Những câu chuyện cảm động về hoa anh đào Nhật Bản và ý nghĩa của loài hoa này

Hoa anh đào là một loài hoa gắn liền với đất nước Nhật Bản. Không chỉ xuất hiện phổ biến trong đời sống hàng ngày, hoa anh đào còn xuất hiện qua những tác phẩm nghệ thuật và cả những câu chuyện của người dân đất nước này. Những bông hoa anh đào mùa xuân mang một vẻ đẹp tinh khôi và tươi mới, nhưng ẩn chứa đằng sau là những câu chuyện thú vị mang ý nghĩa sâu sắc. Hãy cùng tìm hiểu về những câu chuyện cảm động đằng sau loài hoa này cũng như ý nghĩa biểu tượng của chúng qua bài viết dưới đây của tsunagu Japan nhé!

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

Câu chuyện thứ 1: Hoa Anh Đào ngày 16 (Jiu Roku Zakura, Koizumi Yakumo)

Ở Wakegori - một huyện của thành phố Iyo Nhật Bản (nay thuộc tỉnh Ehime) có một cây anh đào cổ thụ tên là Jiuroku-zakura, hay còn được gọi là "Cây anh đào ngày 16” bởi lẽ cây hoa anh đào này không nở vào mùa hoa anh đào tháng 3 - tháng 4 mà lại ra hoa vào tháng Giêng âm lịch hàng năm - thời điểm lạnh giá nhất trong năm. Tương truyền rằng, đó là do bên trong cây anh đào này có linh hồn của một võ sĩ samurai Nhật Bản.

Trước đây, cây anh đào này được trồng tại sân vườn của một võ sĩ samurai và đã gắn bó với gia đình của ông qua nhiều thế hệ. Thời thơ bé của ông gắn liền với những buổi chiều chơi đùa dưới gốc cây và những năm tháng sống cùng gia đình. Vì vậy, với ông, cây anh đào không chỉ là một cái cây thông thường, mà còn chứa đựng nhiều kỷ niệm quý báu. Theo thời gian, người thân của vị samurai dần mất đi, chỉ có mỗi cây anh đào là ở lại khiến vị samurai ngày càng trân quý cây anh đào này hơn.

Cây chính là điều quý giá nhất còn lại trên đời với ông nhưng rồi một ngày, cây bắt đầu khô héo và chết. Vị samurai đã rất đau khổ. Thấy vậy, những người hàng xóm đã đến an ủi và trồng cho ông một cây anh đào nhỏ khác để ông vơi đi nỗi buồn, nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi.

Sau một thời gian, vào ngày 16 tháng Giêng năm nọ, khi đó vẫn còn là mùa đông, tuyết rơi phủ trắng vườn, vị samurai già bước ra sân, cúi đầu trước cây hoa và thì thầm: “Làm ơn, xin hãy nở hoa một lần nữa, hãy nở hoa lần cuối và tôi nguyện sẽ hi sinh thay cho những bông hoa rực rỡ kia”. Sau đó, vì quá đau buồn, ông đã gục xuống gốc cây và tự sát! Linh hồn của vị samurai đã hòa quyện vào cây, đúng như ước nguyện của ông, sau khi vị samurai kia mất đi, cây anh đào bắt đầu ra hoa trở lại. Kể từ đó, cây anh đào nọ vẫn tiếp tục ra hoa ngay giữa mùa đông, vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm.

Câu chuyện thứ 2: Cây anh đào của nhũ mẫu - (Ubazakura, Koizumi Yakumo)

Ngày xưa, tại một ngôi làng nọ tại Iyo, tỉnh Ehime có một người đàn ông tốt bụng tên là Tokubei. Ông vốn là trưởng làng và được người dân trong làng vô cùng kính nể. Dẫu đang sống một cuộc sống sung túc nhưng Tokubei lúc nào cũng canh cánh nỗi buồn trong lòng vì đã hơn 40 tuổi rồi nhưng vợ chồng ông vẫn chưa có được mụn con nào. 

Vào một ngày nọ, Tokubei quyết định ghé thăm một ngôi chùa thiêng có tên là Saiho-ji ở làng Asami Mura. Ông thành tâm cầu nguyện để vợ ông sinh cho ông một người con. Mong ước của Tokubei đã động lòng thánh thần và chẳng bao lâu sau, vợ ông đã sinh ra một bé gái xinh xắn, đặt tên là Tsuyu. Nhưng vì người mẹ không có đủ sữa nên họ đã thuê một nhũ mẫu có tên là O-Sode đến để chăm sóc và nuôi nấng Tsuyu. 

Tsuyu lớn lên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, kiều diễm, nhưng đến năm 15 tuổi, cô bé bỗng trở bệnh rất nặng đến nỗi tất cả thầy thuốc trong làng đều phải lắc đầu "bó tay". Thấy bệnh tình của Tsuyu ngày càng nghiêm trọng, nhũ mẫu O-Sode - người yêu thương cô bé như con đẻ của mình, trong lòng vô cùng xót xa. Trong suốt 21 ngày sau đó, ngày nào O-Sode cũng lên chùa Saiho-ji để cầu cho Tsuyu sớm khỏi bệnh. Tấm lòng của nhũ mẫu O-Sode đã khiến thần linh phải cảm động và sau đó, Tsuyu bỗng nhiên khỏi bệnh. Vợ chồng Tokubei thấy vậy trong lòng vui mừng khôn xiết và quyết định chọn ngày đẹp mở tiệc ăn mừng cho sự bình phục của con gái.

Nhưng cũng vào đêm đó, nhũ mẫu O-Sode bỗng đổ bệnh. Ngày hôm sau, gia đình Tokubei cho mời một vị thầy lang đến bắt mạch bốc thuốc cho O-Sode nhưng ông chỉ lắc đầu nói người nhũ mẫu sắp đến lúc lâm chung và không còn cách nào cứu chữa. Nghe vậy, gia đình Tokubei vô cùng thương xót và đến bên giường bệnh của người nhũ mẫu. O-Sode liền nói: "Trước lúc lâm chung, nhũ mẫu có điều cần nói. Nhũ mẫu đã cầu nguyện xin thần Fudo-sama trên trời cao cho nhũ mẫu được thế mạng cho Tsuyu yêu quý. Thần Fudo-sama linh thiêng đã thấu hiểu được tấm lòng này và cho nhũ mẫu được toại nguyện. Vì vậy, nhũ mẫu có thể ra đi thanh thản rồi, xin mọi người đừng thương tiếc. Nhưng trước khi ra đi, nhũ mẫu chỉ có một yêu cầu. Nhũ mẫu đã hứa với thần Fudo-sama, nếu mong ước của mình thành hiện thực, nhũ mẫu sẽ trồng một cây anh đào trong chùa Saihoji để tạ ơn thần. Nhưng e rằng, nhũ mẫu không thể nào thực hiện được lời hứa đó, vì vậy, xin hãy thay nhũ mẫu làm tròn lời hứa ấy". 

Sau đó, O-Sode nói lời từ biệt và nhắm mắt ra đi. Sau khi người nhũ mẫu qua đời, Tokubei đã trồng một cây hoa anh đào đắt giá nhất trong khu vườn của chùa Saiho-ji. Cây lớn lên và ra hoa vào năm sau, đúng một năm sau khi O-Sode qua đời. Vào ngày 16 tháng Hai âm lịch hàng năm, cây anh đào bắt đầu ra hoa, những bông hoa mang một màu trắng và hồng tinh khôi đến lạ. Người dân trong làng vô cùng cảm động trước câu chuyện về nhũ mẫu O Sode và gọi cây anh đào này là Ubazakura, nghĩa là cây anh đào nhũ mẫu. Hình tượng cây anh đào này chính là biểu tượng đẹp về đức hy sinh, tấm lòng chân thành và tình yêu thương giữa con người với nhau.

Câu chuyện thứ 3: Ông già làm hoa nở - Hanasaka Jiisan

Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ ở Nhật Bản, có đôi vợ chồng già sống trong một căn nhà nhỏ cùng chú chó của mình. Chú chó có màu trắng tinh và được đôi vợ chồng già thương yêu đặt tên là Shiro - có nghĩa là “màu trắng” trong tiếng Nhật. Một ngày nọ, khi đang chơi đùa trong sân, chú chó Shiro bỗng sủa vang và bắt đầu lấy chân cào xuống đất. Ông lão thấy làm lạ liền đào chỗ đó lên và phát hiện ra một chiếc nồi đất cũ đựng rất nhiều vàng.

Nghe tin ông lão đào được rất nhiều vàng, hai gã hàng xóm của ông đã nảy sinh lòng tham và đến hỏi ông lão cho mượn chú chó. Sau khi mang chú chó về nhà, hai gã dọa nạt và tìm mọi cách để bắt Shiro tìm vàng, nhưng chú chó chỉ đào được một khúc xương. Quá tức giận, hai gã hàng xóm đã giết chết chú chó. Tiếc thương chú chó của mình, ông lão đã mang Shiro đi chôn cất trong vườn và trồng một cái cây nhỏ trên mộ của chú. Theo thời gian, cây lớn rất nhanh và vào một đêm nộ, ông lão mơ thấy Shiro về nói với ông hãy chặt cây để làm một chiếc cối giã.

Sáng hôm sau, ông lão làm theo đúng theo lời của chú chó và khi dùng chiếc cối giã gạo, bất ngờ thay, gạo trong cối bỗng biến thành vàng. Người hàng xóm tham lam nọ biết chuyện, bèn đến mượn chiếc cối giã gạo của ông lão. Nhưng khi đem gạo vào giã, gạo trong cối chỉ biến thành rác. Bực tức, gã hàng xóm xấu xa mang cối đi đập nát rồi đốt thành tro. Đêm hôm sau, ông lão lại mơ thấy Shiro một lần nữa. Chú chó nói với ông lão hãy lấy tro của chiếc cối và rắc lên những cây hoa anh đào trong vườn. Sáng hôm sau, ông lão thức dậy và ra vườn rải một nắm tro. Tro theo gió, bay lên những cành cây khiến những hoa anh đào nở rộ.

Câu chuyện kỳ lạ của ông lão đã đến tai một vị lãnh chúa Daimyo sống tại một lâu đài gần đó. Vị lãnh chúa đi ngang qua, vô cùng ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những cây hoa anh đào, liền ban thưởng cho ông rất nhiều vàng. Lại một lần nữa, sau khi biết được ông lão được vị lãnh chúa thưởng hậu hĩnh, gã hàng xóm xấu xa lại nảy sinh lòng tham. Gã cũng ném một nắm tro lên cây nhưng tro bị gió thổi bay vào mắt của vị lãnh chúa. Tức giận, lãnh chúa tống gã vào ngục giam. Khi được thả, gã bị dân làng hắt hủi và đuổi ra khỏi ngôi làng. 

Hoa anh đào trong truyện “Ông già làm hoa nở” này dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong phần cuối câu chuyện nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc về lòng trung thành và sự biết ơn của chú chó Shiro với người chủ của mình. Đây cũng là lời nhắc nhở con người không được tham lam và phải sống khiêm nhường. 

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Câu chuyện thứ 4: Câu chuyện tình yêu hoa anh đào (Shinjitsu no Ai no Monogatari)

Câu chuyện này bắt đầu từ hàng trăm năm trước ở Nhật Bản - thời kỳ mà các lãnh chúa phong kiến đang tranh giành quyền lực và nổ ra những cuộc chiến khủng khiếp, khiến đất nước chìm trong hoang tàn. Trong khi phần lớn mọi nơi đều bị chiến tranh tàn phá, duy chỉ có một khu rừng nọ là vẫn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó với những tảng đá phủ đầy rêu và các loài động vật hoang dã. Ẩn sâu bên trong khu rừng này là một cái cây - một cái cây không có sức sống và chưa bao giờ nở hoa. Cây trông như thể sắp héo tàn, cô đơn và hiu quạnh đối lập với khung cảnh thiên nhiên tươi tốt tại khu rừng.

Một đêm nọ, một nàng tiên xuất hiện và làm phép biến cây trở thành một người đàn ông, tuy nhiên người này chỉ sống được trong vòng 20 năm. Nàng tiên tốt bụng nghĩ rằng nếu có được những xúc cảm như con người, cây sẽ bớt ủ rũ và héo mòn. Thế nhưng nhiều năm trôi qua, dù mang hình hài một con người, cây vẫn không tìm thấy được một chút rung cảm nào, thậm chí còn cảm thấy căm phẫn loài người vì những cuộc chiến tranh mà họ gây ra. Một ngày nọ, khi đang đi bộ dọc con sông, cây nhìn thấy một cô gái xinh đẹp. Cô gái tên là Sakura và đối xử rất tốt với cây. Anh giúp cô gánh nước về nhà và bắt đầu tâm sự về chiến tranh và cách họ mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho Nhật Bản.

Khi được hỏi tên của anh ta là gì, cây đã nghĩ đến cái tên "Yohiro" - có nghĩa là hy vọng. Hai người dần trở thành những người bạn tốt và gặp nhau hàng ngày để trò chuyện, hát, đọc thơ và giãi bày tâm sự. Yohiro đã bắt đầu cảm nhận được tình cảm của mình dành cho cô gái và đã kể cho cô nghe sự thật. Nghe vậy, Sakura chỉ im lặng, không nói một lời. Cho đến một ngày nọ, Sakura chạy đến bên Yohiro. Cô ôm anh và nói với anh rằng cô cũng yêu anh và cô muốn mãi mãi ở bên anh. Nghe vậy, nàng tiên đã đến và biến mong ước của Sakura thành hiện thực, là được cùng Yohiro trở thành một cái cây và đó chính là cây hoa anh đào - sakura.

Trong khi hoa anh đào trong câu chuyện về chú chó Shiro là biểu tượng đẹp về lòng trung thành thì trong câu chuyện này, hoa anh đào lại mang ý nghĩa tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu của Yohiro và Sakura. Hình ảnh hoa anh đào cũng thể hiện cho sự hi sinh vì người mình yêu thương của cô gái trong câu chuyện.

Klook.com

Lời kết

Dù không phải là quốc hoa của Nhật Bản nhưng hoa anh đào luôn được xem là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ để sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật của mình. Không chỉ xuất hiện trong các bức vẽ hay những bài thơ, hoa anh đào vốn đã gắn bó với người Nhật từ xa xưa qua những câu chuyện và dần trở thành một hình tượng dẫu quen thuộc nhưng mang rất nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Những câu chuyện về hoa anh đào không chỉ khẳng định hình ảnh hoa anh đào luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật Bản mà còn phần nào truyền tải những thông điệp ý nghĩa của cuộc sống đến con người! Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn sẽ hiểu hơn về loài hoa này và thêm trân quý những bông hoa anh đào hơn!

Ảnh tiêu đề: PIXTA

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Nguyen
Nguyen Thanh Lien
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng