Trải nghiệm đi hát Karaoke ở Nhật Bản! Những điều có thể bạn chưa biết về Karaoke tại Nhật Bản

Karaoke là một hình thức giải trí phổ biến trên toàn thế giới xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1970. Trải qua nửa thập kỷ, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã có rất nhiều trò chơi giải trí mới lạ khác được ra đời, nhưng karaoke vẫn luôn là lựa chọn số một mỗi khi con người cần tìm đến một công cụ để thư giãn và giải trí cho các cuộc vui. Có thể bạn không còn lạ gì với karaoke vì nó phổ biến đến nỗi bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng nếu có cơ hội được đặt chân đến Nhật Bản - quê hương của loại hình giải trí này thì bạn nên thử trải nghiệm chúng ít nhất một lần. Bạn sẽ phát hiện ra có rất nhiều điều mới lạ và khác biệt so với karaoke của đất nước mình. Dưới đây là một vài điều tôi đã khám phá ra sau khi đi hát karaoke ở Nhật.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

1. Giá cả: Hát karaoke “xuyên đêm” với mức giá siêu rẻ

Nếu như các quán karaoke ở Việt Nam thường tính tiền theo phòng và theo số giờ hát bất kể bạn đi bao nhiêu người thì tại Nhật giá tiền lại được tính theo đầu người. Nghĩa là cho dù bạn có đi đông hay đi ít thì số tiền bạn phải trả vẫn như vậy. Trung bình các quán karaoke ở Nhật thường có giá từ 100 ~ 500 yên/30 phút, một số nơi giá có thể rẻ hơn hoặc đắt hơn tùy theo các khung giờ khác nhau trong ngày.

Ngoài ra, còn một điểm đặc biệt nữa ở Nhật là các quán karaoke tại đây thường có một khung giờ gọi là Freetime, nghĩa là bạn chỉ cần trả một số tiền nhất định và có thể hát thoải mái trong khoảng thời gian này. Thông thường các quán karaoke sẽ có 2 khung giờ Freetime vào ban ngày từ khoảng 10:00 ~ 19:00 và ban đêm từ 22:00 ~ 5:00 sáng (*) ngày hôm sau. Giá hát Freetime buổi đêm thông thường sẽ cao hơn một chút vì đây là khoảng thời gian có nhiều người đi hát, nhưng sẽ giao động trong khoảng từ 900 ~ 1,500 yên tùy mỗi quán. So với việc hát theo giờ thì nếu bạn hát liên tục trong khoảng 5-6h thì mức giá Freetime kia chẳng phải là quá rẻ hay sao? Với những ai đam mê ca hát và luôn cảm thấy thiếu khi đi hát karaoke bình thường thì Freetime là một lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

* Khung giờ có thể khác nhau giữa các quán nên hãy kiểm tra thông tin thật kỹ trước khi đến nhé.

2. Thanh toán trước khi vào hát!? Hãy đăng ký thành viên để được giảm giá hơn nữa!

Đúng vậy, có nhiều quán karaoke ở Nhật thường yêu cầu khách hàng phải thanh toán trước khi vào hát. Nếu hát tính giờ bình thường bạn sẽ phải tính toán trước xem sẽ hát mấy tiếng để tính tiền và thanh toán luôn. Việc này giúp cho các quán kiểm soát được thời gian hát của khách hàng, và trong thời điểm đông khách những người đến sau có thể biết được là họ cần phải chờ bao lâu để tới lượt mình. Tuy nhiên, với những người đi hát cách thanh toán này đôi khi hơi bất tiện, bởi trong trường hợp bạn muốn hát thêm bạn buộc phải gia hạn thêm thời gian. Với những ai lựa chọn khung giờ Freetime bạn chỉ việc trả theo mức giá đã quy định và hát đến khi hết giờ hoặc đến khi nào không hát được nữa thì thôi. 

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều cửa hàng cho phép bạn thanh toán sau, điều này giúp cho bạn có thể hát hò thoải mái hơn, về sớm hoặc về muộn tùy thích mà không bị gò bó bởi khung giờ đã chọn trước đó.

Có một điểm đặc biệt nữa bạn cần lưu ý khi đi hát karaoke ở Nhật, đó là khi thanh toán, nhân viên tại quán sẽ hỏi bạn xem đã đăng ký thành viên chưa, bởi nếu là thành viên của quán bạn sẽ được giảm giá từ khoảng 50 yên ~ 100 yên so với giá thông thường. Việc đăng ký này cũng vô cùng đơn giản và thường chỉ mất 1-2 phút, đa số thường đăng ký qua LINE bằng cách chụp mã QR của cửa hàng. Nhân viên tại quán sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký nên bạn không cần phải quá lo lắng. Và lưu ý là một số nơi sẽ yêu cầu bạn phải xuất trình giấy tờ tùy thân, nên tốt nhất khi đi hát ở Nhật nhớ cầm theo những giấy tờ cần thiết nhá. Ngoài ra, với những bạn đang là sinh viên, nhớ cầm theo thẻ sinh viên đi vì sẽ được hưởng một mức giá ưu đãi hơn nữa đó!

3. Đồ uống tại quán Karaoke: “One drink” và “Drink bar”?

Có một số quán karaoke tại Nhật sẽ có quy định “One drink” bắt buộc một người khi vào hát phải gọi 1 đồ uống bất kỳ. Giá của món đồ uống này chưa có trong tiền phòng và sẽ được tính riêng. Thông thường, đây là quy định bắt buộc khi bạn lựa chọn hát tính tiền theo giờ nên ngay cả khi bạn không muốn uống thì cũng khó lòng mà từ chối được. 

Còn đối với những người hát trong khung giờ Freetime, đa số sẽ chọn “Drink bar” (uống không giới hạn hay còn gọi là “Nomihodai”) vì cách này là rẻ nhất, bạn có thể uống thỏa thích để có sức “chiến đấu” đến tận sáng hôm sau. 

Thông thường sẽ có 2 kiểu lựa chọn đồ uống như vậy, tuy nhiên, hiện nay các quán karaoke ở Nhật cũng khá linh hoạt trong việc phục vụ đồ uống. Nhiều nơi, bạn có thể tự do lựa chọn có gọi đồ uống hay không bất kể hát theo hình thức nào. Hay một số nơi, giá tiền hát Freetime đã bao gồm tiền đồ uống “Drink bar” trong đó và được chia thành các lựa chọn khác nhau như đồ uống có cồn, nước ngọt, hoặc cả hai. Có rất nhiều món đồ uống đa dạng khác nhau từ nước hoa quả, sinh tố, trà sữa cho đến các loại rượu, cocktail, sẽ khiến bạn mất khá nhiều thời gian để quyết định xem nên lựa chọn món nào đó.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

4. Đồ ăn với nhiều lựa chọn đa dạng từ mì cho đến các món rán, đồ Ý

Không giống như các quán karaoke ở Việt Nam đồ ăn được đặt sẵn ở trong phòng hát, tại Nhật Bản bạn sẽ phải gọi món giống như ở các cửa hàng. Tại đây bạn có thể gọi đồ qua chiếc Intercom gắn trên tường. Bên cạnh đồ uống thì đồ ăn tại các quán karaoke ở Nhật cũng vô cùng đa dạng bao gồm các món như pizza, xúc xích, gà rán (karaage), salad, takoyaki, okonomiyaki, các món mì,... Nhiều quán còn có cả những set party dành cho những nhóm muốn tổ chức tiệc tại quán. Với những người không hay hát lắm nhưng vẫn “phải” đến quán chắc chắn sẽ cảm thấy hào hứng hơn sau khi xem thực đơn tại đây. Đây chắc chắn là địa điểm tuyệt vời để bạn vừa có thể ăn uống, hát hò mà không cần phải di chuyển đến nhiều nơi.  

Klook.com

5. Hito-kara: Hát karaoke một mình

Không chỉ có những quán karaoke thông thường, tại Nhật còn có một mô hình karaoke độc đáo khác gọi là “Hito-kara” - karaoke một người. Hẳn bạn cảm thấy ngạc nhiên với việc đi hát karaoke một mình, nhưng ở Nhật đây là điều hết sức bình thường và có rất nhiều quán karaoke ra đời phục vụ nhu cầu này của người dân. Nếu xét về các trang thiết bị thì các quán Hito-kara này đôi khi còn được đánh giá cao hơn những quán karaoke thông thường. Ở một số quán có trang bị tai nghe giúp người hát có thể cảm nhận giai điệu bài hát rõ hơn. Vừa nghe âm thanh trực tiếp vừa hát chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hào hứng và bùng nổ hơn trong từng vần điệu của lời bài hát. Bên cạnh đó, những chiếc mic điện dung (Condenser microphone) cũng được nhiều quán Hito-kara sử dụng thay cho những chiếc mic thông thường giúp việc thu âm trở nên hiệu quả hơn, âm thanh phát ra sẽ sắc nét và trong hơn. Ngoài ra, nếu bạn muốn thu âm chính giọng hát của mình thì những quán karaoke một người này cũng có đầy đủ thiết bị để bạn có thể làm được điều đó. 

Nhiều người Nhật rất thích đi hát karaoke một mình bởi tại đó họ có thể thoải mái thể hiện bản thân, việc hát hay hay hát dở cũng không thành vấn đề. Hát karaoke một mình cũng giúp tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều, vì bạn không cần phải chờ đợi người khác hát xong để đến lượt mình. Bên cạnh không gian thoải mái, thì những trang thiết bị hiện đại cũng là một trong những điểm thu hút với những người đang tìm kiếm không gian để luyện giọng, bởi nhìn qua thì Hito-kara trông không khác gì một “phòng thu không chuyên”. Đây cũng là một trong những nơi bạn nên thử trải nghiệm khi đến Nhật Bản.

6. Văn hóa hát karaoke: Lần lượt mỗi người một bài

Nếu đã từng đi hát với người Nhật bạn sẽ phát hiện ra người Nhật thường hát theo thứ tự lần lượt từng người một chứ không theo kiểu lộn xộn ai thích hát thì hát như ở Việt Nam. Việc hát theo kiểu “xếp hàng” như vậy cũng khá hay vì nó đảm bảo tất cả mọi người đều được hát số lượng bài như nhau. Ngoài ra, trong khi hát người Nhật không có thói quen xen vào bài hát của người khác, nên cho dù bạn có thích bài hát đó đến đâu thì cũng cố gắng đừng hát xen vào khi họ đang hát nhé. Có vẻ những điều này đều là những quy định bất thành văn nhưng chỉ cần để ý một chút là bạn sẽ nhận ra ngay. 

7. Karaoke - Phòng nghỉ lý tưởng để ngủ qua đêm

Các quán karaoke ở Nhật phần lớn đều mở cửa đến 5 giờ hoặc 6 giờ sáng, nên nơi đây trở thành chốn nghỉ chân qua đêm lý tưởng cho rất nhiều người, đặc biệt là những người đi làm về muộn hoặc vì một lý do nào đó bị lỡ mất chuyến tàu cuối cùng. Có rất nhiều lựa chọn nếu bạn bị lỡ chuyến tàu cuối như tìm kiếm một khách sạn giá rẻ hay một quán cafe internet, nhưng karaoke có vẻ như là lựa chọn phổ biến hơn cả vì chúng khá phổ biến và chi phí cũng rất là rẻ. Vừa có thể giải trí vừa có thể nghỉ ngơi, đây là nơi rất đáng để bạn cân nhắc nếu chẳng may bị lỡ tàu không về được hoặc đang muốn tìm nơi giá rẻ để ngủ lại qua đêm khi đến Nhật đó!

Bạn thấy sao về văn hóa hát karaoke ở Nhật, chắc hẳn có nhiều điều khác lạ so với việc đi hát ở đất nước của mình đúng không nào? Nếu có dịp du lịch đến Nhật Bản đừng quên trải nghiệm hoạt động thú vị này cùng bạn bè nhé và chia sẻ nó cho chúng tôi nhé!


Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang FacebookTwitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Nguyen
Nguyen Loan
Tôi là một người Viêt hiện đang sinh sống ở Tokyo. Tôi đã ở Nhật được 2 năm và hy vọng có thể ở đây lâu hơn nữa để tiếp tục khám phá những điều thú vị về những vùng đất mới lạ và con người nơi đây. Thông qua những bài viết trên Tsunagu Japan, hy vọng có thể gửi đến các bạn những trải nghiệm của bản thân, đưa mọi người đến gần hơn với nước Nhật.
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng