nóng khác nhau và mỗi loại đều có công dụng và đặc điểm riêng. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn một vài kiểu suối nước nóng phổ biến rất được ưa chuộng ở Nhật Bản:

1. Utaseyu

Hình thức tắm này còn được gọi là yuanma. Đây là hình thức tắm để nước suối nóng chảy thẳng từ trên cao xuống phần vai và cổ, giúp thư giãn cơ bắp, lưu thông máu và giảm các triệu chứng đau cổ và vai. Một trong những địa điểm nổi tiếng tại Nhật Bản có phục vụ loại hình tắm onsen này phải kể đến Sujiyu Onsen - một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng chất lượng tại tỉnh Oita có riêng một bồn tắm công cộng lớn dành riêng cho Utaseyu để bạn có thể trải nghiệm hình thức tắm thú vị này.

2. Neyu

Neyu là một loại hình tắm onsen vô cùng độc đáo. Bạn sẽ cần nằm trên một bồn tắm nông và kê đầu lên chỗ dựa của bồn tắm. Phần đầu được sử dụng làm điểm tựa và cơ thể nằm ra giống như khi đang ngủ. Loại hình tắm này giúp máu lưu thông về phần cuối cơ thể, thư giãn cơ bắp. Đây là phương pháp tắm tốt nhất để giảm căng thẳng và phục hồi cơ thể. Nếu bạn muốn thử loại hình tắm độc đáo này thì hãy cân nhắc dịch vụ onsen tại Hotel New Awaji Plaza Awajishima - nơi bạn có thể trải nghiệm bồn tắm lộ thiên Yubae-no-yu hướng ra eo biển Naruto. 

Klook.com

3. Hokouyu

Hokouyu là loại hình đi bộ chậm rãi trong những bồn tắm onsen có những viên đá được đặt dưới đáy với công dụng mát-xa các huyệt đạo ở lòng bàn chân, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, giúp phục hồi cơ thể. Hokouyu phù hợp với những người ít vận động, hay bị mất ngủ, đang muốn tìm một nơi để giải tỏa căng thẳng. Một trong điểm tắm suối nước nóng tại Tokyo có cung cấp dịch vụ này chính là Kodainoyu - với một bồn tắm pha thảo dược để bạn có thể thư giãn và giải tỏa căng thẳng.

4. Sunayu

Với Sunayu, hay còn được gọi là “tắm cát”, bạn sẽ được nằm trong những hố cát ấm và chỉ để lộ duy nhất phần đầu ra ngoài. Hơi ấm từ cát có tác dụng giảm đau nhức, đặc biệt là phần vai và lưng. Ngoài ra, sunayu còn giúp làn da của bạn được cải thiện hơn, hỗ trợ lưu thông máu. Còn gì tuyệt vời hơn khi được nằm thư giãn, lắng nghe tiếng sóng vỗ và ngắm cảnh biển phải không nào? Nếu bạn muốn trải nghiệm tắm cát sunayu thì hãy ghé thăm thành phố Beppu - nơi được cho là “thiên đường tắm cát” và trải nghiệm dịch vụ này tại Beppu Kaihin Sunayu nhé!

5. Ashiyu

Ngâm chân trong làn suối nước nóng không chỉ giúp làm ấm đôi chân mà còn là một liệu pháp tuyệt vời để lưu thông máu, giúp thư giãn và giảm căng thẳng mệt mỏi đồng thời giúp bạn có thể ngủ ngon hơn. Một trong những địa điểm tuyệt vời để tận hưởng trải nghiệm ashiyu chính là khu suối nóng Center Minami Onsen Yumomi no Sato ở tỉnh Kanagawa - nơi bạn có thể ngâm chân tại một bể sục ngoài trời tại sân thượng.

Klook.com

Ý nghĩa sâu xa của biểu tượng suối nước nóng tại Nhật Bản

Biểu tượng của suối nước nóng của Nhật Bản có một hình vòng cung ở dưới tượng trung cho bồn tắm, và bên trên là 3 nét vẽ tượng trưng cho hơi nước bốc lên. Không chỉ giúp mọi người dễ dàng liên tưởng đến hoạt động tắm suối nước nóng mà đằng sau biểu tượng này còn là quy tắc về thời gian ngâm mình trong suối nước nóng của người Nhật. 

Nét vẽ ngoài cùng bên trái tượng trưng cho lần tắm đầu tiên, thường kéo dài khoảng 5 phút. Đường thứ hai ở giữa là lần tắm thứ hai, khoảng 8 phút và đường thứ ba nằm ngoài cùng bên phải là lần ngâm nước cuối cùng, kéo dài khoảng 3 phút. Phương pháp tắm này có công dụng ngăn không cho nhiệt độ cơ thể giảm xuống và giữ ấm cho cơ thể. Việc chia thành 3 lần tắm như vậy cũng dựa trên phương pháp tắm trị liệu, đó là 1 ngày chỉ được tắm tối đa 3 lần trong tổng thời gian 15 phút (mỗi lần tắm chỉ được từ 3-10 phút) vì nếu tắm lâu quá có thể gây chóng mặt. Trong lần trải nghiệm tắm onsen lần tới của mình, hãy thử phương pháp tắm onsen thú vị này nhé!

Phân biệt Onsen và Sento

Song song với suối nước nóng (onsen), các nhà tắm công cộng (sento) cũng được mở ra để đáp ứng nhu cầu tắm và thư giãn của người dân. Mặc dù đều là hình thức ngâm mình trong dòng nước ấm nhưng onsen và sento không hoàn toàn giống nhau và có rất nhiều người nước ngoài nhầm lẫn hai hình thức này. Chính vì vậy ở phần này chúng tôi sẽ giải thích qua để các bạn có thể phân biệt được.

Như ở phần trên có giải thích, ban đầu onsen là những nơi để phục vụ nhu cầu thư giãn và trị bệnh, trong khi đó sento về cơ bản là những cơ sở được mở ra để phục vụ nhu cầu tắm hàng ngày của người dân. Mặc dù vậy, ngày nay sự phân biệt này không còn rõ ràng như trước nữa, bởi có rất nhiều người đến sento với mục đích thư giãn.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức này là nước nóng. Các sento thường sử dụng hệ thống xử lý nước và đun nước nóng dẫn vào bồn, sau đó có thể cho thêm muối hoặc các loại thảo mộc, thậm chí cả rượu sake vào để tăng hiệu quả trị liệu, thư giãn. Trong khi đó, nước tại onsen là nước khoáng nóng từ thiên nhiên, vốn đã chứa sẵn nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe và phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định bởi luật suối nước nóng của Nhật Bản.

Hầu hết các sento thường nằm ở trong thành phố nên không khó để bạn có thể tìm cho mình một nơi lý tưởng. Nếu có dịp đến Nhật Bản, hãy thử trải nghiệm văn hóa tắm sento của người Nhật để cảm nhận sự khác biệt giữa sento và onsen nhé. Một số sento nổi tiếng ở Tokyo bạn nên ghé qua chính là Fukunoyu - một nhà tắm công cộng mang phong cách cổ điển, nơi bạn có thể vừa ngâm mình và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật thú vị, Oshiage Onsen Daikokuyu - nơi có bồn tắm thảo mộc và phòng xông hơi muối hay Niwanoyu - nơi có bồn tắm lộ thiên hướng ra một khu vườn xinh xắn.

Lời kết

Tắm suối nước nóng là một trong những trải nghiệm thú vị bạn nhất định không thể bỏ lỡ khi đến Nhật Bản. Không những giúp thư giãn, điều trị bệnh, việc ngâm mình trong suối nước nóng còn giúp bạn cảm nhận được nét văn hóa truyền thống độc đáo của xứ sở hoa anh đào. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về văn hóa tắm suối nước nóng của người Nhật cũng như những đặc trưng riêng của onsen Nhật Bản. 

Ảnh tiều đề: Sean Pavone / Shutterstock.com

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Nguyen
Nguyen Thanh Lien
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng