Những điều cần biết về việc tăng thuế tiêu dùng tại Nhật Bản tháng 10/2019

Vào ngày 1/10/2019, thuế tiêu dùng tại Nhật Bản đã được điều chỉnh tăng từ 8% lên mức 10%. Chính phủ Nhật Bản thi hành luật sửa đổi này nhằm mục đích đảm bảo các nguồn lực an sinh xã hội cho tương lai dài hạn của đất nước. Tuy nhiên, nó không chỉ đơn giản là câu chuyện tăng thuế mà đằng sau đó là cả một vấn đề tương đối phức tạp. Chẳng hạn, việc một số mặt hàng như thực phẩm được xếp vào nhóm giảm nhẹ thuế suất, không bị áp mức thuế 10%, hay ngay cả khái niệm về việc đi ăn ngoài tiệm cũng được phân chia khá rắc rối. Vậy những điều này có ảnh hưởng thế nào đến khách du lịch cũng như những người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích một cách dễ hiểu nhất về cơ cấu tăng thuế cùng những mặt hàng không chịu ảnh hưởng của việc tăng thuế tới đây.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Thuế tiêu dùng Nhật Bản tăng từ 8% lên 10%

Từ 0h ngày 1/10/2019, thuế tiêu dùng Nhật Bản đã tăng từ 8% lên mức 10%. Nhìn lại những thời điểm tăng thuế trong quá khứ, thuế tiêu dùng lần đầu tiên được áp dụng vào tháng 4/1989 ở mức 3%, sau đó tăng lên 5% vào tháng 4/1997 và 8% vào tháng 4/2014. Lần tăng thuế tháng 10/2019 này là lần thứ ba chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng.

Do ảnh hưởng của việc già hóa dân số, các khoản chi phí an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội mà lớp người trẻ ở Nhật Bản phải gánh vác ngày một nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế thu nhập hay tăng thuế pháp nhân để đảm bảo nguồn tài nguyên bảo hiểm xã hội đang dồn trách nhiệm nhiều hơn về phía dân số trẻ. Để tránh việc tạo sức ép lên một nhóm đối tượng nhất định, Chính phủ đã đưa ra quyết định tăng thuế tiêu dùng, một phần cũng để chia sẻ trách nhiệm đảm bảo tài nguyên an sinh xã hội cho tất cả mọi người, bao gồm cả nhóm dân số già.

Tuy nhiên, đây không chỉ đơn giản là câu chuyện tăng thuế mà đằng sau đó là một cơ cấu tương đối phức tạp. Nguyên nhân là bởi Chính phủ vẫn áp dụng cả mức thuế cũ (8%) cho một vài mặt hàng trong lần tăng thuế này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về cơ cấu tăng thuế, những việc ảnh hưởng trực tiếp đến khách du lịch cũng như những người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản.

Thuế suất giảm nhẹ là gì?

Thuế suất giảm nhẹ, hay có thể hiểu đơn giản là việc một số mặt hàng giữ nguyên mức thuế 8% và không tăng (hoặc hiểu theo cách của người Nhật là việc giảm thuế từ 10% xuống còn 8%) dựa trên tinh thần giảm nhẹ gánh nặng về thuế tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng này. Các mặt hàng này được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 là các loại thực phẩm (trừ rượu bia và khi bạn đi ăn ở nhà hàng), nhóm 2 là báo (các loại báo được phát hành nhiều hơn 2 lần/tuần và được kí hợp đồng đặt mua định kì). Nhóm mặt hàng thứ hai có lẽ không quá ảnh thưởng đến khách du lịch nước ngoài, tuy nhiên đối với nhóm mặt hàng thứ nhất thì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Vậy cụ thể, ngoài rượu bia và khi đi ăn ngoài hàng, đối tượng nào thuộc nhóm thực phẩm được coi là mặt hàng giảm thuế suất?

Các mặt hàng được xếp vào nhóm thực phẩm

Các loại thực phẩm được áp mức thuế cũ 8% chủ yếu có gạo, rau, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, bánh mì, nước khoáng,... Về cơ bản, rượu bia không nằm trong nhóm đối tượng được giảm thuế suất, nhưng các loại bia không cồn hay các loại bánh kẹo có cồn vẫn nằm trong nhóm đối tượng này. Ngoài ra, các loại thuốc và các sản phẩm liên quan tuy không nằm trong nhóm được giảm thuế nhưng các loại thức uống dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm làm đẹp như nước tăng lực Red Bull và Monster Energy vẫn được giảm thuế suất.

Cho tới đây, việc phân biệt đâu là thực phẩm, đâu không phải là thực phẩm có lẽ vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn. Vấn đề ở đây nằm ở chỗ việc đi ăn ngoài hàng không được tính trong nhóm đối tượng này.

Định nghĩa về việc đi ăn ngoài hàng

Chẳng hạn, nếu bạn mua cơm hộp tại một cửa hàng tiện lợi và ăn nó ngoài cửa hàng thì đó chỉ được coi là việc mua bán thực phẩm đơn thuần và mức thuế áp dụng là 8%. Nhưng nếu bạn ăn tại cửa hàng thì bạn sẽ bị tính thuế 10%. Trong tình huống này, nếu người mua hàng chưa quyết định sẽ ăn tại cửa hàng hay mang về hoặc họ nói rằng mang về nhưng lại ăn tại cửa hàng thì sẽ rất khó để phân định mức thuế chính xác.

Cũng giống như cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng cơm như Yoshinoya, Sukiya, Matsu-ya, các tiệm thức ăn nhanh như McDonald's, KFC hay các cửa hàng cà phê như Starbucks, nếu mua mang về, bạn sẽ được tính mức thuế 8% và đương nhiên, nếu bạn ăn ngay tại cửa hàng thì chúng sẽ không được xếp vào nhóm đối tượng được giảm thuế. Bức ảnh ở trên là một ví dụ khi Starbucks hỏi khách hàng của mình lúc thanh toán rằng họ sẽ dùng cà phê ở đâu, trong cửa hàng hay mang đi.

Nếu nơi bạn mua đồ không phải là cơ sở có mục đích kinh doanh chính là buôn bán và cung cấp thực phẩm thì điều này còn phức tạp hơn nữa. Tại những cửa hàng hoặc tiệm ăn không có bàn ghế, người ta sẽ xếp các mặt hàng ở đây thuộc nhóm đối tượng được giảm thuế, còn nếu những cửa hàng này có bàn ghế, các mặt hàng sẽ được tính là đồ ăn ngoài hàng và bị tính thuế như bình thường. Ngoài ra, việc ăn uống trong quán karaoke, vì có bàn ghế nên cũng sẽ bị tính là ăn ngoài hàng và không tính vào đối tượng được giảm thuế. 

Quy định ở rạp chiếu phim còn phức tạp hơn nữa. Nếu bạn mua bỏng và nước uống ở rạp chiếu phim và mang vào phòng chiếu để thưởng thức cùng bộ phim, bạn sẽ được tính mức thuế 8%. Tuy nhiên, nếu bạn ăn và uống ngay tại khu bàn ghế cạnh quầy bỏng, nước, bạn sẽ bị tính mức thuế 10%.

Tóm lại, bạn chỉ cần nhớ rằng, nếu bạn mua thực phẩm ở những cửa hàng không chuyên bán đồ ăn, thức uống nhưng có bàn ghế phục vụ việc ăn uống thì bạn sẽ bị tính thuế 10%, còn nếu không, chúng sẽ được tính 8%.

Trường hợp bánh kẹo có kèm quà khuyến mại không được tính vào đối tượng giảm thuế

Các món ăn vặt quen thuộc của Nhật Bản như "Bikkuriman Chocolate" (có nhãn dán nhân vật) hay kẹo caramel Glico có phần thưởng, cũng như bộ tách trà và trà là những ví dụ điển hình của các loại bánh kẹo có kèm khuyến mại mà chúng tôi muốn đề cập tiếp theo đây. Nếu thỏa mãn 2 điều kiện dưới đây, các mặt hàng này sẽ được tính vào đối tượng giảm thuế.

1.Các mặt hàng có giá chưa thuế dưới 1 vạn yên.
*Nếu có giá chưa thuế trên 1 vạn yên, chắc chắn các mặt hàng này nằm ngoài đối tượng được giảm thuế.

2.Tỉ lệ giá của thực phẩm chiếm trên 2/3 giá trị sản phẩm
*Ví dụ trong trường hợp bạn mua hết 6,000 yên, trong đó trà 4000 yên và bộ ấm chén 2000 yên, giá của trà chiếm 2/3 tổng giá trị nên mặt hàng này được xếp vào nhóm giảm thuế.

Nói cách khác, đối tượng giảm thuế là thực phẩm, nếu phần chính của mặt hàng không phải là thực phẩm thì mặt hàng đó không được tính vào nhóm thực phẩm.

Như đã nêu ở trên, những loại bánh kẹo có kèm quà tặng như "Bikkuriman Chocolate" (có tặng kèm những chiếc tem dán) nhưng phần sô cô la vẫn chiếm phần chính, trên 2/3 giá trị mặt hàng nên sẽ được coi là mặt hàng giảm thuế. Tuy nhiên, kẹo có quà tặng của Glico lại có phần thưởng là chính, giá trị của đồ ăn không được tới 2/3 giá trị mặt hàng nên nó sẽ nằm ngoài đối tượng được giảm thuế.

Về khoản này, có lẽ sẽ rất khó cho người tiêu dùng để có thể phán đoán được đâu là đối tượng được giảm thuế, do đó bạn nên tìm hiểu trước qua internet hoặc hỏi nhân viên cửa hàng để biết thêm chi tiết.

Ở Nhật Bản thường hay có những chiến dịch ngắn hạn như là tặng kèm nước uống khi mua sản phẩm. Trong trường hợp này, quà đính kèm không phải để bán, cho dù không có quà tặng kèm, giá của mặt hàng cũng không thay đổi, nói cách khác, quà đính kèm có giá là 0 yên, do đó, thực phẩm vẫn chiếm trên 2/3 giá trị sản phẩm và chúng sẽ vẫn được giảm thuế.

Những điểm thay đổi khác

Cùng với sự điều chỉnh thuế lần này, trong vòng 9 tháng kể từ ngày 1/10/2019 đến tháng 6/2020, nếu bạn sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt (cashless) tại các cửa hàng vừa và nhỏ, bạn sẽ được hoàn lại 2-5% điểm thưởng.

Để tránh việc "giảm nhiệt" trong chi tiêu do ảnh hưởng của việc tăng thuế, sau một khoảng thời gian kể từ ngày áp dụng mức thuế mới, Chính phủ thực hiện chính sách hoàn tiền bằng điểm thưởng. Phương thức hoàn tiền có hai loại: Hoàn tiền bằng điểm thưởng hoặc hoàn tiền tại chỗ. Đối với khác du lịch thì phương thức hoàn tiền thứ hai sẽ có lợi hơn. 

Các hình thức thanh toán và các cửa hàng bạn có thể được hoàn tiền ngay lập tức gồm có:

  • Các loại thẻ credit như JCB、SMBC、SAISON CARD、UC、MUFG...
  • Các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn như 7-eleven, Family Mart, Lawson, Ministop.

Bạn có thể tham khảo thêm tại trang web này (tiếng Nhật)

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Thời điểm thay đổi thuế suất

Tới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem những cửa hàng hoạt động động 24 giờ hay những chiếc xe taxi chạy xuyên đêm sẽ thay đổi thuế suất vào thời điểm nào của ngày 1/10 nhé!

Những cửa hàng kinh doanh 24 giờ sẽ thay đổi thuế suất vào thời điểm nào?

Mỗi cửa hàng lại có thời điểm điều chỉnh thuế khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ điển hình.

  • 3 "ông lớn" cửa hàng tiện lợi 7eleven, Familymart, Lawson sẽ áp dụng mức thuế 8% nếu như sản phẩm đầu tiên được quét mã vẫn trong ngày 30/9 (ví dụ nếu bạn mua 3 sản phẩm, nếu sản phẩm đầu tiên được quét mã lúc 23:59 ngày 30/9, 2 sản phẩm sau được quét mã lúc 00:01 ngày 1/10 thì hóa đơn của bạn vẫn được tính thuế 8%).
  • Tập đoàn Skylark điều hành chuỗi nhà hàng gia đình lớn Gusto, Bamiyan, Jonathan, v.v. sẽ tính mức thuế 8% cho khách hàng gọi món trước 00:00 ngày 1/10, những khách hàng gọi món sau thời điểm này sẽ bị tính mức thuế 10%.
  • Cửa hàng thuốc 24h Sugi tính mức thuế 8% cho khách hàng bắt đầu thanh toán trước 11:59:59, các hóa đơn bắt đầu thanh toán sau thời điểm đó sẽ tính mức thuế 10%.
  • Quán Karaoke Tetsujin tính mức thuế 10% từ giờ mở cửa của sáng hôm sau.

Taxi sẽ thay đổi mức thuế vào thời điểm nào?

Việc điều chỉnh thuế sẽ khác nhau giữa các công ty taxi. Công ty taxi lớn - Teito Auto Transport, vẫn sẽ tính mức thuế 8% cho hành khách lên xe trước 1/10. Tương tự, Sanwa Transport sẽ chuyển sang 10% đối với những xe bắt đầu xuất phát từ ngày 1/10. Mặt khác, Nihon Kotsu, công ty lớn nhất trong ngành, hiện tại vẫn chưa quyết định mức thuế suất cho thời điểm chuyển giao.

Trên đây là phần giải thích đơn giản về việc điều chỉnh thuế tiêu dùng tại Nhật Bản dành cho khách du lịch và người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản. Hi vọng bài viết có thể giúp ích cho chuyến thăm xứ sở anh đào sắp tới của bạn!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

tsunagu
tsunagu Japan
Xin chào, đây là tài khoản chính thức của Tsunagu Japan
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng