Đặc sản mỗi miền! Ramen tại 47 tỉnh thành Nhật Bản khác nhau như thế nào? (Phần 1)

Ramen là một món ăn không những được yêu thích tại Nhật Bản mà còn nổi tiếng đối với thực khách trên toàn thế giới. Du khách đến Nhật Bản không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn này. Tuy nhiên không phải ramen ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Nhật Bản cũng đều có hương vị giống nhau. Vì vậy, bài viết này sẽ chỉ ra những nét khác nhau đặc trưng cơ bản của món mì ramen tại 47 tỉnh thành ở Nhật Bản.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

This post may contain affiliate links. If you buy through them, we may earn a commission at no additional cost to you.

1. Hokkaido

Asahikawa Ramen (Asahikawa)

Món mì ramen đặc trưng của vùng Asahikawa chắc chắn sẽ khiến bạn ấn tượng bởi nước dùng được nấu từ hải sản, xương heo và gà. Thay vì sử dụng các gia vị thông thường như muối ăn và tiêu người ta thêm chút nước tương shoyu khi chế biến nước dùng. Mì thường được ăn với thịt lợn hầm thái lát mỏng cùng với măng và hành lá. Nếu bạn đến Asahikawa, đừng quên ghé qua quán mì ramen nổi tiếng Santoka. Quán có chi nhánh trên khắp Nhật Bản, thậm chí còn xuất hiện ở Bắc Mỹ và Đông Nam Á, nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi bạn thưởng thức món ăn này tại chính quê hương của nó.

Sapporo Ramen (Sapporo)

Sapporo ramen được biết đến là một trong ba loại ramen thơm ngon nhất ở Nhật Bản. Điều khiến loại ramen này được yêu thích chính là nhờ nước dùng ramen tonkotsu được hầm từ xương heo theo đúng tiêu chuẩn Sapporo. Nước dùng được pha thêm nước tương, muối và miso. Sợi mì ramen của vùng này thường dày và xoăn. Mì thường được ăn kèm rau xào, ngô, thịt hầm thái lát và tảo wakame. Đôi khi ramen tại đây còn phục vụ kèm theo cả hải sản. 

Hakodate ramen (Hakodate)

Hakodate ramen còn được biết đến với tên gọi là shina soba với nước dùng được ninh từ xương heo và xương gà, thường được nấu cùng với gia vị để hương vị thêm đậm đà. Thực khách thường ấn tượng với Hakodate Ramen bởi nước dùng trong vắt nhưng lại vô cùng đậm đà nhờ được ninh từ xương. Sợi mì thẳng và có độ dày vừa phải nên bạn có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon của nước dùng qua từng sợi mì. Mì thường được ăn kèm với thịt xá xíu, măng ngâm muối, tỏi tây, rau bina, ngô và vài lát chả cá naruto.

Kushiro Ramen (Kushiro)

Kushiro Ramen nằm trong top bốn món mì ramen ngon nhất ở Hokkaido, chỉ đứng sau Sapporo, Hakodate và Asahikawa ramen. Kushiro Ramen đặc trưng với sợi mì xoăn và rất mỏng. Có nhiều giả thuyết khác nhau về lý do tại sao Kushiro Ramen lại dùng sợi mì xoăn, siêu mỏng đến vậy. Một số người tin rằng đó là để rút ngắn thời gian nấu mì cho những ngư dân vùng Kushiro luôn bận rộn với công việc đánh cá ngoài khơi. Trong khi một số khác lại cho rằng những sợi mì mỏng có thể ngấm được nước súp dễ dàng hơn. Hơn nữa, nước dùng của Kushiro ramen được cho là nhạt hơn những loại ramen khác, do được làm từ nước tương với nước dashi (nước dùng từ cá bào), nên kết hợp ăn cùng sợi mì mỏng như vậy là rất hợp lý. Hương vị thơm ngon của mì Kushiro Ramen không chỉ nhờ nước dùng thanh nhẹ mà còn nhờ sự kết hợp hoàn hảo của thịt lợn xá xíu, ngô, măng, tảo và hành lá được phục vụ kèm. Chắc chắn món mì ramen này sẽ làm hài lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất.

Muroran curry ramen (Muroran)

Thông thường, chúng ta thường ăn cà ri với cơm hoặc bánh nan, nhưng bạn đã giờ nghe đến mì cà ri chưa? Nếu chưa thì hãy ăn thử món mì Muroran curry ramen. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên vì không thể ngờ rằng sự kết hợp này lại đem đến một món ăn thơm ngon đến như vậy. Muroran ramen là món mì có hương vị cà ri vô cùng độc đáo. Đây được coi là đặc sản của thành phố Muroran, tỉnh Hokkaido và được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1965 tại nhà hàng Aji No Daio. Có khoảng 30 nhà hàng ramen phục vụ món ramen cà ri này ở thành phố Muroran, nhưng Aji No Daio vẫn là quán nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất. Món mì được phục vụ kèm với thịt lợn xá xíu thái mỏng, hành lá, bắp cải, giá đỗ chiên, rong biển khô. Sợi mì dày và xoăn được làm từ bột mì của Hokkaido, vô cùng thơm ngon khi ăn kèm với nước dùng đậm đà hương cà ri.

2. Tohoku

Klook.com

Hachinohe Ramen (Aomori)

Hachinohe ramen là một món mì đến từ thành phố Hachinohe thuộc tỉnh Aomori. Đặc biệt, bất kỳ cửa hàng nào tại Nhật Bản đều không được phép phục vụ mì Hachinohe mà được cấp phép bởi Hiệp hội mì Hachinohe. Món mì ramen này độc đáo ở chỗ được chế biến với nhiều nguyên liệu địa phương như thịt gà từ vùng Nanbu hay cá cơm từ vùng Shirogane kết hợp với các loại rau trồng tại địa phương. Nước dùng của món mì này được làm từ nước tương và cá khô hầm chất lượng cao lấy trực tiếp từ cảng Hachinohe và vịnh Mutsu của tỉnh Aomori nên gây ấn tượng với thực khách nhờ hương vị đậm đà. Sợi mì dai và có độ dày vừa phải. Hachinohe ramen bắt đầu trở nên phổ biến khoảng 20 năm về trước sau khi tuyến Tohoku Shinkansen đến ga Hachinohe được thiết lập.

Tsugaru ramen (Aomori)

Tsugaru ramen là một món mì địa phương đến từ vùng Tsugaru, tỉnh Aomori và được lấy cảm hứng từ món mì Tsugaru soba địa phương. Cũng giống như Tsugaru soba, món ramen cùng tên này có nước dùng thanh nhẹ, được hầm từ cá cơm khô thay vì từ xương như các món mì tonkotsu khác. Hầu hết những nhà hàng địa phương đều phục vụ mì được nhào thủ công bằng tay nên sợi mì không những có độ mỏng vừa phải mà còn vô cùng thơm ngon. Ngoài ra, cũng giống như những loại mì ramen khác, Tsugaru ramen cũng được ăn kèm với thịt lợn hầm thái mỏng, măng và hành lá. Nếu bạn có dịp đến thăm vùng đất này đừng quên thử món Tsugaru ramen này nhé!

Kamaishi ramen (Iwate)

Kamaishi ramen là một món ramen địa phương của thành phố Kamaishi, tỉnh Iwate - nơi nổi tiếng với nghề đánh bắt cá. Món mì ramen Kamaishi ra đời vào giữa những năm 1950 như một món ăn có thể được phục vụ nhanh chóng cho những ngư dân trong giờ giải lao. Cũng giống như Kushiro ramen được giới thiệu bên trên, Kamaishi ramen có sợi mì cực mỏng, có thể nấu chín một cách dễ dàng. Nước súp trong và thanh, được nấu từ nước tương shoyu được ăn kèm với thịt lợn xá xíu và măng.

Jumonji ramen (Akita)

Jumonji ramen là một món ramen địa phương của khu vực Jumonji ở thành phố Yokote, tỉnh Akita. Món ăn này có lịch sử lâu đời và được cho là do nhà hàng Marutama ở Jumonji tạo ra vào khoảng năm 1935. Món mì ramen độc đáo ở chỗ không sử dụng muối ăn thông thường khi làm sợi mì nên khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm giác sợi mì có phần hơi nhạt nhưng lại khá vừa ăn khi nếm cùng với nước súp. Cũng giống như Tsugaru ramen, Jumonji ramen cũng được phục vụ kèm với măng và hành lá.

Kesen-numa ramen (Miyagi)

Kesen-numa ramen có nguồn gốc từ thành phố Kesen-numa thuộc tỉnh Miyagi. Nước dùng của món ramen này được ninh từ cá hầm với miso nên nước dùng có hương vị vô cùng thanh nhẹ, rất hợp khi ăn cùng với mì sợi nhỏ vừa phải. Kesen-numa ramen thường được phục vụ kèm với thịt lợn hầm, tảo, giá đỗ và măng.

Kitakata Ramen (Fukushima)

Kitakata ramen là một trong 3 loại ramen nổi tiếng của Nhật Bản bên cạnh Sapporo ramen của Hokkaido và Hakata ramen của Fukuoka. Trong khi Sapporo ramen được biết đến với nước dùng miso, Hakata ramen được biết đến với nước dùng tonkotsu đậm đà thì Kitakata Ramen nổi tiếng với nước dùng làm từ nước tương shoyu. Sợi mì của loại ramen này rất độc đáo, thường dẹt và dày khoảng 4mm. Tuy khá dày nhưng lại mềm và dễ ăn. Là món ramen có lịch sử lâu đời, Kitakata ramen được cho là đã được ra mắt cách đây khoảng 80 năm về trước. Kitakata ramen được ăn kèm với thịt xá xíu, măng menma và chả cá naruto. 

Yonezawa Ramen (Yamagata)

Nhắc đến khu vực Yonezawa là người ta nghĩ ngay đến món thịt bò trứ danh của vùng này. Chắc hẳn, bạn cũng thắc mắc liệu Yonezawa ramen có sử dụng thịt bò làm nguyên liệu chính hay không đúng không nào? Nhưng rất tiếc là không, món ramen này có nước dùng mang vị ngọt từ xương gà, các loại rau củ và cá cơm khô. Sợi mì khá mỏng nên vô cùng dễ ăn và ngấm vị ngọt của súp. Được cho là ra đời từ khoảng 90 năm trước như một món ăn đường phố, Yonezawa ramen có lịch sử lâu đời, thậm chí là hơn cả món Sapporo ramen nổi tiếng. Dù vùng Yonezawa vẫn nổi tiếng với những món ăn làm từ thịt bò, nhưng nếu bạn đến thăm nơi đây, đừng quên nếm thử món mì Yonezawa ngon tuyệt này nhé!

3. Kanto

Hachioji ramen (Tokyo)

Hachioji ramen là một món ăn ramen địa phương có nguồn gốc từ thành phố Hachioji thuộc tỉnh Tokyo. Được làm từ sợi mì mỏng với độ dày vừa phải ăn kèm với nước dùng được hầm từ xương và nước tương shoyu. Mì Hachioji ramen thường được ăn kèm với thịt heo quay, măng và hành lá băm nhỏ trộn với hành tây xay. Đặc biệt, trên bề mặt của món mì ramen này thường có những váng mỡ, giúp nước súp thêm ngậy và khiến món mì trở nên đậm đà hơn. Mặc dù bạn có thể tìm thấy món mì này tại bất kỳ đầu quanh khu vực Tokyo nhưng địa điểm tuyệt vời nhất để thưởng thức món này chính là Hachioji - nơi được coi là thánh địa của các cửa hàng mì ramen thơm ngon hảo hạng.

Klook.com

Kanagawa sanma-men (Kanagawa)

Có thể nói đặc sản của tỉnh Kanagawa là món mì sanma-men. Bạn cũng có thể bắt gặp món mì này được trưng bày tại Bảo tàng Shin-Yokohama Ramen. Được ra đời cách đây hơn 70 năm, món mì sanma-men này khiến bất kỳ thực khách nào cũng phải ấn tượng bởi lượng lớn rau củ và giá đỗ được phục vụ kèm với mì. Đó là do món mì này được ra đời vào khoảng thời gian sau chiến tranh, khi Nhật Bản chưa có nguồn thực phẩm dồi dào như bây giờ. Mặc dù các nguyên liệu chính trong mì sanma-men khác nhau tùy theo các cửa hàng, nhưng nhìn chung, nước dùng của loại mì thường được làm từ nước tương shoyu. Đặc biệt, các loại rau củ có trong sanma-men thường là các loại rau củ theo mùa như ớt xanh, nấm hương, nấm, giá đỗ và thịt lợn.

Katsuura tantanmen (Chiba)

Nếu muốn thưởng thức món mì Katsuura tantan-men tuyệt hảo nhất thì bạn nên đến thành phố Katsuura, tỉnh Chiba. Món mì này đã có từ lâu đời và được coi là một trong những món ăn địa phương được yêu thích nhất trong vùng. Với nước dùng thanh thanh từ shoyu, Katsuura tantan-men chắc chắn còn khiến bạn phải xuýt xoa hơn nữa với những miếng thịt xá xíu thơm ngon kèm với và hành tây chiên với ớt thơm nức mũi. Khác với những loại ramen thông thường, Katsuura tantan-men có vị hơi cay cay, rất thích hợp để ăn vào những ngày thời tiết lạnh.

Stamina ramen (Saitama)

Món mì stamina ramen của vùng Saitama được tạo ra cách đây hơn 40 năm, được phục vụ lần đầu tiên bởi nhà hàng Nyan Nyan - một nhà hàng Trung Quốc lâu đời ở tỉnh Saitama và quán mì Manman-tei nằm gần ga Omiya. Món ăn này rất được lòng thực khách bởi nước dùng thanh nhẹ từ shoyu ăn rất hợp với sợi mì mỏng. Ngoài ra, mì thường được phục vụ kèm với thịt lợn xá xíu, các loại rau mùi và hành tây. Khi thưởng thức nước dùng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm nồng của tỏi, gừng và vị cay nhẹ của ớt. Nổi tiếng khắp Saitama, món mì Stamina Ramen được Cục Du lịch và Quan hệ Quốc tế Saitama xếp vào danh sách những “món ăn linh hồn” của vùng và là một trong những món ăn địa phương hạng B của tỉnh.

Tofu miso ramen (Ibaraki)

Tofu miso ramen là một món ramen địa phương ở khu vực Bắc tỉnh Ibaraki. Theo như tên gọi, món ramen này được ăn kèm với đậu phụ và nước dùng là súp miso. Ban đầu, món ăn này chỉ đơn thuần là món súp miso ăn kèm với đậu và hẹ tây. Sau đó, người ta thêm ramen vào và từ đó, món Tofu miso ramen được ra đời và trở thành đặc sản của vùng Ibaraki. Được cho là nơi khai sinh ra ramen miso đậu phụ, Chugoku-hanten là một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất phục vụ món ăn này. Ramen tại Chugoku-hanten không quá cay nên cả trẻ em và người lớn đều có thể thưởng thức được.

Sano ramen (Tochigi)

Sano ramen của tỉnh Tochigi có lịch sử khá lâu đời. Món mì này được cho là ra đời vào thời Taisho (1912-1926). Điểm đặc biệt nhất của Sano ramen chính là kỹ thuật sản xuất mì "green bamboo" (bột mì được cán bằng một miếng lăn lớn làm từ tre. Người đầu bếp phải giữ con lăn dưới đầu gối để tăng trọng lượng và làm cho sợi mì mỏng mịn). Chính vì điều này mà khi thưởng thức sano ramen, bạn sẽ cảm thấy sợi mì không những thơm ngon mà còn vừa ăn. Sano Ramen thường được ăn kèm với thịt lợn và hẹ tây, rất hợp khi dùng với nước súp đậm đà được ninh từ thịt gà và nước tương shoyu.

Joshu-fujioka ramen (Gunma)

Ở thành phố Fujioka thuộc tỉnh Gunma, bạn sẽ tìm thấy nhiều cửa hàng ramen nổi tiếng và tại đó bạn sẽ gặp món ramen đặc trưng của vùng - Joshu-fujioka ramen. Điểm nổi bật ở Joshu-fujioka ramen chính là những sợi mì dày và xoăn, được nhào thủ công bằng tay theo công thức truyền thống của vùng. Nước dùng của món mì này thường được làm từ shoyu. Tuy nhiên, cũng có một số nhà hàng phục vụ nước dùng hầm từ xương gà để tăng độ đậm đà cho món mì. Cùng giống như hầu hết các loại ramen khác, Joshu-fujioka ramen được ăn kèm với thịt lợn hầm thái lát mỏng cùng măng và hành lá. 

Đọc tiếp phần 2

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ, hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook của chúng tôi!

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Người viết

Nguyen
Nguyen Thanh Lien
  • Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Tìm kiếm nhà hàng